Để rõ hơn về phương pháp cũng như bài thuốc “gãy chỗ này bó chỗ kia” của anh Thuận, PV đã nhờ tới sự tham vấn của ông Nguyễn Xuân Hướng – nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Hướng. |
- Phương pháp chữa gãy xương của lang y Thuận khiến nhiều người tò mò và nghi ngờ. Hoạt động lâu năm trong lĩnh vực Đông y, ông có ý kiến gì về phương pháp này?
- Từ lâu, các đồng bào dân tộc ít người đã lưu truyền rất nhiều phương pháp chữa gãy xương độc đáo. Đó là những phương pháp được đúc kết từ kinh nghiệm dân gian chỉ được truyền từ đời này sang đời khác, ít được khoa học hiện đại nghiên cứu. Phương pháp chữa gãy xương được thực hiện bằng cách giã thuốc rồi bó cách xa vết thương cả gang tay của lang y Thuận cũng là một trong những phương pháp như vậy.
Trong y học hiện đại, muốn chữa lành được gãy xương, chỗ gãy cần phải được kéo và nắn lại để vết gãy khớp vào vị trí cũ rồi mới bó bột. Trong dân gian cũng có một số bài thuốc được các thầy lang dùng để đắp vào vết thương. Tuy nhiên chuyện gãy xương chỗ này mà đắp thuốc ở chỗ kia thì thực sự rất hiếm người làm được.
- Tuy kỳ lạ nhưng rất nhiều bệnh nhân đã chứng thực rằng phương pháp chữa gãy xương của lang y Thuận có hiệu quả. Có cơ sở nào cho cơ chế “gãy chỗ này bó chỗ kia” không, thưa ông?
- Đa số các phương pháp chữa bệnh trong dân gian chưa được sự kiểm nghiệm của khoa học nhưng lại được kiểm nghiệm bằng những bệnh nhân đã chữa khỏi bệnh. Trường hợp bệnh nhân của anh Thuận gãy xương bả vai không cần đắp thuốc trên cơ thể, chỉ lấy lá của các cây thuốc đem giã nhỏ rồi buộc lại treo lên đầu giường, cách đầu bệnh nhân tầm 20-30 cm mà lành vết thương trong khoảng một tháng thì không quá lạ lùng. Phương pháp này tôi đã thấy người ta nhắc đến nhiều lần.
Nhiều thầy thuốc cho rằng việc treo thuốc trên đầu bệnh nhân nhằm để các vị thuốc tác động vào vết thương thông qua khứu giác và đường không khí. Cũng giống như phương pháp xông hơi thuốc chữa bệnh được sử dụng phổ biến vậy. Tuy nhiên y học hiện đại vẫn chưa có nhiều nguyên cứu và lý giải về điều này, chỉ có thể giải thích là mẹo hoặc do kinh nghiệm của một số người mà thôi.
Mặt khác, theo Đông y, cơ thể con người là một chỉnh thể. Ngũ tạng lục phủ ở bên trong và tứ chi bách hài, bì mao tấu lý ở bên ngoài, được nối liền với nhau bởi hệ thống các đường kinh lạc, tạo thành một chỉnh thể hữu cơ thống nhất. Vì vậy với phương pháp “gãy chỗ này bó chỗ kia”, tôi nghĩ rằng rất có thể anh Thuận đã đắp thuốc vào đường kinh lạc để thuốc đi theo đến vết thương. Cũng có thể chính anh Thuận cũng không biết đó là một phương pháp khoa học mà chỉ thực hiện đúng như kinh nghiệm ông cha truyền lại.
- Vậy về các vị trong bài thuốc chữa gãy xương của lang y Thuận, ông có ý kiến thế nào?
- Hầu hết các vị thuốc đều được anh Thuận gọi bằng tiếng dân tộc nên rất khó để biết rõ đây là những thảo dược gì. Tuy nhiên trong đó cây cỏ xước là thảo dược được sử dụng trong Đông y từ thời danh y Tuệ Tĩnh, có tác dụng lớn trong việc điều trị các bệnh về xương khớp cũng như gãy xương.
Cỏ xước là loại cây mọc hoang ở khắp các địa phương từ Bắc vào Nam. Đây là loại cỏ sống lâu năm, có thể cao gần 1 m, thân có lông mềm. Để dùng làm thuốc trong Đông y, người ta thường nhổ luôn toàn thân liền với rễ sau đó dùng tươi hoặc phơi khô. Đây là loại thuốc có vị đắng, chua, tính mát, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, tác dụng bổ thận, mạnh gân cốt, được sử dụng để chữa bệnh viêm khớp, tăng huyết áp, viêm cầu thận...
- Ông đánh giá sao về phương pháp cũng như bài thuốc của lang y Thuận?
- Vì phương pháp chữa gãy xương của anh Thuận rất lạ và chưa được kiểm chứng nên chỉ có thể dựa vào kết quả để đánh giá. Tuy nhiên khi bị gãy xương, nếu không phải trường hợp “bất khả kháng”, bệnh nhân nên đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để có phương pháp điều trị khoa học và hiệu quả. Những trường hợp gãy xương lớn, cơ co kéo mạnh như xương đùi hoặc gãy gần khớp rất nguy hiểm. Nếu chữa trị không đúng cách có thể ảnh hưởng tới đi lại, để lại dị tật sau này.
- Xin cảm ơn ông!