Gặp ông chủ cửa hàng điện thoại cao cấp nổi tiếng Sài thành
Mai Triều Nguyên, Giám đốc chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động chính hãng Mai Nguyên nổi tiếng ở Sài Thành bước ra từ một vùng quê nghèo của Khánh Hòa vào TP.HCM và bắt đầu kinh doanh khi vẫn còn đang ngồi trên ghế giảng đường.
Bên cạnh thành công trong kinh doanh, chàng trai đất Khánh Hòa còn có một gia đình hạnh phúc với hai đứa con đáng yêu, một người vợ đảm đang. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để có được thành công như ngày hôm nay anh cũng đã trải qua nhiều đắng cay, khổ sở.
Từ một chàng trai vùng quê nghèo Khánh Hòa lên TP.HCM lập nghiệp, Mai Triều Nguyên hiện đã là ông chủ của một chuỗi cửa hàng điện thoại chính hãng và cao cấp. |
Học xong lớp 12, anh quyết định từ Cam Ranh, Khánh Hòa vào TP.HCM rồi học chuyên ngành công nghệ thông tin. Học được khoảng 3 năm, Mai Triều Nguyên bắt đầu bập bẹ tập kinh doanh trong lĩnh vực vi tính. Anh cùng một người bạn trong lớp hùn vốn với số tiền 5 triệu mỗi người để mở một cửa hành vi tính nho nhỏ bán đĩa CD, thu mua và sửa chữa máy vi tính.
Lúc này Mai Triều Nguyên vẫn còn là sinh viên nên không có tiền. Anh quyết định vay người chị 5 triệu đồng để mở cửa hàng cùng người bạn. Số tiền hùn vốn được dùng để thuê mặt bằng trong một hẻm nhỏ với giá 300.000 đồng/tháng và sắm máy tính. Thu nhập từ công việc kinh doanh này hầu như không có, một tháng chỉ có thể kiềm được vài trăm nghìn đồng và theo lời chia sẻ của anh thì được đồng nào cả hai đều dồn hết vào vốn. Sau mấy năm kinh doanh vi tính, anh đã mở được cửa hàng lớn hơn và có được chút thu nhập.
Bước ngoạt đến với Mai Triều Nguyên và đưa tên tuổi của anh đến với những người yêu thích điện thoại di động và dân chơi công nghệ là vào năm 2001 khi anh cùng 5 người bạn khác hùn vốn mở cửa hàng kinh doanh điện thoại. Tuy nhiên, điều tồi tệ đã xảy ra khi chỉ sau 6 tháng hoạt động thì cửa hàng phải đóng cửa vì lỗ nặng và mỗi người một ngả.
Sau thất bại trên, khi các người bạn từ bỏ kinh doanh điện thoại di động, Mai Triều Nguyên vẫn có niềm tin và quyết tâm kinh doanh ở lĩnh vực này. Để có tiền tiếp tục kinh doanh anh đã phải thuyết phục bố cho mượn sổ đỏ vay ngân hàng 300 triệu đồng. Sồ tiền này được dùng để giải quyết hậu quả thất bại và khoản vốn còn lại chỉ khoảng 20 triệu đồng anh dùng để đầu tư cho cửa hàng điện thoại di động Mai Nguyên.
Ban đầu, số vốn ít ỏi khiến cửa hàng Mai Nguyên chỉ có thể bán mấy chiếc điện thoại Nokia cùng một số thẻ cào. Thời điểm đó Nokia chỉ bán những điện thoại nghe, gọi thông thường và thị trường khá hỗn mang khi hàng chính hãng và xách tay lẫn lộn.
Nhờ lợi thế là dân công nghệ thông tin, Mai Triều Nguyên đã nảy sinh ra ý tưởng kinh doanh điện thoại trên website. Đây được xem là yếu tố giúp cửa hàng điện thoại Mai Nguyên trở nên thành công rực rỡ sau đó và tên tuổi cửa hàng được người tiêu dùng và giới chơi công nghệ biết đến. Đêm nào anh cũng mày mò trên web đến tận 3 giờ sáng, trong khi ban ngày tập trung bán hàng. Một thời gian sau đó, khách hàng đến với Mai Nguyên ngày một đông hơn.
Cột mốc thứ hai đánh dấu thành công của cửa hàng Mai Nguyên gắn liền với chiếc điện thoại Nokia "sáu béo" (Nokia 6600). Đây là smartphone đầu tiên chạy hệ điều hành Symbian của Nokia với nhiều ứng dụng và phần mềm tiện ích. Nhờ người anh mua hộ một chiếc Nokia 6600 tại Singapore với giá khoảng 7 triệu đồng, Mai Triều Nguyên bắt đầu mày mò, tập cài đặt ứng dụng, game...sau đó anh bắt đầu đánh mạnh kinh doanh mảng dịch vụ cho khách hàng mua điện thoại di động như tải game, hình nền, ứng dụng, nhạc chuông, video... Nhờ mảng dịch vụ này, tiếng tăm của cửa hàng Mai Nguyên ngày càng nổi hơn.
Những thành công đến sau đó với cửa hàng Mai Nguyên khi anh chuyển qua kinh doanh các tiện ích cho người dùng dòng smartphone O2 với hệ điều hành Windows Phone giống như trên điện thoại Nokia 6600. Thời điểm năm 2008, 2009 là thời kỳ rộ lên cơn sốt đất và chứng khoán nên ai cũng kiếm tiền dễ dàng vì thế mua sắm, đặc biệt là điện thoại siêu sang cũng mát tay hơn. Cơ duyên này cũng đưa Mai Nguyên đến kinh doanh lĩnh vực điện thoại Luxury với các thương hiệu như Mobiado, Vertu.
Là dân IT cộng với niềm đam mê điện thoại di động nên anh có khá nhiều thuận lợi trong kinh doanh. |
Tuy nhiên, không phải con đường phát triển của Mai Nguyên cũng trải toàn hoa hồng khi năm 2007, thời điểm mẫu điện thoại iPhone bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Doanh thu của cửa hàng sụt giảm lớn do tư tưởng chỉ kinh doanh hàng chính hãng trong khi điện thoại iPhone lại không có nhà phân phối chính hãng tại Việt Nam. Vì thế, một lượng khách hàng không nhỏ của cửa hàng cũng chạy theo iPhone đến các cửa hàng bán điện thoại xách tay. Mặc dù vậy, khi iPhone được phân phối chính hãng thông qua hai nhà mạng lớn ở Việt Nam là Vinaphone và Viettel, Mai Nguyên cũng đã đàm phán trở thành đại lý bán lẻ mẫu điện thoại này nên cũng đã kéo lại được khách hàng do danh tiếng từ trước đó.
Hiện nay hệ thống cửa hàng Mai Nguyên đã mở rộng với 3, 4 cửa hàng nằm trên các con phố thương mại của Sài Gòn cùng số nhân viên lên tới 40 người. Nói về mối quan hệ với các hãng điện thoại lớn như Nokia, Samsung hay LG, Mai Triều Nguyên cho biết các hãng rất tôn trọng cái tên đại lý bán lẻ Mai Nguyên bởi sự trung thành với hàng chính hãng.
Tuy nhiên, trên thị trường Mai Nguyên đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn từ việc các hệ thống siêu thị điện máy, các hệ thống lớn đang tìm cách kiểm soát thị trường. Trước tình thế đó, Mai Nguyên đã phát triển theo chiều hướng chọn lọc sản phẩm kinh doanh, chuyên về smartphone và điện thoại di động cao cấp, đẩy mạnh mảng dịch vụ sau bán hàng.
Nói về tham vọng tương lai, Mai Triều Nguyên chia sẻ, anh không có tham vọng lớn như mở rộng cửa hàng ồ ạt, mà chỉ chú trọng lĩnh vực kinh doanh thuộc về niềm đam mê là điện thoại di động và công nghệ theo một hướng riêng biệt, cụ thể là phát triển website thật tốt, nguồn hàng chính hãng mới và nhanh nhất cùng với nỗ lực không ngừng nhằm phục vụ sau bán hàng tốt nhất mà các ông lớn khác không có được.
Nguyễn Hân
Theo Bưu Điện Việt Nam