Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4, dù đầy tính biểu tượng, có thể sẽ không mang lại nhiều thành tựu. Kỳ vọng và tất cả sẽ phải đợi vào cuộc gặp Trump - Kim Jong Un.
Ngày 2/10/2007, khi Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun đi bộ qua biên giới liên Triều để bắt đầu chuyến thăm 3 ngày đến Triều Tiên và gặp lãnh đạo Kim Jong Il, đi cùng ông có người bạn thân, đồng thời là chánh văn phòng Nhà Xanh Moon Jae In. Ngày 27/4 này, ông Moon, trong tư cách mới là tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm, sẽ là người đứng ra để gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, con trai của cố lãnh đạo Kim Jong Il. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên kể từ sau chuyến thăm năm 2007 của ông Roh.
Tổng thống đương nhiệm đứng trước cơ hội được nối lại di sản của ông Roh Moo Hyun, nhưng rất có thể khát vọng của ông sẽ lại dang dở.
Phía sau tuyên bố 'ngưng thử hạt nhân'
Cũng như cuộc gặp gỡ lần này, hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2007 đến sau một năm đặc biệt căng thẳng khi Triều Tiên lần đầu tiên thử hạt nhân. Trong suốt năm 2017 đầy những cuộc “khẩu chiến” với Mỹ, Triều Tiên đã phát hành cả tem kỷ niệm và xây tượng đài có hình dạng tên lửa đạn đạo, vinh danh các nhà khoa học hạt nhân và tên lửa như những anh hùng dân tộc. Thế nhưng, đến năm 2018, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đề xuất đối thoại, bắt đầu giai đoạn xuống thang căng thẳng liên Triều và đột ngột tuyên bố có thể phi hạt nhân hóa mà không cần điều kiện gì.
Sáu ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh, hôm 21/4, trong một tuyên bố được dẫn bởi chính Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), nhà lãnh đạo Kim Jong Un nói "dưới các điều kiện đã được chứng minh về vũ khí hạt nhân hoàn chỉnh, chúng tôi không cần thêm vụ thử hạt nhân, tên lửa tầm trung và xuyên lục địa nào nữa. Nơi thử hạt nhân ở phía bắc đã hoàn thành sứ mệnh của nó”.
Trong khi phần lớn chính trị gia đều lên bày tỏ lạc quan trước tuyên bố này, các nhà phân tích tỏ ra thận trọng hơn. "Thông báo trên rất đáng kể, nhưng bạn biết đấy, việc Triều Tiên có nghiêm túc hay không còn phải xem đã", CNN dẫn lời Sue Mi Terry, cựu chuyên gia về Triều Tiên của CIA.
"Họ có thể muốn thỏa thuận để đôi bên cùng xuống thang. Họ có thể muốn tháo bớt trừng phạt. Vấn đề là chúng ta sẽ đưa ra cái gì để họ chịu đóng băng các vụ thử?”.
Các nhà quan sát nhận định sẽ không dễ dàng để Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân của họ, mà việc này cũng không thể diễn ra trong ngắn hạn. Ảnh: AP. |
Josh Pollack, nhà nghiên cứu tại Viện Middlebury về Nghiên cứu Quốc tế ở Monterey, nói rằng cách ông Kim thông báo ngưng thử hạt nhân, đối với người dân của ông, giống như tuyên bố nước này đã chính thức trở thành thành viên "câu lạc bộ hạt nhân”.
"Từ lâu họ đã muốn được xem là siêu cường hạt nhân và điều mà những siêu cường không làm là thử hạt nhân. Trừ Ấn Độ và Pakistan, không nước nào thử hạt nhân nữa kể từ năm 1996 đến năm, đó là dấu hiệu của sự chưa chín muồi. Giờ thì họ muốn nói rằng: 'Chúng tôi đã đủ mạnh rồi, chúng tôi không thử nữa’”, ông Pollack nói.
"Họ không từ bỏ gì hết, họ vẫn giữ (vũ khí) và đó là thông điệp. Nó được gói ghém để trông giống sự nhượng bộ, nhưng nó không phải. Nếu họ quyết thử hạt nhân lại, họ có thể ngay lập tức thử".
Nói cho cùng, ba đời lãnh đạo Triều Tiên đã theo đuổi vũ khí hạt nhân. Qua nhiều thập kỷ đứng trước các cuộc đàm phán, lệnh trừng phạt quốc tế và nguy cơ chiến tranh, họ đã chọn những quả bom để đảm bảo cho sự tồn tại của mình. Cụm từ “quốc gia hạt nhân” được đưa trang trọng vào cả hiến pháp Triều Tiên, trở thành trọng tâm trong hệ thống tuyên truyền của Bình Nhưỡng. Bản thân ông Kim đã dùng nhiều năm qua để ca ngợi năng lực hạt nhân của Triều Tiên, xem đây là một phần làm nên quyền lực và tính chính danh của chính quyền. Tiến bộ của Triều Tiên trong việc làm chủ công nghệ hạt nhân, tên lửa những năm gần đây trở thành thành tựu của thời đại Kim Jong Un.
Ngoại trừ tuyên bố hôm 21/4, phần lớn phát ngôn của ông Kim đều được truyền tải thông qua đặc phái viên của Hàn Quốc chứ không đưa trên truyền thông chính thống của Triều Tiên. Reuters nhận định rằng ông Kim cũng không cần phải thông báo với người dân về việc này, việc phi hạt nhân hóa, nếu có xảy ra, cũng sẽ tốn rất nhiều thời gian để thành hiện thực.
"Kim Jong Un sẽ tuyên truyền như thể ông ta đã khiến Mỹ và cộng đồng quốc tế 'đầu hàng' sau khi làm chủ được công nghệ hạt nhân", Reuters dẫn lời Kim Hyung Suk, người làm thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc trong giai đoạn 2016-2017.
"Nếu các cuộc đàm phán diễn ra tốt đẹp, lệnh trừng phạt được tháo bớt và kinh tế tăng trưởng, người dân sẽ hiểu quyết định phi hạt nhân hóa và ủng hộ nó”.
Rất nhiều nỗ lực ngăn chặn việc Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân đều đã thất bại nhưng chưa bao giờ những vụ thử hạt nhân đến dồn dập như từ lúc ông Kim Jong Un lên nắm quyền. Ảnh: Reuters. |
Người ta có thể nhìn lại hiệp định các hiệp ước và hiệp định Triều Tiên từng ký trong quá khứ để thấy các nỗ lực phi hạt nhân hóa thất bại.
Năm 1985, Triều Tiên gia nhập Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) nhưng lại không chịu ký hiệp định về các biện pháp phòng hộ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Hiệp định chỉ được ký vào năm 1992, lúc này Bình Nhưỡng tiếp tục từ chối nghĩa vụ công khai theo yêu cầu của thanh sát viên IAEA. Nghi ngờ dâng cao rằng Triều Tiên đang tiếp tục chương trình hạt nhân trong lúc có tin Mỹ cân nhắc việc đánh bom các cơ sở phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Giữa lúc bán đảo Triều Tiên lại đứng bên bờ vực chiến tranh và Bình Nhưỡng đã tuyên bố rút khỏi NPT, Thỏa thuận Khung 1994 được ký giữa Mỹ và Triều Tiên. Trong thoả thuận ngắn gọn này, Triều Tiên chấp nhận đóng băng chương trình hạt nhân của họ, trong khi Mỹ sẽ xây "bù" cho Bình Nhưỡng 2 lò phản ứng nước nhẹ và cung cấp 500.000 tấn dầu/năm để bù đắp lại lượng nhiên liệu Triều Tiên thiếu hụt trong quá trình thay thế lò phản ứng.
Thỏa thuận Khung 1994 chỉ giữ Triều Tiên ở lại với NPT đến năm 2003 nhưng Bình Nhưỡng đã âm thầm tiếp tục chương trình hạt nhân từ trước đó. Mỹ bị chỉ trích đã chậm trễ trong việc xây dựng các lò phản ứng thay thế cho Triều Tiên do mâu thuẫn của tổng thống và quốc hội. Ở mặt khác, lò phản ứng Yongbyon mà Triều Tiên hứa sẽ cho ngưng hoạt động vốn không liên quan gì đến lưới điện quốc gia của nước này và chỉ được dùng để sản xuất plutonium, nguyên liệu sản xuất vũ khí hạt nhân.
Xuất khẩu nỗi đe dọa để lấy viện trợ
"Những gã hàng xóm giàu có sẽ nhìn bạn thờ ơ nếu bạn cư xử đúng mực, chỉ có làm người xấu mới mang lại áp lực và hàng triệu USD viện trợ", CNBC dẫn lại giáo sư về Triều Tiên Sung Yoo Lee của Đại học Tufts.
"Đối với Bình Nhưỡng, khiêu khích thì có tiền", ông nói.
Những quốc gia lên án chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên cũng chính là những quốc gia đã "bơm" tiền cho Bình Nhưỡng dưới danh nghĩa "viện trợ ngoại giao", thực chất ở đây là để hạn chế nguy cơ và ngăn vấn đề Triều Tiên nóng lên trong ngắn hạn. Sự đe dọa trở thành món hàng mà Triều Tiên có thể xuất khẩu để đổi lại các khoản viện trợ.
Nhiều người cao tuổi ở Hàn Quốc thấy rằng họ đã gặp mô tuýp này rồi: Một người của dòng họ Kim bước vào bàn đàm phán và nhận một "phần quà" mang về, các cuộc đàm phán không làm gì nhiều, cuối cùng Triều Tiên lại trở về với cách họ vẫn cư xử. Không những vậy, lần này, nhà lãnh đạo Triều Tiên còn đến với tâm thế người đứng đầu một đất nước có thể đã có năng lực hạt nhân hoàn chỉnh.
"Người Triều Tiên lại lừa phỉnh chúng tôi, dựng lên màn trình diễn này để câu giờ và làm dịu bớt trừng phạt, không bao giờ định từ bỏ vũ khí hạt nhân", New York Times dẫn lời Kim Chang Guk, 73 tuổi, người tham gia vào cuộc biểu tình của những người cao tuổi ở trung tâm Seoul gần đây để phản đối cuộc gặp liên Triều.
Không những mang "hạt nhân" làm lá bài đối nội, chính quyền Triều Tiên còn tận dụng mối đe dọa họ gây ra để tìm kiếm các khoản viện trợ. Ảnh: Reuters. |
Một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 3 cho thấy 81% người Hàn Quốc được hỏi nói rằng họ ủng hộ một cuộc gặp với ông Kim, nhưng một cuộc thăm dò khác lại cho thấy hơn 70% người nghi ngờ khả năng ông Kim từ bỏ "quân bài" lợi hại nhất mà Triều Tiên có.
"Đối với Triều Tiên, luôn có một cảm giác dai dẳng rằng họ sẽ đâm sau lưng chúng tôi lần nữa", Choi Hae Pyeong, 55 tuổi, một doanh nhân ở phía nam Seoul, cho biết.
Hàn Quốc dưới thời hai cựu tổng thống Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun với Chính sách Ánh Dương từng là nhà viện trợ lớn của Triều Tiên.
AP cho biết trong giai đoạn quan hệ hoà hoãn giữa Triều Tiên và Hàn Quốc từ năm 1998-2008, Hàn Quốc đã chuyển cho Triều Tiên hàng trăm nghìn tấn gạo và phân bón mỗi năm, đầu tư vào một số dự án đã trở thành nguồn thu ngoại tệ hợp pháp của Triều Tiên về sau này. Hàng tỷ USD Seoul viện trợ và đầu tư được chuyển sang miền Bắc sau cuộc gặp liên Triều năm 2000 chỉ để vài năm sau đó, Triều Tiên bị phát hiện vẫn âm thầm xúc tiến chương trình tên lửa và hạt nhân của họ, đỉnh điểm là vụ thử hạt nhân năm 2006.
Còn chính quyền cựu tổng thống Kim Dae Jung bị phát hiện đã bí mật chuyển cho Triều Tiên hàng trăm triệu USD bất hợp pháp để có được cuộc gặp. Điều này kéo theo việc các nghiên cứu dưới thời 2 tổng thống theo khuynh hướng bảo thủ đã kết luận Chính sách Ánh Dương đã thất bại khi phung phí tiền bạc nhưng không thể khiến Triều Tiên từ bỏ hạt nhân.
Viện trợ bị cắt giảm từ năm 2009, dù vậy, ngay trong lúc căng thẳng dâng cao nhất trên bán đảo Triều Tiên vào cuối năm 2017, Seoul vẫn phê chuẩn một gói viện trợ nhân đạo trị giá 8 triệu USD cho người Triều Tiên, khoản viện trợ được thông báo là nhằm giúp đỡ Triều Tiên vượt qua nạn đói và không bị ảnh hưởng bởi các căng thẳng địa chính trị. Thời gian giải ngân viện trợ vẫn chưa được quyết định.
Nếu Triều Tiên thật sự từ bỏ vũ khí hạt nhân, đây sẽ là lần cuối cùng họ còn có thể sử dụng nó như chiêu bài lôi kéo viện trợ quốc tế.
Sự hạn chế của Seoul
Dù giới quan sát đánh giá cao vai trò của Tổng thống Moon trong việc xuống thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, người cuối cùng có thể giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân ở đây phải tổng thống Mỹ.
"Vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên là sản phẩm phụ của mối thù hằn giữa Mỹ và Triều Tiên", theo Lim Dong Won, cựu bộ trưởng Thống nhất và giám đốc Tình báo Hàn Quốc. "Nó chỉ có thể giải quyết bằng việc kết thúc sự thù địch thời Chiến tranh Lạnh và thiết lập hòa bình trên bán đảo thông qua một thỏa thuận toàn diện, chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên và bình thường hóa quan hệ”.
Những người cấp tiến ở Hàn Quốc tin rằng đã đến lúc Seoul đóng vai trò "cầm lái", thuyết phục Bình Nhưỡng rằng họ có thể tồn tại mà không cần hạt nhân. Dù vậy, ngay cả Tổng thống Moon cũng nhận thức được rằng việc tốt nhất ông có thể làm là "hướng dẫn" Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đạt được một "thỏa thuận toàn diện" nhằm khiến Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân, đổi lấy "sự đảm bảo an ninh" từ Washington. Đó có thể là một hiệp ước hòa bình.
Cách tiếp cận của chính quyền ông Moon Jae In trước Triều Tiên có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào đồng minh của họ, chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Cuối cùng, dù tầm nhìn của ông Moon là lâu dài, khả năng của ông, tổng thống trong một thể chế dân chủ, lại có hạn. Các cuộc gặp gỡ liên Triều đều diễn ra dưới thời một tổng thống theo trường phái tự do tại Hàn, những người muốn thúc đẩy sự tương tác Hàn Quốc - Triều Tiên, từ đó thu hẹp khoảng cách và xúc tiến sự mở cửa từ bên trong Triều Tiên, thay vì sử dụng các biện pháp quân sự và trừng phạt. Chính sách Ánh Dương dưới thời cựu tổng thống Kim Dae Jung đã được người kế nhiệm Roh Moo Hyun tiếp nối, nhưng ngưng trệ sau khi tổng thống thuộc phe bảo thủ, ông Lee Myung Bak, và sau đó là bà Park Geun Hye lên nắm quyền.
Mỗi tổng thống Hàn Quốc chỉ có 5 năm, tức 1 nhiệm kỳ tại chức. Việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và kết thúc hoàn toàn cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) cần nhiều thời gian hơn một nhiệm kỳ.
Đối với bản thân Tổng thống Moon, hòa bình và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên là nguyện ước cả đời. Người đàn ông 65 tuổi nói rằng vào ngày hai miền của bán đảo Triều Tiên thống nhất, việc đầu tiên ông làm là đưa người mẹ 90 tuổi của mình trở về quê nhà ở Hungnam, Triều Tiên. Hơn 10 năm trước, ông Moon là người đứng sau việc tổ chức cuộc gặp.
"Với lý do này, tôi có thể nói rằng mình có kinh nghiệm tổ chức thượng đỉnh liên Triều và biến nó thành một thành công", ông nói tuần trước. "Dù vậy, mọi việc bây giờ đã khác xa. Vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên giờ đây đã tinh vi hơn thời đấy nhiều".
Bất chấp những lo ngại và hạn chế, người ta không thể không chờ đợi cuộc gặp vào ngày 27/4 ngày này giữa tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đó sẽ là một cuộc gặp đầy tính biểu tượng, dẫu thành tựu có thể không nhiều. Ông Moon, con trai của một người tị nạn Triều Tiên, sẽ gặp mặt ông Kim, người lãnh đạo thứ ba của dòng họ đã sáng lập và nắm quyền ở Triều Tiên từ năm 1948 đến nay. Họ sẽ bắt tay nhau tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở giữa 2 nước, biên giới cuối cùng của Chiến tranh Lạnh còn sót lại đến ngày nay.