Thống kê GDP quý được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố lần đầu năm 2000.
"Do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lý giải trong buổi họp báo sáng 29/9.
Theo thống kê chi tiết, trong quý III, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%. Đây là khu vực duy nhất có sự tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, 2 động lực quan trọng của nền kinh tế là công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ đều giảm mạnh trong quý vừa qua. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%.
"Sản xuất công nghiệp TP.HCM giảm 47%"
Trả lời câu hỏi của Zing về sự suy giảm của các địa phương phía Nam, đại diện Vụ thống kê Công nghiệp và Xây dựng, cho biết sản xuất công nghiệp ở một loạt tỉnh phía Nam sụt giảm chưa từng có.
Trong 9 tháng đầu năm và quý III, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM lần lượt giảm 13% và giảm 47,1%. Đại diện Tổng cục Thống kê nhìn nhận TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nên chịu tác động nặng nề nhất.
Trong khi đó, chỉ số này trong 9 tháng và quý III của Bến Tre lần lượt âm 11,2% và âm 44,2%; của Cần Thơ lần lượt âm 9,8% và âm 41%; của Đồng Tháp lần lượt âm 9,9% và âm 34,1%.
TĂNG TRƯỞNG GDP QUÝ III TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY | |||||||||
Nhãn | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | |
% | 6.02 | 6.87 | 6.56 | 7.43 | 6.9 | 7.5 | 2.79 | -6.17 |
Tổng cục Thống kê đánh giá tăng trưởng công nghiệp hiện nay chỉ đạt khoảng 40% so với trước dịch.
"Đứt gãy sản xuất đã xảy ra. Nếu chúng ta không chống dịch tốt, thì việc đứt gãy còn tiếp tục xảy ra", đại diện Vụ thống kê Công nghiệp và Xây dựng đánh giá.
Tiêu dùng cuối cùng trong quý III của cả nền kinh tế giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 1,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%.
Trong khi đó nếu tính chung GDP 9 tháng, kinh tế Việt Nam chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%.
Tăng trưởng công nghiệp hiện nay chỉ đạt khoảng 40% so với trước dịch. Đứt gãy sản xuất đã xảy ra
Tổng cục Thống kê
Đáng chú ý đóng góp của ngành nông nghiệp trong 9 tháng vừa qua đã chiếm tới 25% GDP. Khu vực dịch vụ giảm mạnh đã kéo giảm GDP cùng với tốc độ tăng chậm lại của khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Tổng cục Thống kê cho biết giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng ước tính tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 3,5%).
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05%; ngành khai khoáng giảm 7,17%.
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ 9 THÁNG ĐẦU NĂM GIAI ĐOẠN 2011-2021 | ||||||||||||
Nhãn | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | |
% | 6.03 | 5.1 | 5.14 | 5.53 | 6.53 | 5.99 | 6.41 | 6.96 | 7.04 | 2.12 | 1.42 |
Khu vực công nghiệp - xây dựng, động lực chính của nền kinh tế đã giảm trên 5% trong quý III. Ảnh: Phạm Ngôn. |
“Sản xuất công nghiệp quý III gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài”, bà Nguyễn Thị Hương nói.
Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2021 là 81,1%.
Doanh nghiệp thành lập mới khiêm tốn
Do tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng nặng nề đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Trong tháng 9, cả nước có 3.899 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62.400 tỷ đồng, giảm 32,3% về số doanh nghiệp và giảm 8,1% về vốn đăng ký so với tháng trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 16 tỷ.
TĂNG TRƯỞNG GDP 3 QUÝ ĐẦU NĂM 2021 | ||||
Nhãn | Quý I | Quý II | Quý III | |
% | 4.48 | 6.61 | -6.17 |
Trong tháng, cả nước còn có 3.317 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 14,2% so với tháng trước và giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước có 85.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1,2 triệu tỷ đồng, giảm 13,6% về số doanh nghiệp và giảm 16,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ.
Theo Tổng cục Thống kê, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 9 giảm 2% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu tăng 18,8%, nhập khẩu tăng 30,5%. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước tính xuất siêu 0,5 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 16,66 tỷ USD).