Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) mới công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông để thông qua các vấn đề về nhân sự, đầu tư và chiến lược kinh doanh năm 2023.
Hội đồng quản trị đề xuất mục tiêu doanh thu thuần 37.457 tỷ đồng (hơn 1,5 tỷ USD), tăng 17% so với năm 2022 và mức cao nhất trong lịch sử. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế thận trọng ở mức 1.272 tỷ đồng, bằng 61% so với thực hiện 2022 do dự báo bối cảnh vĩ mô sẽ gây nhiều áp lực lên doanh nghiệp.
Tập đoàn đa ngành này định hướng tiếp tục đầu tư theo chiều sâu ở mảng sản xuất công nghiệp và triển khai nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt là bất động sản và hậu cần khu công nghiệp.
CHỈ TIÊU KINH DOANH CỦA GELEX | ||||||||||
Nhãn | Năm 2015 | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | KH 2023 | |
Doanh thu | Tỷ đồng | 8383 | 7297 | 11984 | 13699 | 15315 | 17949 | 28578 | 32089 | 37457 |
Lãi trước thuế | Tỷ đồng | 574 | 700 | 1658 | 1533 | 1102 | 1197 | 2057 | 2080 | 1272 |
Trong mảng bất động sản, Gelex sẽ lập dự án đầu tư và triển khai các khu công nghiệp mới. Công ty thành viên là Viglacera đang sở hữu 12 khu công nghiệp với quy mô hơn 4.000 ha, thu hút 300 doanh nghiệp trong ngoài nước, hơn 16 tỷ USD vốn FDI.
Viglacera cũng lên kế hoạch từng bước triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2030. Các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ phát triển đồng bộ với các khu công nghiệp Đồng Văn IV, Phú Hà, Đông Mai...
Tập đoàn này còn dự kiến hợp tác với Frasers Property Vietnam triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc với tổng mức đầu tư trong giai đoạn đầu khoảng 6.000 tỷ đồng, tương đương 250 triệu USD.
Trong mảng hạ tầng, Gelex cho biết sẽ tiếp tục công tác nghiên cứu đầu tư các dự án điện gió tiềm năng; trao đổi cơ hội hợp tác với một số đối tác và xem xét các dự án mới.
Với mảng sản xuất công nghiệp, thông qua công ty Điện lực Gelex, doanh nghiệp định hướng tiếp tục tăng trưởng thị phần trong nước với các mặt hàng chiến lược và tiến tới mở rộng sang nước ngoài, đồng thời thoái vốn một số công ty vật liệu xây dựng không hiệu quả.
Mảng nước sạch sẽ triển khai đầu tư các hạng mục Dự án giai đoạn 2 của nhà máy nước sạch Sông Đà theo tiến độ, triển khai các dự án thành phần khác, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án cung cấp nước sạch vào các khu công nghiệp.
Hoạt động M&A cũng là ưu tiên của tập đoàn này trong giai đoạn tới. Gelex theo đó sẽ tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc, đánh giá và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư vốn tiềm năng và xây dựng chiến lược quản trị sau M&A.
Về tài chính, công ty sẽ tái cấu trúc lại các khoản vay ngắn và trung hạn sang các khoản vay dài hạn có quy mô lớn để hưởng lãi suất tốt hơn, tối ưu nguồn tiền nhàn rỗi thông qua sử dụng các công cụ tài chính, tái cơ cấu tài sản khi cần thiết để bổ sung nguồn vốn.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, Hội đồng quản trị muốn trích tối đa 1.339 tỷ đồng (tỷ lệ 15,73% vốn điều lệ) để trả cổ tức, trong đó cổ tức bằng tiền mặt tối đa 676 tỷ đồng. Nguồn lợi nhuận còn lại để đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất và đầu tư.
Kế hoạch chi trả cổ tức cho năm 2023 là 15%. Ban lãnh đạo sẽ quyết định việc tạm ứng cổ tức bằng tiền nếu xét thấy phù hợp với bối cảnh, có thể tạm ứng một lần hoặc nhiều lần.
Ngoài ra, trong kỳ đại hội sắp tới, Gelex sẽ xin ý kiến cổ đông về việc giảm số lượng thành viên HĐQT từ 7 xuống 5 người cho nhiệm kỳ 2021-2026.
Trước đó, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoa Cương và Phó chủ tịch Nguyễn Trọng Tiếu đã có đơn xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Đây là các lãnh đạo đã gắn bó hàng chục năm tại Gelex và nắm giữ các chức vụ quan trọng khác trong hệ sinh thái này.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...