Khung cảnh nhộn nhịp của TP.HCM. Ảnh: L.Đ. |
Cha mẹ của Abhijit ngày xưa chẳng mấy tin dùng đồ chơi. Anh đã dành biết bao buổi chiều dài chơi đánh trận giả bằng hoa. Những nụ hoa trắng với thân hoa dài mảnh và đầu nụ nhọn hoắt, là quân thù, rắp tâm ném đá vào những người lính bộ binh của anh, chính là những chiếc lá dài mập mạp của đám hoa mười giờ.
Những bông huệ trắng là đám nhân viên quân y, cứu chữa cho các binh sĩ bị thương bằng những que tăm và băng bó cho họ bằng những cánh hoa nhài mềm như tơ.
Trong kí ức của Abhijit, đó là những giờ phút thú vị nhất trong một ngày của anh. Chắc chắn nó nên được coi là phúc lợi. Nhưng niềm vui của anh không hề được khái quát đến trong định nghĩa GDP tiêu chuẩn. Các nhà kinh tế thừa biết điều này nhưng nó đáng được nhấn mạnh.
Khi một chàng phu kéo xe ở Kolkata, quê hương của Abhijit, nghỉ một buổi chiều để hò hẹn với người yêu, GDP giảm xuống, nhưng làm sao phúc lợi không tăng lên cho được? Khi một cái cây bị chặt ở Nairobi, GDP tính đến lao động được sử dụng và lượng gỗ được sản xuất ra, nhưng không trừ đi bóng râm và vẻ đẹp đã mất. GDP chỉ định giá những thứ có giá cả và được trao đổi trên thị trường.
Điều này rất can hệ vì tăng trưởng luôn được đo bằng GDP. Năm 2004, khi tốc độ tăng TFP lại chậm lại sau khi nhảy vọt vào năm 1995, là thời điểm Facebook bắt đầu chiếm lĩnh vai trò to lớn quá mức mà nó đang giữ trong cuộc sống của chúng ta. Twitter góp mặt vào năm 2006 còn Instagram là năm 2010.
Điểm chung của tất cả các nền tảng này nằm ở chỗ chúng miễn phí trên danh nghĩa, vận hành rẻ tiền và siêu phổ biến. Khi chúng ta ước tính giá trị của việc xem các video hoặc cập nhật hồ sơ cá nhân trực tuyến theo mức giá mọi người phải trả theo cách tính toán GDP hiện nay (với kết quả thường bằng 0), hoặc thậm chí xét theo chi phí bỏ ra để thiết lập và vận hành Facebook, có thể ta sẽ đánh giá quá thấp đóng góp của nó cho phúc lợi.
Dĩ nhiên, nếu bạn tin rằng việc hồi hộp ngóng chờ ai đó thích bài đăng mới nhất của mình chẳng vui tẹo nào, nhưng bạn không sao bỏ nổi thói quen Facebook vì tất cả bạn bè đều ở trên đó, GDP cũng có thể đánh giá quá cao phúc lợi nó mang lại.
Dù bằng cách nào, chi phí vận hành Facebook, vốn là cách nó được tính trong GDP, không liên quan mấy đến phúc lợi (hay tác hại) mà nó tạo ra.
Thực tế là đợt suy thoái gần đây trong tăng trưởng năng suất đo được trùng với sự bùng nổ của mạng xã hội đặt ra một vấn đề, bởi ta thấy rõ rằng khoảng cách giữa những gì được tính là GDP và những gì nên được tính là phúc lợi đã bị nới rộng chính ở thời gian này. Có khi nào năng suất thực sự đã tăng, theo nghĩa phúc lợi đích thực đã tăng, nhưng số liệu thống kê GDP của chúng ta đã hoàn toàn bỏ sót mảng này?
Robert Gordon hoàn toàn bác bỏ khả năng này. Trên thực tế, ông cho rằng Facebook có lẽ phải chịu trách nhiệm phần nào cho sự suy thoái năng suất. Quá nhiều người đang lãng phí thời gian cập nhật trạng thái của mình trong giờ làm việc. Tuy nhiên, nói thế là khá lạc đề.
Nếu hiện tại, mọi người đang vui vẻ hơn so với trước đây, vậy thì chúng tôi là ai mà dám phán xét rằng đó có phải cách sử dụng thời gian xứng đáng hay không và do đó liệu nó có nên được đưa vào các tính toán về phúc lợi không?
Bình luận