Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gặp người tham gia tiếp quản tài chính Sài Gòn

Cựu Bộ trưởng Hồ Tế nhớ như in những ngày tham gia đoàn kinh tài (kinh tế-tài chính) tiếp quản ngành tài chính chính quyền Sài Gòn ngay sau ngày thống nhất.

Rải chiếu nằm đất tiếp quản Sài Gòn

Đến nhà ông vào ngày đầu hè tháng Tư tại quận Tây Hồ (Hà Nội), tôi được ông ra tận cổng đón. Ông mặc chiếc áo sơ mi xơ vin trong quần xanh đã bạc, đúng với tính cách giản dị của Bộ trưởng Tài chính năm nào. Năm 1960, ông là một trong những sinh viên đầu tiên của trường Kinh tế-Tài chính Trung ương (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân) được cử sang Liên Xô học tại trường Đại học Tài chính Matxcơva. Năm năm sau ông về nước, bắt đầu làm việc tại Bộ Tài chính.

Kể từ đó, cuộc đời ông gắn chặt với ngành tài chính, trải qua nhiều giai đoạn đáng nhớ nhất lịch sử nước nhà trước khi về hưu năm 2000.

Đã ngoài 80, nhưng trí óc ông vẫn rất minh mẫn. Ông nhớ như in những ngày tham gia đoàn kinh tài (kinh tế-tài chính) tiếp quản ngành tài chính chính quyền Sài Gòn ngay sau ngày thống nhất. Với ông, khoảng thời gian 20 tháng đó là những kỷ niệm không bao giờ quên. Ông kể lại, năm 1974, khi đang học tại trường Nguyễn Ái Quốc, ông được “trưng dụng” tham gia đoàn Bộ Tài chính tiếp quản tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tuy nhiên, do chiến sự chuyển biến rất nhanh, đoàn của ông được giao nhiệm vụ vào thẳng Sài Gòn để tiếp quản toàn bộ ngành tài chính của chính quyền cũ. Ông nhớ, đoàn tiếp quản trung ương khoảng 250 người đại diện cho các bộ, ngành miền Bắc XHCN, trong đó nhóm kinh tài tầm 25 người. Ai cũng mặc quần áo giải phóng, mang theo súng, dụng cụ cá nhân, sẵn sàng lên đường. Chiếc máy bay TU của Liên Xô xuất phát từ sân bay Gia Lâm sáng 29/4 hạ cánh xuống Đà Nẵng, sau đó và cả đoàn nghỉ ngơi tại đây chờ lệnh. 

Trưởng đoàn Hồ Tế cùng các thành viên tham gia xử lý nợ tại CLB Paris. Ảnh tư liệu Bộ Tài chính.

Trưa 30/4, Sài Gòn được giải phóng, nhưng mãi tới chiều các thành viên trong đoàn mới hay tin. Sáng 1/5, đoàn tiếp quản đi trên máy bay quân sự hạ cánh xuống sân bay Thành Sơn (Phan Rang). Ông nhớ lại: “Lúc đó, các thành viên trong đoàn thấy có mấy chiếc máy bay quân sự rất to, ai cũng ngạc nhiên. Sau này mới biết, một trong số đó là máy bay của Nguyễn Thành Trung vừa đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất ít ngày trước”.

Khi đó, đoàn định bay tiếp, nhưng vì lý do an toàn, nên phải di chuyển bằng ô tô vào Sài Gòn. Đến Đồng Nai sau vài giờ cũng là lúc trời nhá nhem tối, cả đoàn nghỉ tại nhà Nha tỉnh trưởng chính quyền cũ.

Sáng 2/5, đoàn di chuyển vào trung tâm Sài Gòn lúc 8h hơn. “Khi đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là Bí thư Đảng ủy đặc biệt Ủy ban Quân quản phụ trách khối dân chính Đảng. Ông phân nhóm kinh tài chúng tôi đến trụ sở Bộ Tài chính chính quyền Sài Gòn ở đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai - Văn phòng 2 Bộ Tài chính). Trưa hôm đó, cả nhóm bắt tay vào việc tiếp quản ngay”, ông nói.

Hơn 20 người đã tiếp quản công việc của khoảng 600 nhân viên ngành tài chính chính quyền cũ (Bộ Tài chính, Nha ngân sách ngoại vụ Trung ương, Cơ quan Thuế vụ Trung ương, Tổng nha Ngân khố Trung ương…).

“Công việc rất nhiều, người ít, nên đoàn hằng ngày làm việc từ 16-18 tiếng liên tục không nghỉ. Hằng đêm, chúng tôi rải chiếu nằm đất ngay tại văn phòng để ngủ. Công việc tiếp quản sổ sách kéo dài khoảng 20 ngày như vậy”, ông nhớ lại.

Trong khoảng thời gian đó, ông nhớ nhất về cuộc làm việc quan trọng giữa đoàn tiếp quản với Bộ trưởng Tài chính chính quyền cũ (Lê Văn Trương). Đại diện đoàn tiếp quản có 3 người: Nguyễn Ngọc Ẩn (tức Nam Nam, Trưởng ban quân quản, chính thức chủ trì cuộc họp), Nguyễn Lẫm (Trợ lý bộ trưởng của Đào Thiện Thi) và ông.

“Khi đó, chỉ ông Nam Nam mặc quần áo giải phóng, đeo phù hiệu chữ K. Sau khi giới thiệu cuộc làm việc rồi ra ngoài, còn lại đồng chí Nguyễn Lẫm là người hỏi, còn tôi là thư ký”, ông nói. Để không khí buổi làm việc hòa dịu, đồng chí Nguyễn Lẫm và ông mặc thường phục.

Ông đánh giá buổi làm việc rất bổ ích, thu được mấy vấn đề cơ bản do ông Trương trình bày. “Nào là, thực chất ngân sách chính quyền cũ hoàn toàn do Mỹ viện trợ, trong đó chủ yếu viện trợ cho quân sự, rất ít cho dân sự. Thu nội địa không đáng kể, vì đa số các vùng giải phóng chính quyền ngụy quyền không kiểm soát được”, ông nói.

Cựu Bộ trưởng Hồ Tế nhớ lại những giai đoạn khó khăn của ngành tài chính sau thống nhất. Ảnh: Đức Huy.

Ngoài ra, Bộ trưởng chính quyền cũ còn góp ý với chính quyền mới nên tiếp quản, nuôi dưỡng, phát triển ngành thủy sản, bởi đây là ngành duy nhất có xuất khẩu để thu ngoại tệ.

“Sau này, khoản thu ngoại tệ đầu tiên của đất nước cũng chính là từ xuất khẩu con tôm, con cá”.

Vượt qua thách thức

Đầu 1977, ông được điều động trở về Hà Nội làm quyền Cục trưởng Cục thu quốc doanh (1977-1978). Sau đó ông có thời gian 5 năm sang làm việc tại ngành dầu khí trước khi quay về làm Thứ trưởng Bộ Tài chính năm 1983, và được bổ nhiệm Bộ trưởng giữa năm 1992.

Ông tự nhận mình là người may mắn khi được giao nhiệm vụ công tác ngành tài chính vào thời điểm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Đổi mới từ trong nông nghiệp, giá cả thị trường, xóa bỏ tem phiếu, tạo lực lượng và quan hệ sản xuất cho nông nghiệp phát triển. Hay như khôi phục các khu công nghiệp cả 3 miền đi vào hòa nhập và thống nhất, để kinh tế dần khôi phục trong những năm cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80.

Tuy nhiên, đến cuối thập kỷ 80, tình hình tài chính rất khó khăn: Các nguồn viện trợ không còn nên ngân sách, nền kinh tế kiệt quệ. Lạm phát rất cao, do đất nước qua bao năm chiến tranh, quan hệ cung cầu mất cân đối nghiêm trọng, hàng hóa thiếu hụt.

Song dưới sự lãnh đạo của Đảng (Đại hội VI) theo phương châm đổi mới tư duy nên cả nước bước vào giai đoạn mới. Thời kỳ những năm cuối thập kỷ 80 và đầu 90, lúc đó Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng toàn dân chỉ đạo ngành tài chính sát sao, đúng quy luật, hợp thực tế Việt Nam. Nhờ cơ chế mới, sản xuất lúa gạo tăng và bắt đầu có xuất khẩu. Các khu công nghiệp phát triển, dịch vụ mở mang thêm hàng hóa để cân đối cung cầu.

Thêm nữa, trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, ngành ngân hàng thực hiện theo nguyên tắc lãi suất dương, cho người mua tín dụng để thu hút tiền đi vào sản xuất. Vì thế, từ đầu 1993, đất nước khắc phục được lạm phát từ 3 con số xuống còn 1 con số.

Tiếp đến, đất nước thực hiện bước đổi mới, thời kỳ mở cửa hội nhập kinh tế với các nước khác. “Muốn nhanh chóng hội nhập, phải có bước đi đầu tiên là bình thường hóa với các tổ chức tài chính quốc tế, như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)”, ông nói.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, ông với sự hỗ trợ của các chuyên gia do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cử sang, đã tiến hành giải quyết nợ với CLB Paris năm 1993.

Sau đó, Việt Nam đóng quỹ để trở thành thành viên IMF. Đó là sự khởi đầu để mở cửa, bỏ cấm vận…, mở ra thời kỳ chuẩn bị gia nhập khối ASEAN, bình thường hóa với nhiều quốc gia khác trên thế giới, đàm phán gia nhập WTO sau này.

‘Ông chủ’ triệu đô của quân giải phóng trên đất chùa tháp

Chính ông cũng không ngờ, mình lại là người cầm hàng chục triệu đôla, trở thành “ông chủ lớn” trên đất chùa tháp, với nhiệm vụ tạo nguồn cung cấp cho chiến trường đánh Mỹ.

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/gap-nguoi-tham-gia-tiep-quan-tai-chinh-sai-gon-853853.tpo

Theo Tuấn Đức/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm