Hai con gấu tại trại Nông Trang của ông Nguyễn Trọng Bờ (ở phường Đại Yên, TP Hạ Long, Quảng Ninh) chết sáng 28/1 đã nâng tổng số gấu chết tại tỉnh Quảng Ninh từ đầu năm 2014 đến nay lên con số 108. Tình trạng gấu nuôi cứ chết dần, rồi đến chết hàng loạt diễn ra từ lâu, trong khi các cơ quan, đơn vị liên quan không biết làm gì hơn ngoài việc họp và ra văn bản kiến nghị…
Cơ quan chức năng khám nghiệm gấu chết ngày 28/1 tại trại nuôi của ông Nguyễn Trọng Bờ (phường Đại Yên, TP Hạ Long). |
Khóc cùng gấu
Thời cao điểm, ông Nguyễn Trọng Bờ có 20 cá thể gấu, nhưng chỉ vài tháng qua, ông chỉ còn 11 con. Ông Bờ cho biết, lúc mua vào, mỗi con trị giá 80 triệu đồng.
Cay xót nhìn đàn gấu chết dần, chết mòn, nhưng ông cũng bó tay vì nguồn thu duy nhất từ gấu là bán mật đã bị cấm nghiêm ngặt từ đầu năm 2014, khiến ông cũng như nhiều chủ hộ khác không có tiền chăm sóc gấu như trước đây.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh, ngoài việc hầu hết gấu ở Quảng Ninh đều có tuổi đời cao (từ 15-20 tuổi, trong khi vòng đời gấu chỉ từ 25-30 tuổi) thì nguyên nhân chính khiến gấu chết hàng loạt là do bị suy dinh dưỡng ở cấp độ nặng, bị suy kiệt về sức khỏe và có dấu hiệu bị sừng hóa ở lòng bàn chân, bàn tay…
Theo ông Nguyễn Cao Lễ - Trưởng phòng Bảo tồn, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh - gấu nuôi, lại thường xuyên bị chích hút mật sẽ có vòng đời ngắn hơn. Đã thế lại ăn uống không ra gì, nên phát bệnh là điều khó tránh khỏi.
“Trước đây, riêng chi phí ăn uống cho mỗi con gấu/ngày khoảng 100.000 đồng/ngày. Nay, do khó khăn về tài chính, chúng tôi cố gắng cũng chỉ đảm đương được 1/3, với khoảng 6 lạng gạo + 3 lạng bì lợn + rau cho một con gấu. Tính ra, mỗi tháng cũng hết hơn 10 triệu tiền thức ăn cho gấu, chưa kể tiền thuê đất, nhân công…”, ông Bờ cho biết.
Hiện, ông vẫn nợ ngân hàng hơn 800 triệu đồng vì nuôi gấu. Từ nhiều tháng nay, ông ít khi có mặt ở trại vì như ông nói “phải lọ mọ đi làm thêm kiếm tiền mua thức ăn cho gấu”.
Trường hợp của chủ trại Nguyễn Thanh Nhượng cũng bi đát không kém. Từ hơn 70 con gấu, giờ trại của anh chỉ còn 13 con. Không đủ tiền nuôi khiến chúng chết dần, anh cũng chẳng đủ tiền để thuê trại ở phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, mà chuyển về nhà riêng ở phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên.
“Chết nhiều thì xót, nhưng cũng đỡ gánh nặng chi phí. Giờ còn 13 con mỗi tháng cũng mất hơn chục triệu tiền thức ăn, trong khi chúng tôi chẳng có nghề ngỗng gì”, anh Nhượng xót xa.
Anh Nhượng cho biết, gấu chết rải rác từ 5 - 6 năm qua, nhưng không có cơ quan đơn vị nào bàn bạc với nhau, hoặc bàn với các chủ trại về việc hỗ trợ kinh phí. “Mà nếu có bàn thì bàn gì tới 5 - 6 năm mà không đi đến đâu? Trước đây không hỗ trợ, giờ gấu chết hết rồi, nhiều trại chia gấu về từng gia đình chăm sóc nên gánh nặng không như trước nữa”, anh Nhượng bức xúc.
Trong khi đó, theo ông Bờ, cách đây vài năm, 5 cá thể gấu của một số chủ trại đã bị thu "trắng" vì lỗi gắn sai chíp, hoặc rơi mất chíp. “Sau đợt đó cũng chẳng ai đả động gì nữa. Mọi việc chỉ “nóng” lên khi báo chí có ý kiến. Dư luận lắng xuống rồi lại đâu vào đấy thôi”, ông Bờ cười chua chát.
Thủ phạm là con người
Theo ông Mạc Văn Xuyên - Phó chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Ninh tất cả gấu trên địa bàn tỉnh đều đã được gắn chip để theo dõi và quản lý - nghĩa là hợp pháp, nên không thể thu hồi được.
Về lý do các chủ trại không cho gấu ăn đầy đủ, theo ông Xuyên, không có quy định nào quy định phải cho gấu ăn ở mức bao nhiêu, vì thế gấu có suy kiệt dinh dưỡng, các cơ quan chức năng cũng đành bó tay.
“Trước đây có điều kiện, gấu được ăn bí đỏ ninh xương, thỉnh thoảng được ăn mật ong để chống bệnh đường ruột. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, gấu được ăn như thế đã là tốt lắm rồi”, một chủ trại gấu chia sẻ.
Từ nhiều năm nay, các cơ quan liên quan, các tổ chức bảo vệ thiên nhiên trong và ngoài nước đã có nhiều cuộc họp, công văn, báo cáo… bàn về việc giải cứu những đàn gấu ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, vẫn chỉ là những công văn cấp dưới xin ý kiến cấp trên, cấp trên chỉ đạo cấp dưới một cách chung chung, để rồi gấu lần lượt ra đi, từ thời điểm gần 200 con đến nay chỉ còn 51 cá thể.
Tại một cuộc họp khẩn, theo yêu cầu của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, các ban ngành liên quan, trong biên bản làm việc, cũng lại đề nghị cấp trên sớm có phương án di chuyển toàn bộ số gấu ở Quảng Ninh tới các trung tâm cứu hộ và có cơ chế tài chính hợp lý cho các chủ nuôi.
Ông Nguyễn Trọng Bờ cho biết, các cơ quan chức năng có bàn về hỗ trợ tài chính thế nào thì ông không biết, nhưng chưa bao giờ đả động với các hộ nuôi gấu về vấn đề này.
Trong khi đó, theo bà Phạm Thùy Trinh - cán bộ của Tổ chức Động vật Châu Á, tổ chức này không được phép đàm phán với các chủ hộ về việc hỗ trợ tài chính để đổi lại được nhận gấu về nuôi dưỡng. “Chúng tôi chỉ có thể xem xét hỗ trợ tài chính trên cơ sở đề xuất cụ thể của các cơ quan chức năng”, bà Trinh nói.
Như vậy, bao năm qua vẫn tái diễn cảnh cơ quan này đợi đơn vị kia, các cấp chỉ đạo xin ý kiến lẫn nhau, trong khi các chủ hộ phần lớn đã kiệt quệ nhất quyết không chuyển giao miễn phí bởi gấu là tài sản, là kế sinh nhai duy nhất của họ.
Với thực trạng đó, những cá thể gấu còn lại hiện cũng đang bị suy kiệt về sức khỏe và đủ các thứ bệnh - liệu có đợi được đến ngày các cơ quan chức năng, đơn vị và các ông chủ của chúng tìm được tiếng nói chung?