Mới đây, dẫn thông tin cảnh báo từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết chỉ tính trong 4 tháng đầu năm nay, đã có 95 container (tương đương hơn 1.700 tấn) gạo xuất khẩu bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao.
Theo FDA, tính từ năm 2012 đến tháng 8/2016, có tổng số 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này bị trả gạo về, với tổng số 412 container, tương ứng gần 10.000 tấn gạo.
Qua kiểm tra của FDA, trong gạo Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, có 8 hoạt chất vượt giới hạn cho phép. 8 hoạt chất này có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.
"Doanh nghiệp không chấp nhận việc mất cả chì lẫn chài nên hầu như tìm mọi cách để đưa gạo về và phân phối cho người dân Việt Nam ăn", GS Võ Tòng Xuân lo lắng.
|
Bộ NN&PTNT cũng cho biết, lượng gạo xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 4,2 triệu tấn với kim ngạch 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% khối lượng và giảm 16,9% giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Nói về việc gạo Việt xuất khẩu bị Mỹ trả về, GS.Võ Tòng Xuân cho biết tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay nhưng chỉ có điều, trước đây các thông tin không công bố nên dư luận không xôn xao.
GS. Võ Tòng Xuân cho biết, khi gạo xuất khẩu không được chấp nhận, doanh nghiệp có thể lựa chọn việc tiêu hủy sản phẩm, song cách này gây tốn kém, doanh nghiệp phải trả tiền tiêu hủy. "Doanh nghiệp không chấp nhận việc mất cả chì lẫn chài nên hầu như tìm mọi cách để đưa gạo về và phân phối cho người dân Việt Nam ăn", GS. Võ Tòng Xuân cho biết.
Tuy nhiên, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) lại cho biết, thực tế theo thống kê của hệ thống kiểm dịch thực vật trên toàn quốc vừa qua có 29 lô gạo xuất khẩu bị Hoa Kỳ trả về. Hầu hết số gạo bị trả về vi phạm quy cách đóng gói hoặc doanh nghiệp vi phạm hợp đồng đã ký kết.
“Có 6/29 lô hàng bị trả về do chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là gạo xuất khẩu sang Hoa Kỳ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Bởi ở Hoa Kỳ, có một số hoạt chất bảo vệ thực vật chưa được xây dựng quy định về mức tồn dư tối đa cho phép là bao nhiêu nên chỉ cần phát hiện hàng nhập khẩu có tồn dư dù ít hay nhiều là họ trả lại”, ông Trung cho hay.
Để giải quyết vấn đề này, ông Trung cho biết, vừa qua Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và đoàn công tác đã sang Hoa Kỳ làm việc và thu được những kết quả tích cực.
Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang phối hợp với một số cơ quan của Hoa Kỳ triển khai xây dựng quy định về lượng tồn dư tối đa của một số hoạt chất bảo vệ thực vật chính trên gạo mà Hoa Kỳ chưa có.
Với một số hoạt chất được phép sử dụng tại Việt Nam mà không có trong quy định của Hoa Kỳ, Cục Bảo vệ thực vật sẽ hướng dẫn để người dân hạn chế tối đa, thậm chí không sử dụng nữa, tránh tái diễn tình trạng hàng xuất khẩu bị trả về.
Ông Trung cũng khuyến cáo, với thị trường Hoa Kỳ nói riêng và với thị trường xuất khẩu gạo nói chung, trước khi xuất khẩu các doanh nghiệp nên đem mẫu tới các phòng kiểm nghiệm, kiểm định đủ năng lực để kiểm tra xem còn hoạt chất bảo vệ thực vật nào tồn dư trong gạo với mức độ bao nhiêu, có được thị trường xuất khẩu chấp nhận không.
Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, gần đây liên tục có những khởi kiện, cảnh báo về các vấn đề bán phá giá, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến hàng nông sản Việt. Nguyên nhân là nhiều nước tăng cường xây dựng các hàng rào kỹ thuật khi triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Mặt khác, hàng nông sản của chúng ta cũng chưa tốt.
TS Sơn cảnh báo, đã đến lúc chúng ta phải đẩy nhanh hơn nữa, xây dựng chuỗi giá trị, tự kiểm định, xử phạt… nếu cứ trông chờ cơ quan nhà nước thì chúng ta sẽ không thể nào đuổi kịp các nước.
“Trước đây chúng ta tăng trưởng theo chiều rộng, lấy sản lượng, giá bán rẻ làm lợi thế cạnh tranh, dựa vào những thị trường dễ tính, xuất khẩu tiểu ngạch nhưng đã đến lúc phải nghiêm túc với chuyện này. Hướng đến thị trường cạnh tranh cao hơn, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, đây là bước đột phá không dễ dàng gì, cơ quan nhà nước phải thay đổi cách quản lý, doanh nghiệp đầu tư kỹ thuật, các hình thức liên kết…cuộc cách mạng thể chế phải làm càng sớm càng tốt”, TS. Sơn nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, gạo Việt đang không cạnh tranh được với gạo Thái Lan, Campuchia, và chỉ xuất khẩu sang những thị trường cấp thấp. Đánh giá về việc này, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng, gạo Thái Lan và Campuchia cũng xuất khẩu theo từng phân khúc, gồm cả cao cấp và bình dân. Điển hình nhất là việc mới đây hai thị trường này cùng tham gia đấu thầu gạo XK sang Philippines.
Các nước Thái Lan, Campuchia chỉ trồng 1 vụ, chính vì thế nếu tính trên diện tích thì “chưa hẳn chúng ta đã thua”.
Ông Cường cũng lạc quan, hiện nay chúng ta đã có chính sách xây dựng thương hiệu gạo Việt, đề án phát triển ngành hàng, như vậy gạo Việt sẽ dần chiếm lĩnh thị trường.