Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gặp 'Anh hùng châu Á' xinh đẹp sau 15 năm nhiễm HIV

Xinh đẹp, trẻ trung, trên môi luôn thường trực nụ cười rạng rỡ, rất khó để tin Phạm Thị Huệ mang trong mình căn bệnh thế kỷ suốt 15 năm qua.

Gần 15 năm qua, kể từ khi biết mình bị nhiễm HIV, Phạm Thị Huệ - “Anh hùng châu Á trong phòng chống HIV/AIDS” do tạp chí Times bình chọn năm 2004 vẫn kiên cường đối diện và có nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng người nhiễm HIV, được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá như là hình mẫu tiêu biểu đương đầu với căn bệnh thế kỷ.

Vượt qua nỗi sợ hãi, mặc cảm

Cách đây 15 năm, khi mới 21 tuổi và vừa sinh con xong, cầm giấy xét nghiệm HIV trên tay, chị thấy đất trời như sụp đổ. Tuyệt vọng, không lối thoát, trong khi mọi người đều sợ hãi, xa lánh, chị đã không dưới hai lần mua thuốc trừ sâu với ý định tự vẫn để giải thoát. Nhưng rồi với nghị lực và bản lĩnh cộng với tình yêu thương của gia đình, người thân, chị đã vượt qua mặc cảm và nỗi sợ hãi để đứng lên.

Hơn chục năm trước, Huệ là một trong những người đầu tiên dám công khai tình trạng nhiễm HIV của mình và xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng để nói về HIV/AIDS. Chị cũng là người đưa ra ý tưởng thành lập nhóm tự lực của người có HIV đầu tiên ở Hải Phòng - Nhóm Hoa Phượng Đỏ.

Chị cùng các thành viên trong nhóm làm những việc mà không ai dám làm, kể cả gia đình người bệnh: Chăm sóc người có HIV giai đoạn cuối, hỗ trợ khâm liệm khi họ qua đời.

Chị Phạm Thị Huệ (thứ hai từ bên phải) cất cao tiếng hát trong một buổi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại Hải Phòng.
Chị Phạm Thị Huệ (thứ hai từ bên phải) cất cao tiếng hát trong một buổi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại Hải Phòng.

Việc làm đó đã trở thành điểm tựa, niềm tin và tiếp thêm động lực sống cho hàng nghìn người không may bị nhiễm HIV khác. “Là nạn nhân của căn bệnh thế kỷ nên tôi hiểu được nỗi khổ vì bệnh tật và sự kỳ thị của cộng đồng. Tôi gắn bó với công việc này, dành hết tâm huyết, thời gian cho nó, bởi tôi thấy mình phải có trách nhiệm với xã hội và muốn trả ơn những người đã “cứu” mình”, chị tâm sự và cho hay, cậu con trai giờ đã là học sinh lớp 9.

Hiện, Phạm Thị Huệ là Trưởng phòng thực hiện dự án tại Trung tâm Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống AIDS, quận Lê Chân, Hải Phòng. Công việc hàng ngày của chị khá bận rộn, di chuyển liên tục, khi thì ở Hải Phòng, lúc ở Hà Nội, TP HCM. Không những vậy, chị phải nghe điện thoại và tư vấn trực tiếp cho bệnh nhân có HIV từ 7h tới 22h cũng như trả lời các câu hỏi của bệnh nhân qua email.

Huệ tâm sự: “Trong công tác phòng chống HIV/AIDS thì công tác truyền thông là quan trọng nhất, nhiều năm trở lại đây, nhờ các phương tiện truyền thông mà nhận thức về HIV của cộng đồng đã tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu làm truyền thông mà không duy trì thường xuyên thì kết quả đạt được trong thời gian qua sẽ bị ảnh hưởng ngay”.

Đưa thông điệp đến cộng đồng

Không chỉ truyền thông, tư vấn cho người nhiễm HIV mà Trung tâm Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống AIDS của chị còn thực hiện nhiều chương trình tư vấn cho những đối tượng có nguy cơ cao như học sinh các trường học, học sinh, sinh viên chuẩn bị du học, người hành nghề lái xe, lái tàu bè...

Cho phóng viên xem những tấm hình và clip của những chuyến đi làm truyền thông phòng chống AIDS và phòng chống các bệnh lây qua đường tình dục với các đơn vị thi công cầu đường trên địa bàn Hải Phòng, Huệ cho biết, năm 2015, Trung tâm đã làm truyền thông đều đặn cho 4 - 5 đơn vị thi công cầu đường, cụ thể là Liên danh Công ty DHL - Đạt Phương, đơn vị thi công gói thầu Xây dựng cầu Niệm 2 và đường dẫn, Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Quảng Tây thi công dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng, Công ty Cổ phần TASCO…

Tại các buổi truyền thông, thường có từ 100 - 300 người tham dự, họ là những cán bộ thi công trực tiếp trên công trường và những người dân mà các dự án đi qua. Nội dung và phương thức của các buổi truyền thông phong phú với nhiều chủ đề khác nhau.

Trong đó, việc đưa những người nhiễm HIV trực tiếp đến giao lưu với công nhân thi công trên công trường để họ hiểu được cuộc sống của người có HIV, từ đó họ sẽ có những bài học thực tế để rút ra những kinh nghiệm cho bản thân và cộng đồng.

Huệ cho biết, trong tháng 12 tới, Trung tâm của chị sẽ thực hiện bốn cuộc truyền thông phòng chống AIDS nữa cho bốn nhà thầu với hình thức đa dạng như diễn kịch, tiểu phẩm, trò chơi... để người nghe, xem dễ tiếp nhận thông điệp hơn.

Tiếp thêm động lực cho người cùng cảnh ngộ

Với nhiệm vụ phòng chống và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bệnh nhân AIDS, Trung tâm hoạt động với nguồn viện trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế. Kể từ khi thành lập tới nay, Trung tâm đã triển khai nhiều dự án về phòng chống AIDS để tiếp cận với các nhóm có hành vi nguy cơ cao như mại dâm, ma túy, người có HIV bằng cách tiếp cận, chuyển gửi các dịch vụ y tế khi cần thiết; Triển khai dự án truyền thông cho thanh, thiếu niên ngoài trường học (trẻ em đường phố) để các em biết tác hại của HIV, ma túy, trang bị cho các em kỹ năng phòng và tránh.

Chị Phạm Thị Huệ.
Chị Phạm Thị Huệ.

Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, Phạm Thị Huệ cùng các cộng sự đã thực hiện dự án Hỗ trợ ông bà chăm sóc trẻ có HIV do cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc Koica tài trợ, thực hiện tại ba quận là: Lê Chân, Ngô Quyền và Hồng Bàng. Với mục đích chăm sóc ông bà để cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ em mồ côi do bố mẹ nhiễm AIDS, dự án hỗ trợ các ông bà cả về tinh thần và vật chất, trang bị kiến thức để ông bà chăm sóc trẻ, cung cấp kỹ năng cho trẻ để tránh các tệ nạn xã hội. Gần 800 hộ ông bà với trên 1 nghìn trẻ đã nhận được sự hỗ trợ và chăm sóc của Trung tâm.

Điều chị Huệ đau đáu khi thực hiên dự án này là có nhiều trẻ em mồ côi do AIDS không được làm giấy khai sinh do bố mẹ chết hoặc bỏ đi biệt tích để lại con cháu cho ông bà và mất hết giấy tờ liên quan. Hầu hết các cháu không được đi học, thiếu thông tin và kỹ năng để phòng tránh tệ nạn xã hội.

Có tới 85% ông bà đã trên tuổi 65, sức khỏe yếu, nên việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ rất vất vả. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền lợi của trẻ cũng như công tác quản lý của địa phương.

Từ thực tế này, chị Huệ đã cùng Trung tâm kết nối thông tin của các cháu với đơn vị tư pháp địa phương hỗ trợ các cháu làm giấy khai sinh, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất, kết nối với các trung tâm y tế để hỗ trợ việc khám chữa bệnh miễn phí cho ông bà và các cháu.

Với tâm huyết của mình, dự án mà Huệ thực hiện, lập ra ba câu lạc bộ trẻ phòng chống AIDS, tạo sân chơi cho trẻ có HIV, giúp các cháu có thêm nhiều kỹ năng sống hơn. Ngoài ra, còn có 12 câu lạc bộ là nơi các ông bà chia sẻ kỹ năng chăm sóc các cháu, đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ.

Qua nhiều năm sống chung với HIV, từng chứng kiến biết bao gia cảnh của những người có HIV, chị luôn tâm niệm rằng, mỗi người phải có trách nhiệm với chính bản thân mình trong mọi mối quan hệ. Bảo vệ mình chính là bảo vệ những người xung quanh và đã tham gia tích cực vào phong trào phòng chống AIDS.

Chị mong muốn cộng đồng hiểu và tiếp cận được nhiều thông tin về HIV và bệnh nhân AIDS, họ có thể chưa chết vì bệnh thì đã chết vì bị phân biệt đối xử. Có thể chưa có thuốc đặc trị chữa được căn bệnh này nhưng việc đối xử đúng mực với bệnh nhân AIDS đã là liều thuốc tinh thần quý giá đối với họ.

http://www.baogiaothong.vn/gap-anh-hung-chau-a-xinh-dep-sau-15-nam-nhiem-hiv-d129428.html

Theo Hoàng Long/Báo giao thông

Bạn có thể quan tâm