Vài năm nay, hầu như chủ nhật tuần nào, vợ chồng anh Robert Guadagno (quốc tịch Mỹ) cũng đánh xe từ căn hộ ở quận 2 đến cửa Đông chợ Bến Thành để tạt qua hàng bún riêu Gánh ở đường Phan Bội Châu.
Sau hơn 5 năm sinh sống và lập gia đình ở TP.HCM, anh Guadagno cho biết mình yêu thích nhiều món Việt, trong đó đặc biệt phải kể đến bún riêu. Anh biết đến quán bún riêu Gánh ở chợ Bến Thành thông qua sự giới thiệu của một số bạn bè, người thân.
Anh Robert Guadagno cùng vợ thường xuyên ghé quán bún riêu gánh ở chợ Bến Thành. |
Càng ăn càng ghiền nên mấy năm nay, vợ chồng anh coi đây như “quán ruột”, mỗi tháng phải ghé vài ba lần.
“Món ăn ở đây rất ngon. Lúc đầu, tôi không ăn được các loại mắm vì cảm thấy hương vị quá nồng nhưng gần đây tôi đã có thể dùng được và còn thấy rất thích”, anh Guadagno nói với Zing.
Có mặt ở chợ Bến Thành hơn 40 năm, quán bún riêu Gánh còn có biệt danh là bún riêu “sang chảnh” vì đặc biệt hút khách nước ngoài, Việt kiều.
Hầu hết khách ghé quán ban đầu đều do tò mò. Song giống vợ chồng anh Guadagno, nhiều người dần trở thành khách quen vì trót phải lòng một trong những món ăn nổi tiếng đất Sài thành.
Những vị khách đặc biệt
Adela Wilson (34 tuổi) thường ghé quán bún riêu Gánh vào mỗi dịp cuối tuần cùng nhóm bạn người Việt. Nữ giáo viên tiếng Anh cho biết cô đã thử ăn ở một vài hàng bún riêu khác ở Sài Gòn nhưng vẫn "kết" nhất hàng bún riêu ở chợ Bến Thành.
“Hương vị món ăn ở đây khá đặc biệt, nước dùng trong, đậm đà nhưng không quá nặng mùi. Phần nước chấm pha trộn giữa mắm và nước me nên có vị chua, khá dễ ăn”, Wilson cho biết.
Một tô bún riêu có giá 55.000 đồng gồm bún, chả cua thịt, huyết vịt và đậu hủ. |
Theo vị khách ngoại quốc, quán còn có những ưu điểm khác như nằm ở quận trung tâm, vị trí dễ tìm, không gian sạch sẽ, phục vụ nhanh. Quán chỉ bán một món bún riêu với mức giá 55.000 đồng, tuy không có nhiều lựa chọn nhưng dễ dàng hơn cho các thực khách nước ngoài trong việc gọi món.
Chủ quán bún riêu, bà Mai Thị Liên (60 tuổi), cho biết trước khi dịch Covid-19 bùng phát, phần đông khách ghé quán là du khách, Việt kiều.
“Lúc mới mở, quán có một số khách Việt kiều. Họ ăn rồi lại giới thiệu cho bạn bè, người thân ở nước ngoài. Nhờ vậy mà càng về sau quán càng có nhiều khách ngoại quốc”, bà Liên nói.
Trong mùa dịch, việc kinh doanh của quán cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do lượng khách nước ngoài giảm. “Một số khách quen của tôi ở nước ngoài không về được trong mùa dịch. Họ nhắn với người thân bên mình là thèm món này lắm mà không biết làm sao”, chủ quán kể.
Bên cạnh khách nước ngoài, quán vẫn có nhiều khách quen là người Việt ghé ủng hộ. Mỗi sáng cuối tuần, hơn 10 bàn phía trong quán đều kín chỗ. Quán phải kê thêm bàn phía bên ngoài song nhiều khách vẫn phải đứng đợi.
Chị Ngô Thùy Minh (36 tuổi) cho biết gia đình chị tháng nào cũng ghé quán từ 1-2 lần dù nhà ở quận 12 và phải chạy xe hơn 30 phút.
“Quán bún này lâu năm rồi, ở vị trí trung tâm nên mình nghĩ giá 55.000 đồng cũng không quá mắc. Về phần món ăn, mình thấy chất lượng. Phần chả cua thịt chắc nịch, huyết vịt dai mềm, đậu hủ chấm với nước me sệt pha mắm ớt, ăn rất cuốn”.
Gánh bún riêu của 6 chị em
Theo bà Mai Thị Liên, gánh bún riêu của gia đình đã được truyền qua 4 đời trong hàng chục năm qua. Ban đầu, bà ngoại bà Liên mở gánh bún riêu bán trên vỉa hè, sau đó truyền lại cho mẹ bà.
Hiện tại, 6 chị em bà Liên cùng tiếp quản hàng ăn gia đình. Các công thức gia truyền tiếp tục được truyền lại cho con cháu trong nhà.
“Việc giữ gìn, lưu truyền các công thức, bí kíp qua nhiều thế hệ không phải chuyện dễ. Đến nay, 6 chị em chúng tôi vẫn làm việc ở quán. Nhân viên cũng toàn là con cháu cả. Có thể nói gánh bún riêu này đã nuôi sống nhiều thế hệ gia đình chúng tôi”, bà Liên nói.
Khoảng 7 năm trước, bà Mai Thị Liên thuê mặt bằng, mở quán bún riêu như hiện tại. |
Tuy không tiết lộ nhiều về công thức chế biến món ăn, bà Liên cho biết điểm đặc biệt nhất của quán là không dùng ốc, gạch cua hay giò heo như phiên bản bún riêu cua Nam Bộ thông thường.
"Món ăn đã được nêm nếm vừa miệng nên thường thì khách không cần thêm gia vị nhiều. Quán chúng tôi cũng không dùng chanh, tắc như những nơi khác mà thay bằng nước chấm đặc biệt gồm mắm, ớt, cốt me".
Bà Liên nói để gánh bún riêu của gia đình có thể “sống” đến ngày hôm nay là nhờ vào sự giới thiệu, giúp đỡ của nhiều khách quen. “Ngoài ra, công thức độc đáo của quán cùng sự tỉ mỉ trong khâu chọn nguyên liệu, chế biến cũng góp phần giúp quán được nhiều người biết đến hơn”.