Hội đồng Quản trị Tổng công ty CP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex) đã thống nhất thông qua việc thoái vốn đầu tư trong mảng vận hành logistics bằng việc bán toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV Gelex Logistics.
Dự kiến thời gian thực hiện sẽ diễn ra ngay trong quý II hoặc III năm nay.
Cùng với đó, Gelex cũng dự kiến thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP Cảng Đồng Nai (chủ sở hữu cảng biển cùng tên).
Theo báo cáo thường niên, Công ty TNHH MTV Gelex Logistics là doanh nghiệp trực tiếp phụ trách mảng dịch vụ vận tải và kho vận của Gelex. Trong đó, Gelex Logistics có vốn điều lệ 1.210 tỷ đồng và do Gelex sở hữu 100% vốn.
Năm 2019, mảng dịch vụ vận tải và kho vận này mang về cho Gelex 1.638 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 4% so với năm liền trước, tương đương 10,7% doanh thu hợp nhất.
Với doanh thu nghìn tỷ, mảng logistics mang về cho Gelex 361 tỷ lợi nhuận gộp, tăng 17% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thu về lại giảm 22%, chỉ đạt 122 tỷ đồng do giảm doanh thu tài chính và lãi trong công ty liên kết giảm.
Theo lãnh đạo công ty, mảng logistics hiện tại của Gelex tập trung vào 2 mảng chính gồm vận hành logistics (thông qua các công ty con Sotrans, Sowatco, Vietranstimex) và đầu tư hạ tầng logistics.
Tuy nhiên, năm 2019, hoạt động của các công ty con này đều gặp các vấn đề khác nhau. Trong đó, doanh thu của Sotrans giảm 68%, đạt 319 tỷ do phải tái cấu trúc doanh nghiệp. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty này vẫn tăng 11% so với năm 2018, đạt 202 tỷ đồng.
Với Sowatco, năm vừa qua, công ty này ghi nhận 346 tỷ doanh thu thuần, tăng 38% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 36%, đạt 69 tỷ do thu nhập tài chính ko còn và lãi từ công ty liên kết giảm.
Còn Vietranstimex ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm hơn 20% so với năm trước. Dù năm vừa qua công ty ký được nhiều hợp đồng cho các dự án lớn nhưng do cạnh tranh gay gắt từ các công ty vận tải cùng phân khúc nên hoạt động vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, lãnh đạo Gelex cũng thừa nhận, mảng logistics chịu rủi ro trực tiếp từ đặc thù liên quan đến chuỗi giá trị trong ngành.
Theo đó, hoạt động logistics chuyên nghiệp đòi hỏi phải tích hợp được hàng loạt các dịch vụ vận tải giao nhận thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu thành một chuỗi liên tục để đảm bảo hàng hóa được vận chuyển trọn gói từ nhà sản xuất - vận tải - người tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam chưa thể đáp ứng.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cho dịch vụ logistics cũng chưa hoàn chỉnh. Đặc biệt, do đặc thù ngành áp dụng cước phí dịch vụ chủ yếu bằng ngoại tệ, vì vậy thường xuyên phải đối mặt với rủi ro biến động tỷ giá, ảnh hưởng nhất định đến kết quả kinh doanh
Gelex cũng chính là ông chủ của Công ty nước sạch Sông Đà, doanh nghiệp gặp sự cố nước sạch cuối năm 2019. Ảnh: Việt Linh. |
Với 20,25% vốn góp tại Cảng Đồng Nai, Gelex dự kiến sẽ bán toàn bộ trong thời gian tới. Hiện giá cổ phiếu Cảng Đồng Nai vào khoảng gần 64.000 đồng, tương đương số vốn Gelex dự kiến thu về vào khoảng 240 tỷ đồng.
Tại Gelex, logistics chỉ là mảng kinh doanh lớn thứ 2, sau mảng thiết bị điện với doanh thu đóng góp trên 82%/năm.
Ngoài ra, công ty cũng đang đầu tư mạnh trong lĩnh vực hạ tầng tiện ích bao gồm điện và nước sạch.
Trong đó, Gelex chính là chủ sở hữu Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (SDW) – doanh nghiệp chính trong vụ lùm xùm nước sạch diễn ra hồi cuối năm 2019.
Lãnh đạo công ty cũng cho biết, năm qua công ty phải đối mặt với sự kiện nước Sông Đà bị một số đối tượng đổ dầu gây ô nhiễm gây các khó khăn và gián đoạn trong sản xuất.
Hiện Nước sach Sông Đà đã hoàn thành việc khắc phục và được UBND Hà Nội cho phép cung cấp nước trở lại tới người dân. Tuy nhiên, công ty đã không thu tiền nước của người dân trong một tháng khiến doanh thu và làm lợi nhuận sụt giảm so với năm 2018.