Tại buổi họp báo thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến cho biết GDP của ngành nông nghiệp quý III đạt mức tăng trưởng 2,93%, cao hơn quý I và quý II. Trong đó, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) tăng 3,21%, lâm nghiệp tăng 1,7%, thủy sản tăng 2,47%.
Lũy kế 9 tháng, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 1,84% (nông nghiệp tăng 1,65%, lâm nghiệp tăng 2,02%, thủy sản tăng 2,44%).
Về chăn nuôi, giá trị sản xuất quý III tăng 9,67%, lũy kế 9 tháng tăng 3,76%. Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt trên 1,3 triệu tấn, tăng 9%; 9 tháng đạt khoảng 3,9 triệu tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ.
Đại diện Bộ NN&PTNT thông tin đàn lợn cả nước đang dần được khôi phục, tuy nhiên việc tái đàn tại các địa phương vẫn còn chậm so với kỳ vọng. Tổng số lợn tăng khoảng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2019; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 2,48 triệu tấn, giảm 3,2% so với cùng kỳ 2019 (riêng quý III ước đạt 846.200 tấn, tăng 9,7%)
Tính đến ngày 29/9, 268 xã thuộc 95 huyện của 29 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 15.769 con.
Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 2,48 triệu tấn. Ảnh: Lê Huy. |
Đối với thủy sản, Thứ trưởng Tiến nhìn nhận từ đầu năm, thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá tra, đang đứng trước nhiều thách thức do thị trường tiêu thụ, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Dù vậy, sản xuất thủy sản vẫn tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản quý III tăng 2,5% so với quý III/2019; 9 tháng giá trị sản xuất tăng 2,48% (nuôi trồng đạt 105.300 tỷ, tăng 2,67%; khai thác đạt 70.380 tỷ, tăng 2,2%), tốc độ tăng thấp nhất từ năm 2016 đến nay.
Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 9 tháng ước đạt gần 52,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 30,05 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 22,8 tỷ USD, xuất siêu khoảng 7,2 tỷ USD.
Về xuất khẩu, kim ngạch tháng 9 ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng 8 và là tháng đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 9 tháng qua. Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện đã có 8 nhóm, mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 6 nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê 2,2 tỷ USD, gạo 2,5 tỷ USD, hạt điều đạt 2,3 tỷ USD, rau quả đạt 2,5 tỷ USD, tôm 2,75 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,5 tỷ USD).
Mỹ tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt trên 7,5 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ và chiếm gần 25% thị phần; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 7,24 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ và chiếm 24,1% thị phần.
Thị trường ASEAN nhập khẩu ước đạt 2,93 tỷ USD, tăng 4,6% và chiếm 9,75% thị phần; xuất khẩu sang các nước EU đạt khoảng 2,83 tỷ USD, giảm 0,6% và chiếm 9,4% thị phần; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 2,51 tỷ USD, tương đương cùng kỳ và chiếm gần 8,4% thị phần.
Về nhập khẩu, tính chung 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 22,8 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 17,8 tỷ USD, giảm 3,5%.