Dù là công dân bình thường, tổng thống hay đệ nhất phu nhân Mỹ, việc tiếp kiến nữ hoàng Anh cũng là chuyện lớn. Đối với một người quyến rũ và bí ẩn như đệ nhất phu nhân Mỹ hiện tại, áp lực thậm chí còn lớn hơn.
Mọi ánh mắt đang đổ dồn về Melania Trump khi bà vượt qua sự rắc rối của truyền thống cung điện, hoàng gia và gây ấn tượng với một trong những quốc vương trị vì lâu nhất trong lịch sử hiện đại.
Tuần này, gia đình ông Trump là khách mời danh dự trong quốc yến tại Cung điện Buckingham, sự kiện trang trọng nhất cho hàng trăm khách VIP và các nhà ngoại giao, bao gồm các thành viên của gia đình hoàng gia và các con của tổng thống.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại Lâu đài Windsor trong chuyến thăm tháng 7/2018. Ảnh: Getty. |
Trước đó, vào buổi chiều, ông Trump đã tham dự buổi lễ chào mừng của Nữ hoàng, Hoàng tử xứ Wales và nữ công tước xứ Cornwall tại cung điện. Buổi lễ bao gồm nghi thức duyệt đội cận vệ danh dự và đại bác chào mừng từ Công viên xanh và Tháp London huyền thoại.
"Chuyến đi đòi hỏi sự chuẩn bị kỳ công của đội ngũ Nhà Trắng. Chúng tôi đã cử đội tiền trạm tới trước và ngay khi tới nơi, họ sẽ phối hợp với nhân viên và bà Trump về mọi mặt của chuyến thăm", Stephanie Grisham, phó chánh văn phòng của ông Trump, nói với CNN.
Nỗi lo của các đệ nhất phu nhân
Có rất nhiều áp lực khi tiếp kiến Nữ hoàng, người trị vì từ những năm 1950 và đã gặp 10 trong 11 tổng thống Mỹ gần đây. Bà có thể khiến ngay cả đệ nhất phu nhân sắc sảo nhất cũng phải lo lắng.
"Các đệ nhất phu nhân luôn lo lắng về nghi thức, ngay cả một người như bà Barbara Bush, người đã kết hôn với người đứng đầu CIA và biết nhiều về giao thức hơn ai hết, ngay cả trước khi bà trở thành đệ nhất phu nhân", Kate Andersen Brower, tác giả của "Các đệ nhất phu nhân: Sự duyên dáng và sức mạnh của những đệ nhất phu nhân hiện đại của nước Mỹ", nói với CNN.
Bà Bush đã viết trong hồi ký của mình về chuyến đi tới Vương quốc Anh trong năm đầu tiên tại nhiệm của Tổng thống George H.W. Bush và cách bà hỏi Nữ hoàng một câu hỏi trong chuyến thăm Cung điện Buckingham. Bà cho biết Nữ hoàng đã đáp lại "khá hờ hững".
"Tôi nghĩ 'Ôi trời, bạn không được phép hỏi Nữ hoàng một câu hỏi trực tiếp hay gì đó'", bà kể lại.
(Từ trái sang) Thái tử Charles, Camilla và Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: Getty. |
Tước hiệu, lời giới thiệu, cách đi lại và nói năng là những vấn đề nghi thức mà đệ nhất phu nhân phải chú ý.
"Nghi thức ngoại giao là nền tảng của chuyến thăm cấp nhà nước và rất quan trọng đối với thành công của chuyến thăm", bà Pamela Eyring, chủ tịch của Trường Lễ tân Washington, học viện giảng dạy các yếu tố chính của nghi thức và ngoại giao, nói với CNN.
"Việc tuân theo phong tục và phép lịch sự của nước chủ nhà không chỉ quan trọng mà còn thể hiện sự đánh giá cao và tôn trọng niềm tin văn hóa của họ. Nếu không có nó, sẽ nảy sinh hỗn loạn và bất ổn khi cố gắng xây dựng các mối quan hệ đáng tin cậy", bà nói thêm.
Vào buổi tối thứ hai của chuyến đi London, vợ chồng ông Trump sẽ đáp lễ bữa tối tại cung điện bằng bữa tiệc tại Nhà khách Winfield, nơi ở của đại sứ Mỹ tại Vương quốc Anh. Nữ hoàng sẽ không tham dự, thay mặt bà là Thái tử Charles và phu nhân Camilla.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết bà Melania đã làm việc chăm chỉ để chuẩn bị cho bữa tiệc này. Khi ở Washington, bà đã cẩn thận lựa chọn thực đơn buổi tối, hoa, cách phối màu và sắp xếp chỗ ngồi sao cho phù hợp.
Cơ hội kết thân với Nữ hoàng
Một trong những phần quan trọng nhất trong các nghi thức là trao đổi quà tặng giữa chủ nhà và khách đến thăm. Những món quà cũng không đơn giản. Chúng phức tạp, mang tính cá nhân và hầu hết thể hiện dấu mốc lịch sử giữa hai quốc gia hoặc giữa người cho và người nhận.
"Đệ nhất phu nhân rất quan tâm đến việc lựa chọn quà tặng. Bà Trump rất cẩn trọng trong việc lựa chọn những món quà có ý nghĩa khi làm việc với bộ ngoại giao", Grisham nói về những món quà cho chuyến thăm Vương quốc Anh.
Vụ Lễ tân thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ là nơi phụ trách chuẩn bị các nghi lễ ngoại giao. "Vụ phải cẩn thận chuẩn bị cho tổng thống và đệ nhất phu nhân (và phái đoàn) của chúng tôi về những gì được mong đợi trước thời điểm cánh cửa của Air Force One mở ra ở Anh", Eyring nói.
"Điều này sẽ bao gồm các phong tục văn hóa và lịch sự của Vương quốc Anh, điểm đến, tuyến đường của đoàn xe, an ninh, phương tiện truyền thông, thời tiết, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến trang phục và trang sức tại các sự kiện khác nhau", bà cho biết.
Nữ hoàng gặp Tổng thống Mỹ George W.Bush. Ảnh: AFP/Getty. |
"(Nó cũng bao gồm) khi nào và làm thế nào để chào đón Nữ hoàng, nghi thức chào đón, duyệt đội cận vệ danh dự, các chuyến tham quan, trao đổi quà tặng, đứng ở đâu và làm gì trong một buổi lễ tưởng niệm, thứ tự tiếp đón, khách tham dự, chỗ ngồi và chúc tụng tại quốc yến. Mọi chi tiết phải gọn gàng và hài hòa", Eyring nhấn mạnh.
Có lẽ điều quan trọng nhất mà ông Trump cần ghi nhớ là sau tất cả sự kiện, quy tắc ngoại giao, trang phục, các bữa tiệc, đến cuối ngày, Nữ hoàng Anh cũng chỉ là một con người, không chỉ là hình tượng cứng nhắc của chế độ quân chủ.
"Sự khái quát về những người thuộc một nền văn hóa khác là phổ biến bởi vì chúng ta nhìn họ qua lăng kính văn hóa của mình. Mặc định đó có thể thay đổi một khi bạn hiểu tại sao họ cư xử, nói năng và có vẻ ngoài như vậy", Eyring nói.
Nữ hoàng có quan hệ thân mật và cá nhân với một số đệ nhất phu nhân Mỹ, bao gồm bà Nancy Reagan. Trong cuốn hồi ký của mình, bà đã viết về chuyến thăm năm 1983 với Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng tử Philip tại trang trại của gia đình ở California.
Bà kể lại rằng Nữ hoàng đã rất hào hứng được cưỡi ngựa cùng Tổng thống Reagan nhưng cuối cùng lại đi du thuyền vì thời tiết xấu.
Về việc thay đổi kế hoạch vào phút cuối, bà Reagan viết: "Tôi đã dành buổi tối hôm đó với Nữ hoàng, ngồi trên ghế sofa trong phòng khách lớn, nói về những đứa trẻ của chúng tôi như những người bạn cũ".