Chức vô địch AFF Cup 2008 là dấu mốc đáng chú ý nhất của bóng đá Việt Nam trong hơn 20 năm qua dưới sự điều hành của VFF. |
Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) có tiền thân là Hiệp hội bóng đá Việt Nam (VFA), được thành lập vào năm 1960. Chủ tịch của VFA khi đó là Hà Đăng Ấn, cựu danh thủ và cũng là Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt. Tới năm 1964, Việt Nam được Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) công nhận là thành viên chính thức.
Tuy nhiên, phải đến 25 năm sau, VFF mới chính thức ra đời bằng đại hội thành lập vào ngày 28 và 29/8/1989 tại Câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội). Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, chiếc ghế chủ tịch VFF đã có nhiều biến động mà kéo dài đến tận bây giờ.
Nhiệm kỳ I (1989 - 1993): 2 đời chủ tịch
Ông Trịnh Ngọc Chữ, chủ tịch VFF khóa I. Ảnh: VFF. |
Năm 1989, thể thao Việt Nam bắt đầu hòa nhập trở lại với khu vực. Bóng đá cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Tại đại hội Ban chấp hành khóa VFF khóa I, ông Trịnh Ngọc Chữ, khi đó là Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã trúng cử chức chủ tịch VFF. Tuy nhiên đến năm 1991, ông Chữ được điều động sang công tác khác và ông Dương Nghiệp Chí được đưa lên làm quyền chủ tịch VFF cho đến hết nhiệm kỳ.
Nhiệm kỳ II (1993 - 1997): Người ngoại đạo giúp BĐVN có HLV ngoại
Những cách tân của HLV Đoàn Văn Xê không phải lúc nào cũng được ủng hộ từ chính người trong VFF. Ảnh: VFF. |
Ở nhiệm kỳ này, ông Đoàn Văn Xê, Tổng giám đốc ngành đường sắt Việt Nam được bầu làm chủ tịch. Vì là người ngoại đạo nên ông đã đấu tranh dữ dội với ngành thể thao để bóng đá Việt Nam có HLV ngoại. Ông Karl Heinz Weigang, người Đức được bổ nhiệm làm HLV ĐTQG. Dưới sự dẫn dắt của ông, ĐTVN đã đoạt HCB SEA Games 18 và HCĐ Tiger Cup 1996.
Nhiệm kỳ III (1997 - 2001): Quay lại dùng người nhà
Ông Mai Văn Muôn không để lại nhiều dấu ấn ở khóa III. Ảnh: VFF. |
Chỉ sau 1 nhiệm kỳ, VFF lại quay sang dùng người của ngành thể thao. Ông Mai Văn Muôn, khi đó là Phó chủ nhiệm ủy ban TDTT, trúng cử chủ tịch VFF. Tuy nhiên, ở nhiệm kỳ này, bóng đá Việt Nam không để lại nhiều dấu ấn. ĐTQG để tuột chức vô địch Tiger Cup 1998 dù thi đấu trên sân nhà. Sau đó, đội U23 quốc gia bị loại ngay sau vòng bảng tại SEA Games 2001.
ĐT Việt Nam để thua Singapore ở chung kết Tiger Cup 1998 trên sân nhà, một trận thua để lại nhiều tiếc nuối lẫn nghi ngờ. Ảnh: VFF |
Nhiệm kỳ IV (2001 - 2005): 4 năm, 3 đời chủ tịch
Đây là nhiệm kỳ đầy rẫy những biến động lớn. Ông Hồ Đức Việt, khi đó là Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên được bầu làm chủ tịch VFF. Dù không có chuyên môn về bóng đá nhưng với sự nhiệt tình, xông xáo ông đã tạo được dấu ấn lớn khi ĐTQG dưới thời HLV Calisto đoạt HCĐ Tiger Cup 2002.
Ông Mai Liêm Trực dù chỉ làm nửa nhiệm kỳ nhưng đã có những thay đổi lớn. Việc Việt Nam được đăng cai Asian Cup 2007 có công lớn của ông. |
Năm 2003, do bận nhiều công việc tại Ủy ban thường vụ Quốc hội, ông Hồ Đức Việt thôi giữ chức chủ tịch VFF. Phó chủ tịch Trần Duy Ly được BCH bầu làm quyền chủ tịch từ tháng 1-8/2003. Thời gian sau đó đến hết nhiệm kỳ, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng bộ bưu chính viễn thông được bầu làm chủ tịch VFF.
Nhiệm kỳ V và VI (2005 - 2013): Tái đắc cử rồi rút lui
Ông Nguyễn Trọng Hỷ từ nhiệm rồi đề bạt ông Lê Hùng Dũng làm quyền chủ tịch VFF vào ngày 5/12/2013. |
Cựu trưởng bộ môn bóng rổ Nguyễn Trọng Hỷ là chủ tịch có tuổi thọ dài nhất khi kéo dài qua 2 nhiệm kỳ với gần 8 năm công tác. Tuy nhiên, ngoài chức vô địch AFF Cup 2008, chức vô địch Merdeka Cup của đội U22 quốc gia, dấu ấn mà ông Hỷ để lại là quá ít.
Sau những thất bại liên tiếp của ĐTQG, đội U23 tại SEA Games, AFF Cup, ông Hỷ là người chịu trách nhiệm cao nhất. Cuối năm 2013, ông Hỷ từ nhiệm vì lý do sức khỏe đồng thời đề bạt phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng làm quyền chủ tịch VFF.