Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gãy răng, đứt tay vì chẻ đá ở Tây Nguyên

Vì miếng cơm, manh áo mà không ít phụ nữ đã chọn chẻ đá làm nghề kiếm tiền nuôi gia đình. Phu đá đối diện với nhiều tai nạn hàng ngày.

Bám bãi kiếm cơm

Chúng tôi men theo lối mòn nơi bìa rừng, băng qua con đường đá núi gập ghềnh để "mục sở thị" cảnh lao động cực nhọc của những phu đá thuộc xã Yang Réh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Mỗi điểm khai thác có 4 - 5 phu đá, ai cũng làm việc từ sáng tới tối mới nghỉ.

Ông Phạm Văn Hoàng (SN 1955, trú thôn ba, xã Ea Chun, huyện Yang Réh) dù đã lớn tuổi nhưng hàng ngày vẫn phải nai lưng tại bãi đá để kiếm sống. Ông cho biết: "Ở vùng quê nghèo, đất sản xuất nông nghiệp ít nên anh em phải bám bãi đá kiếm sống qua ngày". 

Đây là nghề cực nhọc, thu nhập bấp bênh, lại thường xuyên đối mặt với những nguy hiểm. Mỗi ngày bám bãi kiếm được 100.000 - 150.000 đồng/người. Tuy là công việc cực nhọc đòi hỏi phải có sức khỏe, cơ bắp và sự dẻo dai, nhưng ở những bãi này không ít phụ nữ cũng là phu đá thứ thiệt.

Mặc dù đã lớn tuổi nhưng ông Hoàng vẫn phải mưu sinh bằng nghề chẻ đá cực khổ.

Mỗi ngày, nữ phu đá phải làm nhiều công việc khác nhau, như khoan, đập, chẻ, gọt, giũa… cho đá thành hình khối rồi vận chuyển lên xe.

Cạnh bãi đá của ông Hoàng là khu vực gia đình chị Nguyễn Thị Hà (thôn 2, xã Yang Réh). Năm 2005, chị với chồng là anh Đào Minh Hưng cùng 3 con nhỏ tìm đến vùng núi đá xã Yang Réh dựng căn lều nhỏ sống tạm để mưu sinh bằng nghề chẻ đá. 

Đồ nghề cũng khá đơn giản, gồm búa tạ, búa con, mũi đục, mũi chấm, thước đo, máy khoan. Chị Hà đưa bàn tay chai sần, chi chít vết thẹo nói: “Thời gian đầu vào đây lập nghiệp, tôi không nghĩ mình sẽ trở thành phu đá. Nhưng vì cuộc sống khó khăn, lại thấy chồng quần quật chẻ đá nuôi cả gia đình, tôi quyết định theo anh ấy học nghề.

Lúc mới làm, chưa quen việc nên thường bị tai nạn khiến cơ thể dính nhiều chấn thương, toàn thân ê ẩm, đi lại rất khó khăn, nhưng làm riết rồi cũng quen. Nghề này cực lắm! Từ sáng sớm tới tối lăn lộn trên bãi đá cũng chỉ kiếm đủ miếng cơm cho gia đình. Cả ngày chẻ được 50 viên đá bán ra với giá 3.500 đồng/viên".

Một nữ phu đá làm việc không thua gì đàn ông.

Tai nạn rình rập hàng giờ

Để có được những viên đá giao cho khách hàng, người thợ phải tốn nhiều sức lực, mồ hôi, máu, nước mắt, đôi khi phải đánh đổi cả mạng sống. Vết thương xảy ra do các mảnh đá nhỏ trong khi chẻ bay trúng vào cơ thể là điều bình thường. Còn chuyện bẹp ngón tay, chân, thậm chí bị gãy xương cũng rất dễ xảy ra. Sau những tai nạn đó, họ vẫn gắn bó với nghề, bởi đây là cần câu cơm chính nuôi gia đình.

Ở nhiều bãi, do dốc núi dựng đứng, nên phu đá phải đứng trên những vách cheo leo, chân bám chặt vào các gờ, 2 tay giữ máy để khoan những lỗ nhỏ. Sau đó, họ dùng xà beng đưa vào bẩy tảng đá rơi xuống chân núi. Nhìn cảnh tượng đó khiến ai cũng rùng mình. 

“Cách đây vài tháng, một phu đá vừa leo lênh vách núi để khoan thì không may trượt chân ngã, suýt bị gãy cánh tay phải. Việc trẹo chân, trật khớp, trầy vai, đá bắn vào đầu, tay chân, mắt, mũi… là chuyện thường ngày. Gần đây nhất là tai nạn xảy ra với chính con trai lớn của tôi.

Bữa đó, đang đập đá thì không may chiếc bạt che nắng bị gió thổi mạnh rơi ngay trước mặt cháu khiến đường búa đi chệch hướng dội ngược trở lại. Cán búa đưa thẳng miệng làm 2 hàm răng của cháu bị gãy gần hết. Đến nay gia đình vẫn chưa có tiền để làm răng giả cho con”, chị Hà chia sẻ.

Chị Hoa khoan vào những tảng đá lớn.

Theo những thợ chẻ đá lâu năm, ngoài những tai nạn, người trong nghề thường mắc phải các bệnh về hồ hấp như viêm phổi, viêm xoang, ho... do hàng ngày hít phải bụi đá.

Mỗi lần dùng búa đập, đục vào đá là khuôn mặt chị Nguyễn Thị Hoa lại bám đầy bụi. Chị Hoa kể: “Ngày trước chẻ đá chưa quen nên đôi tay phỏng rộp, không cầm, nắm được vật gì hết. Đã vậy, nhiều lúc búa đập chệch thớ khiến nhát búa nện thẳng xuống bàn tay, máu me tứa ra thâm tím phải nghỉ việc dài ngày. Ngoài ra, làm việc trong môi trường độc hại khiến những phu đá ai cũng gầy và xanh xao.

Nhưng không làm đá thì biết lấy chi mà sống, còn phải lo cho con cái ăn học. Đời tụi tôi cực nhọc ăn ngủ với đá rồi nên không muốn con cái của mình sau này cũng chịu cảnh như vậy”.

Đã có nhiều vụ tai nạn khiến phu đá phải mất một phần thân thể, nhưng ám ảnh nhất vẫn là những cái chết bị đá đè.

Mới đây nhất là vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào khoảng 11h ngày 2/5 tại thôn 5, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, Đắk Lắk. Anh Nguyễn Thanh Bình (SN 1975, trú ở thôn 9, xã Hòa Sơn, Krông Bông) cùng với một người dùng gỗ để chèn tảng đá đang chẻ đôi, bất ngờ tảng đá đè trúng người khiến anh tử vong tại chỗ.

Khải Hoàng

Bạn có thể quan tâm