Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ) cho rằng nếu một thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Triều Tiên, nó sẽ thay đổi hoàn toàn nguyên trạng hiện nay tại Đông Bắc Á và đặt các nước vào một bài toán hoàn toàn mới.
Sự vắng mặt của Trung Quốc
- Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều có phải thất bại ngoại giao của Trung Quốc không, khi Hàn Quốc cho thấy rõ họ mới là bên xúc tiến và sắp xếp cuộc gặp này?
- Tôi cho rằng đây đúng là một thất bại của Trung Quốc. Dù vậy, cũng phải nói rằng Bắc Kinh ở tình thế tiến thoái lưỡng nan, họ không có nhiều tự do hành động. Việc ông Kim Jong Un sẵn sàng đưa một đất nước khó khăn về kinh tế như vậy phát triển chương trình vũ khí hạt nhân là chuyện khó có nước nào trên thế giới đủ sức tương tự. Từ Mỹ, Trung Quốc đến Hàn Quốc đều không có nhiều tự do lựa chọn trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Ảnh: AFP. |
Đương nhiên đây là một sự thất bại ngoại giao của Trung Quốc. Không những vậy, nếu Triều Tiên có một kênh nói chuyện trực tiếp với Mỹ, họ sẽ bớt lệ thuộc vào Trung Quốc, Bắc Kinh càng khó khăn hơn trong việc kiểm soát Bình Nhưỡng. Khi Kim và Trump gặp nhau, những thỏa thuận họ đạt được có thể đẩy Trung Quốc vào thế bất lợi lớn hơn. Đây đương nhiên không phải viễn cảnh tốt với Trung Quốc.
- Tại sao ông cho rằng việc Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim gặp nhau là không bất ngờ? Dấu hiệu cho một cuộc gặp đã đến từ khi nào?
- Tôi nghĩ rằng chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên thực chất là không phải để khiêu khích hay gây chiến với Mỹ mà là hướng vào vấn đề đối nội hơn. Kim Jong Un lên nắm quyền khi còn rất trẻ, chưa có thành tựu gì về kinh tế hay quân sự gì. Trong khi đó, bên cạnh ông ấy, giới quan chức cấp cao và những đảng viên kỳ cựu của đảng Lao động Triều Tiên đều là những người từng nắm quyền bên cạnh cha hoặc ông nội ông ấy.
Trong tình cảnh như vậy, một lãnh đạo ở tuổi 30 như Kim có nhu cầu rất lớn phải làm gì đó để được ghi nhận. Chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã có từ thời các lãnh đạo trước nhưng chỉ ở quy mô nhỏ. Khi Kim lên nắm quyền, ông ấy muốn chứng tỏ khả năng của mình, muốn cho cả nước thấy ông có thể "răn đe" Mỹ và Hàn Quốc, vẽ nên hình ảnh một lãnh tụ tài năng và mạnh mẽ.
Dù vậy, Kim biết rằng ông ấy không thể tiếp tục các hành vi khiêu khích đó mãi được. Mỹ siết chặt cấm vận và ép Trung Quốc cũng phải trừng phạt Triều Tiên ở mức độ nhất định. Kim thấy rõ rằng ông bị cô lập và khó khăn, cần tìm một lối thoát. Olympics mùa đông tại PyeongChang là một lý do chính đáng, không khiến Kim bị "mất mặt".
Từ khi Triều Tiên đồng ý tham gia Olympics với một phái đoàn hùng hậu và có động thái tạo dựng các kênh liên lạc cấp cao, chúng ta thấy là màn kịch này sẽ phải chấm dứt và hai bên sẽ phải tìm một con đường nào đó để nói chuyện với nhau.
Ông Vuving cho rằng việc Mỹ và Triều Tiên phải đối thoại trước sau gì cũng phải diễn ra trong khi một số chuyên gia đã bất ngờ việc ông Trump nhận lời đích thân gặp ông Kim. Ảnh: AFP. |
- Tại sao ông Kim lại trực tiếp đề nghị gặp Trump, trong bối cảnh ông chưa hề rời đất nước kể từ khi lên cầm quyền?
- Tôi cho rằng việc Triều Tiên cử một phái viên đi gặp Trump không giải quyết được gì vì người quyết định cuối cùng ở phía Triều Tiên là ông Kim, còn về phía Mỹ là ông Trump. Ông Kim không tin tưởng ai khác trừ những người cực kỳ thân tín như em gái, tôi không nghĩ ông muốn thông qua một người nào đó. Ông ấy gặp đích thân sẽ nâng cao vị thế của bản thân ông trong nước, đó là chuyện rất quan trọng với ông.
Cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo mạnh mẽ
- Nhiều nhà quan sát cho rằng việc Trump nhận lời gặp ông Kim là một sự "bốc đồng" và làm bất ngờ cả các cố vấn của ông ấy. Ông đánh giá sao về nhận định này?
- Tôi không chắc đây có phải là một quyết định bốc đồng hay đã được tính toán trước. Trên thực tế, Trump có thể đã không có quá nhiều thời gian để tính, vì đặc phái viên Hàn Quốc trở về từ Triều Tiên đã lập tức bay sang Mỹ để thông báo cho Trump. Trong vòng vài giờ sau đó, ông Trump đã quyết định gặp mặt.
Dù vậy, quyết định trên khá phù hợp với phong cách của Trump. Ông ấy thường xuyên làm việc theo cảm giác, đôi khi "tự phát". Đơn cử như lần ông ấy nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sau đó tuyên bố rằng "nói chuyện với ông Tập 10 phút về Triều Tiên, ông ấy giải thích cho tôi rất nhiều và tôi nhận ra những gì tôi hiểu về Triều Tiên trước đây là sai".
Ngoài ra, bản thân Trump là người có xu hướng có cảm tình với những nhà lãnh đạo mang phong thái mạnh mẽ, quyết đoán, đi chệch khỏi những khuôn khổ có sẵn, và ông ấy cũng từng bày tỏ sự kính trọng ít nhiều với ông Kim. Có thể Trump nghĩ rằng một cuộc gặp "tay đôi" giữa ông và Kim sẽ là sự kiện thú vị.
Từ tính cách này, tôi cho rằng việc ông ấy sẵn lòng gặp Kim Jong Un không có gì bất ngờ, khá phù hợp với phong cách ông ấy.
Tổng thống Trump thường có cảm tình với những nhà lãnh đạo mang phong thái mạnh mẽ, quyết đoán. Ảnh: AFP. |
- Từ nay đến thời gian dự kiến cho cuộc gặp còn khoảng 2 tháng, có chắc chắn cuộc gặp này sẽ diễn ra được không? Những nguy cơ trước cuộc gặp là gì?
- Không thể nói chắc chắn điều gì, vì cả Kim và Trump đều là người thường xuyên hành động bất ngờ. Cá nhân tôi nghĩ rằng nếu đúng theo logic của vấn đề, cuộc gặp này nhiều khả năng sẽ diễn ra, dù các chi tiết về cuộc gặp thì chưa thể nói trước.
Mỹ cần nói chuyện với Triều Tiên, cả Washington và Bình Nhưỡng đều biết họ không thể duy trì mãi tình trạng hiện tại. Họ không thể lao đầu vào chiến tranh, cũng không thể tiếp tục "đánh trống khua chiêng" như thời gian qua.
Nếu đến tháng 5, các công tác chuẩn bị kỹ thuật cho cuộc gặp không thể hoàn thành, nó có thể bị đẩy đến tháng 6 hoặc tháng 7. Dù vậy tôi nghĩ sớm muộn gì 2 người này sẽ phải gặp nhau, trừ phi có diễn biến bất ngờ và các bên bị cuốn theo diễn biến mới.
- Triều Tiên có thật lòng muốn từ bỏ hạt nhân và liệu việc từ bỏ có gây hại gì cho họ không?
- Tôi cho rằng Triều Tiên khó từ bỏ chương trình hạt nhân ngay lập tức. Cuộc gặp chỉ có thể mở khả năng 2 bên nói chuyện, đi đến những tiếp xúc sâu hơn và không loại trừ khả năng Triều Tiên cho phép cơ quan nguyên tử của Liên Hợp Quốc trở lại thanh tra chương trình hạt nhân của họ.
Triều Tiên có thể chấp nhận dừng phát triển hạt nhân do họ đã sở hữu một lượng đầu đạn nhất định, có khả năng răn đe và chưa cần phát triển thêm. Hoặc họ có thể buộc phải nhượng bộ do đang bị các lệnh trừng phạt gây ảnh hưởng nặng nề.
Theo đặc phái viên Hàn Quốc, ông Kim đã hứa sẽ từ bỏ hạt nhân nếu được đảm bảo an toàn. Quan điểm trước đây của Triều Tiên là Mỹ phải rút vô điều kiện khỏi bán đảo Triều Tiên. Vì thế, hiện mọi chuyện vẫn bị bỏ ngỏ và chưa rõ khả năng nào sẽ xảy đến.
- Có thể nói chương trình gây áp lực của Tổng thống Trump lên Triều Tiên đã thành công hơn những người tiền nhiệm hay không?
- Tôi nghĩ là rõ ràng nó có tác động. Kể cả trước khi Triều Tiên gửi lời mời gặp gỡ, các lệnh trừng phạt đã phát huy tác dụng. Còn quá sớm để nói việc trừng phạt đã thành công vì mục đích ban đầu của lệnh trừng phạt là buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, nếu nói có tác động tốt hay không, tôi cho rằng các lệnh trừng phạt của chính quyền Trump đã có tác động tốt.
Triều Tiên biết rằng họ phải phá thế cấm vận của Mỹ và các nước. Ảnh: AFP. |
Đông Bắc Á trước 'ngã tư đường'
- Nếu quan hệ Mỹ - Triều tốt lên, cục diện an ninh tại Đông Bắc Á sẽ thay đổi như thế nào?
- Có rất nhiều viễn cảnh. Nếu quan hệ của Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc nồng ấm lên, phá được thế bị bao vây cấm vận lẫn tình trạng phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc, nguyên trạng hiện nay của Đông Bắc Á sẽ bị đảo lộn hoàn toàn. Nó sẽ ảnh hưởng ghê gớm đến cả Trung Quốc đến Nhật Bản.
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta khó lòng có thể nói sự việc sẽ đi theo hướng nào, nó phụ thuộc vào thỏa thuận cụ thể và con đường cụ thể mà từng bên đi. Khu vực giống như đang đứng ở một ngã tư, ngã năm, không biết họ sẽ đi con đường nào, chỉ biết là nếu một thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Triều Tiên, nó sẽ thay đổi hoàn toàn nguyên trạng hiện nay, các nước sẽ bị đặt trước những bài toán mới. Tất cả chính sách và quan hệ hiện nay sẽ thay đổi.
- Xin cảm ơn ông.