Một số trường hợp tài xế từ chối chở khách đã trực tiếp hoặc gián tiếp khiến nạn nhân bị chết hoặc gặp nạn. Nhiều quốc gia trên thế giới đã siết chặt yêu cầu với tài xế làm việc trong ngành dịch vụ vận tải, không được từ chối khách hàng vì những lý do không chính đáng.
Người phụ nữ chết vì tai nạn sau khi bị tài xế taxi "bỏ rơi"
Năm 2015, tòa án thành phố Toronto, Canada, xét xử To Ha Phan (53 tuổi) vì hành vi lái xe trong tình trạng say xỉn và gây ra cái chết cho cô Candice Williams (34 tuổi). Đáng nói, lẽ ra Candice Williams đã không bị đâm nếu như không bị một tài xế taxi bỏ lại giữa đường cao tốc.
Cụ thể, đêm 2/12/2011, Williams và đồng nghiệp tổ chức tiệc tại một nhà hàng trên đường Yonge ở Toronto, cô say mèm và được bạn bè gọi cho một chiếc taxi chở về nhà.
Taxi ở Toronto, Canada. Ảnh: Globalnews.ca |
Trên đường đi, Williams bắt đầu la hét và dùng chân đạp vào ghế lái với lý do muốn đi vệ sinh. Tài xế kể lại rằng anh ta cảm thấy sợ hãi và dừng xe lại, sau đó xuống xe và gọi cảnh sát. Trong lúc này, Williams tự ý rời khỏi xe và đi ra ngoài.
Thấy cô gái không còn trong xe, tài xế taxi đã bỏ rơi cô ngay giữa đại lộ. Không may cho Williams, chỉ vài phút sau cô bị chiếc xe của Phan đâm trúng dẫn đến tử vong.
Thẩm phán phiên tòa xét xử cho rằng khi bị tài xế taxi bỏ lại, Williams đang ở trong tình trạng không tỉnh táo và rất “dễ bị tổn thương”, vì thế, vụ tai nạn của cô là điều gần như không thể tránh khỏi.
Cô gái trẻ bị bắn chết sau khi bị 10 tài xế từ chối
Ariela Navarro-Fenoy là một trong số những nạn nhân qua đời trong vụ xả súng ở hộp đêm Muzik tại Toronto, Canada, năm 2015. Bạn thân của cô, Franca Abate, đã lên tiếng chỉ trích những tài xế taxi từ chối chở họ vào đêm định mệnh đó.
Chia sẻ với nhiều tờ báo, Abate kể lại đã có khoảng 10 chiếc taxi chạy qua chỗ họ nhưng đều từ chối chở cả hai với lý do quãng đường đi quá ngắn hoặc tài xế đang bận chạy khỏi đám đông hỗn loạn khi vụ xả súng đang diễn ra. Cuối cùng, Navarro-Fenoy đã bị bắn chết trong lúc đang chạy.
Ủy viên Hội đồng Thành phố, ông Jim Karygiannis, cho biết: “Tôi rất lấy làm tiếc khi biết một trong những nạn nhân của vụ xả súng là Ariela Navarro-Fenoy và những người bạn của mình đã bị các tài xế taxi từ chối chở đi, chỉ vì số tiền trả cho quãng đường ngắn chỉ có 8 CAD”.
Theo luật của thành phố Toronto, trường hợp tài xế từ chối chở khách sẽ phải đối mặt với mức phạt 150 CAD (khoảng 2,6 triệu đồng).
Người đàn ông vô gia cư lên cơn đau tim sau khi bị tài xế xe buýt đẩy xuống xe
Tháng 3/2017, người dân ở phía bắc Paris phát hiện một người đàn ông bất tỉnh nằm tại điểm chờ xe buýt và lập tức gọi xe cấp cứu. Cảnh sát cho biết nạn nhân giấu tên bị lên cơn đau tim và qua đời sau vài giờ điều trị ở bệnh viện.
Ban đầu, cảnh sát cho rằng người đàn ông vô gia cư này chết do nguyên nhân tự nhiên, tuy nhiên, sau khi xem camera an ninh ở đoạn đường đó, họ phát hiện ra rằng nạn nhân lên cơn đau tim sau khi bị một tài xế lái xe khách đẩy và từ chối cho lên xe.
Một chiếc xe khách tương tự vụ việc xảy ra ở Paris. Ảnh: Getty |
Trước đó, nạn nhân đã có những biểu hiện không khỏe và cố gắng lên xe khách. Tuy nhiên, tài xế xe buýt lại có hành vi bạo lực, anh ta nắm chiếc khăn và đẩy mạnh nạn nhân ngã xuống khỏi xe. Sau đó, người đàn ông vô gia cư đã không thể tìm kiếm được sự giúp đỡ và lên cơn đau tim nặng.
Cảnh sát cho rằng tài xế xe buýt đã bỏ mặc nạn nhân và phải chịu trách nhiệm cho cái chết của người đàn ông.
Tài xế bị phạt nếu từ chối chở khách
Nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành luật nghiêm cấm tài xế taxi từ chối chở khách bởi lý do chủ quan.
Tháng 2/2019, Qurban Hussain, một tài xế taxi ở Anh đã phải hầu tòa và nộp phạt 120 bảng Anh (khoảng 3 triệu đồng) vì từ chối chở một hành khách nữ khiếm thị và chú chó dẫn đường của cô. Tuy nhiên, chi phí tố tụng mà Hussain phải trả còn lớn hơn nhiều lần tiền phạt, lên tới 700 bảng (gần 20 triệu đồng).
Năm 2016, hai tài xế taxi ở thành phố Manchester, Anh, đã bị hai nữ hành khách khởi kiện. Do có nhiều hành lý, hai người phụ nữ đã quyết định bắt taxi để di chuyển một đoạn đường ngắn, nhưng cả hai chiếc taxi mà họ vẫy được đều không nhận chở vì số tiền phải trả quá ít.
Cuối cùng, hai hành khách này cảm thấy quá bức xúc và đâm đơn khiếu nại lên Hội đồng thành phố. Hai tài xế Mohammed Shafie Akbari và Mohammed Meharban đối mặt với mức án phạt lần lượt là 100 bảng Anh và 400 bảng Anh.
Tài xế taxi ở Anh bị phạt vì từ chối hai người phụ nữ với đồ đạc cồng kềnh đi quãng đường ngắn. Ảnh: Mirror |
Trong vụ kiện giữa hành khách Raymond Wong Kwok-fai và tài xế Chau Yui-kwan (68 tuổi) ở Kowloon, Hong Kong, hồi năm 2018, cũng cho thấy mức án phạt nặng của luật pháp tại đây với tài xế từ chối chở khách.
Wong Kwok-fai kể rằng khi bắt taxi trên đường On Chun, ông đã gặp Chau và cả hai xảy ra tranh cãi, Chau không chấp nhận chở ông Wong và gia đình của ông.
Tại tòa án, Chau liên tục chối cãi và đưa ra bằng chứng không thuyết phục, thêm vào đó, với tiền án từng nhiều lần vi phạm luật giao thông, Chau đã phải nộp phạt 4.000 HKD cho hành vi Từ chối khách hàng của mình.
Ở Thái Lan, giới chức cũng ban hành luật và mức phạt đối với tài xế không nhận chở khách. Theo Sở Giao thông Vận tải Thái Lan, các tài xế từ chối hành khách sẽ bị phạt lên đến 5.000 bath, thậm chí chủ hãng taxi cũng sẽ bị xử lý và phạt tới 50.000 bath.
Ngoài ra, tài xế vi phạm cũng sẽ bị tước giấy phép lái xe trong vòng 15-30 ngày, học lại kỹ năng lái xe trong 3 giờ đồng hồ. Nếu còn tiếp tục vi phạm, tài xế có thể bị tước giấy phép lái xe trong 3-6 tháng và thậm chí bị thu hồi giấy phép.
Ông Thanee Suebruek, Phó giám đốc cơ quan quản lý Giao thông Thái Lan, cho biết vấn nạn tài xế từ chối chở khách đã tăng lên nhiều trong những năm vừa qua, vì thế bộ luật này là cần thiết để thắt chặt hơn dịch vụ vận tải. Mức phạt này không chỉ áp dụng trên taxi mà còn cả các phương tiện công cộng như xe buýt và xe khách.