Gần Tết, cây kiểng giả tái xuất
Lợi dụng nhu cầu mua các loại cây, hoa kiểng… chưng Tết, nhiều người bán cây kiểng đã tân trang cây "đểu", lộc giả, lấy "râu ông nọ cắm cằm bà kia" bằng công nghệ rất tinh vi.
Chị Hà, ngụ đường số 7 cư xá Đô Thành, Q.3, TP.HCM kể lại, thấy xe cây kiểng dạo đi qua nhà có nhiều cây đẹp, chị chọn mua một cây phát tài đang nhú mầm. Người bán tiếp thị, còn hơn một tháng nữa tới Tết, lúc đó những mầm cây nảy thành lộc non, chưng Tết sẽ rất ý nghĩa. Chị Hà hồ hởi mua cả cây lẫn chậu. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, những mầm cây bắt đầu thâm đen rồi rụng hết, mặc dù chị tuân thủ các kỹ thuật chăm sóc người bán đã dặn. Tưởng mình không "mát tay" trồng cây, nhưng khi bỏ cây khỏi chậu, chị Hà phát hiện cây… không có rễ, chỉ là một đoạn cắt từ thân cây lớn rồi bọc vào bầu đất. Lúc này, chị Hà mới biết mình mua phải cây giả.
Khi đi mua cây cảnh, người tiêu dùng nên chọn lựa kỹ, không nên ham giá rẻ. |
Anh Nguyễn Văn Bảy, ngụ tại đường Hoa Lan, Q.Phú Nhuận, TP.HCM dịp Tết năm trước cũng mua được một gốc mai rất bề thế từ những người đi bán rong với giá hai triệu đồng. Nhìn vào, ai cũng tưởng cây mai có tuổi thọ đến vài chục năm. Người bán hàng còn căn dặn, trước Tết chừng 15 - 20 ngày phải tỉa lá để kích thích cây ra nụ, đơm bông. Thế nhưng mới ba-bốn ngày sau khi mua, cành cây đã khô lại, lộ những vết nứt lớn. Dùng mũi dao kiểm tra, anh Bảy phát hiện gốc cây đã khô cứng từ khi nào. Chỉ có một cành nhỏ như ngón chân cái được ghép (bằng đinh ghim) vào thân khô là có cành lá.
Tìm hiểu tại khu vực đường Tân Sơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM, nơi những người bán cây cảnh dạo, chủ yếu từ các tỉnh miền Bắc vào sống thành… làng, chúng tôi được biết, những người bán cây ở đây có hai nhóm. Một là những người bán quanh năm và một bộ phận khác chỉ bán vào dịp cận Tết. Người bán quanh năm phải giữ khách vì nhiều khách quen mặt nên không dám mạo hiểm bán cây chất lượng kém. Còn những người bán theo mùa vụ thì rất “liều lĩnh”, luôn kiếm lời bằng cách “độ” cây.
Ông Trần Đăng Chuyên, người bán cây lâu năm tại đường Tân Sơn cho biết, không ít lần ông chứng kiến những người bán cây mùa vụ "làm" cây mà ngay cả người trong nghề như ông cũng không dễ phát hiện. Chẳng hạn, với cây mai, loại cây dễ bán nhất ngày Tết, thường thì họ về các nhà vườn mai tại Thủ Đức chọn mua những cây mai khẳng khiu, mềm, dễ uốn, có nhiều nụ nhỏ… sau đó chọn những gốc cây có hình dáng xù xì và ghép chung một, hai cây mai thật với gốc giả, rồi dùng một loại “dung dịch” đặc biệt (thường là thân rau lang giã nát) tạo ra màu rêu, phết lên những chỗ ghép. Khi nhìn vào, người ta có cảm giác như thân cây lâu năm có rêu bao phủ rất dễ bị lừa.
Hiện tại, nhiều người từng bị "lởm" bởi cây giả đã có kinh nghiệm đề phòng khi chỉ mua cây tại vườn. Có người khi mua cây dạo chỉ trả trước 50% số tiền, một tuần sau cây không có sự cố gì mới trả nốt tiền cho người bán. Số người khác từng có kinh nghiệm trồng cây thì quan sát kỹ những bộ phận có thể bị làm giả như gốc, hoa, trái… trước khi mua.
Theo Phụ nữ TP.HCM