Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gần Tết, ATM đua nhau trục trặc

Ngày thường trục trặc, dịp cận Tết Nguyên đán - khi lượng người rút tiền tăng lên, hệ thống ATM càng trở nên "khó chịu" hơn với đủ các kiểu sự cố.

Gần Tết, ATM đua nhau trục trặc

Ngày thường trục trặc, dịp cận Tết Nguyên đán - khi lượng người rút tiền tăng lên, hệ thống ATM càng trở nên "khó chịu" hơn với đủ các kiểu sự cố.

Trong một chuyến đi công tác Bắc Ninh, ông Lê (quận 1, TP.HCM) mời mọi người trong đoàn đi ăn. Gần chỗ ăn có cột máy ATM của Agribank nên ông vào rút tiền bằng thẻ ATM của ngân hàng (NH) này. Nhưng tiền đâu không thấy, chỉ thấy thẻ bị máy... nuốt mất. Một người cùng đoàn lấy thẻ ATM khác ra rút, cũng bị nuốt luôn.

 
Các chủ nhân của thẻ ATM lại chuẩn bị phải trả phí rút tiền nội mang.
 
Người rút tiền bức xúc khi gặp trục trặc với ATM

Cũng chỉ cách đây vài tuần, anh Nhân (quận Tân Bình, TP.HCM) đến máy ATM của Vietcombank trên đường Cách Mạng Tháng Tám để rút tiền. Khi vào giao dịch, màn hình máy vẫn bình thường nhưng khi thực hiện thao tác rút tiền thì máy báo không giao dịch được. Đến một máy khác đặt tại siêu thị gần đó, tình trạng vẫn lặp lại như cũ.

"Thực tình lúc đó tôi phát rồ người lên, lương có mấy đồng lại còn bị ATM xà xẻo. Nhưng bực nhất là không biết kêu ai" 

Một chủ thẻ ATM của Vietcombank tại Đội Cấn, Hà Nội cho biết.

Trường hợp của chị Vân (quận 4, TP.HCM) còn bực mình hơn khi dùng thẻ ATM của Vietcombank đi rút tiền qua máy ATM của ANZ tại Vincom. Sau các thao tác rút tiền, máy không chịu đưa ra 4 triệu đồng theo yêu cầu nhưng trên tài khoản lại bị trừ đi số tiền này. Chị Vân liên hệ với NH thì đến 45 ngày sau tài khoản của chị mới nhận được số tiền trả lại. Cách đây vài hôm, anh Trung (quận 8, TP.HCM) rút tiền tại máy ATM của Vietinbank để thanh toán viện phí cho mẹ nhưng thẻ cũng bị nuốt không rõ lý do. May là nhân viên NH này đi ngang qua đây nên thẻ của anh Trung nhanh chóng được “giải vây”.

“ATM - Bức xúc quá các mẹ ơi”

100.000 mất góc trái, 500.000 bị cắt góc phải, rút xấp 200.000 thì bị “kẹp” tờ 10.000... là vô số tình huống dở khóc dở cười từ máy ATM dịp cuối năm người dân phải gánh chịu.

Chị Ngọc (giảng viên học viện Tài chính tại Hà Nội) cho biết, ngày 18/1 đi rút 15 triệu đồng tại máy ATM của Vietcombank chi nhánh Ngọc Hà. Chị chia làm 3 lần, mỗi lần rút 5 triệu, khi rút đến lần thứ hai thì máy “nhả” ra 5 triệu loại mệnh giá 500.000 đồng, trong đó có một tờ bị nhăn nhúm ở góc trái, một tờ bị cắt mất góc phải. Chị phải cầm tiền chạy đến phòng giao dịch Vietcombank trên phố Giang Văn Minh đổi lại. “Tôi đoán rằng họ biết một số máy ATM ở khu vực đó có tiền rách, nên khi khách hàng đến kêu đổi lại họ không ý kiến gì. Có thể rồi NH lại tuồn vào ATM cho người rút mà thôi” - anh Phương, nhà tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy nói.

Vấn đề là sự không minh bạch

TS.Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng: “Máy nội bộ thì cứ báo gặp sự cố kỹ thuật, rút ngoài hệ thống thì liên tục gặp trục trặc, giao dịch không thành công trong khi các NH muốn thu phí vì cho rằng kinh doanh lĩnh vực này lỗ. Đã ra kinh doanh thì phải chấp nhận có lãi, có lỗ chứ đừng đòi phải lãi. Vấn đề ở đây là sự không minh bạch, công khai tài chính trong lĩnh vực này. Mỗi chủ thẻ phải để ít nhất trong thẻ 50.000 đồng, nếu nhân cho số lượng thẻ phát hành thì NH có được một nguồn vốn giá rẻ để cho vay. NH sẽ không tính lỗ từng sản phẩm dịch vụ vì thẻ ATM là sản phẩm bán chéo, có lãi từ tín dụng mang lại. Trong trường hợp NH nhất quyết đòi thu phí thì chất lượng dịch vụ phải được nâng lên”.

Không được may mắn như chị Ngọc, chị Hoàng Anh (Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) bị “dính” liên tục tiền rách và nhăn nheo, cầm qua NH thì không đổi được, trong khi một số chi nhánh khác đổi cho thì lại tính phí. Quá bức xúc, chị Hoàng Anh lập cả một topic trên diễn đàn lamchame với chủ đề “ATM - bức xúc quá các mẹ ơi”. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ rằng việc đổi tiền rách tại các NH đều rất khó khăn.

Nhưng cũng không chỉ tiền rách, trường hợp của chị Hà (Đội Cấn, Hà Nội) còn bị kẹt cả tờ 10.000 đồng vào trong xấp tiền 200.000 đồng rút tại máy ATM của Vietcombank. Éo le hơn, lúc đó máy hết hóa đơn, thẻ không đăng ký dịch vụ truy vấn số dư qua tin nhắn điện thoại. “Thực tình lúc đó tôi phát rồ người lên, lương có mấy đồng lại còn bị ATM xà xẻo. Nhưng bực nhất là không biết kêu ai”- chị Hà chia sẻ. Nhiều chủ thẻ khi đến rút tiền tại máy ATM đã phải khấn đến phiên mình không gặp trục trặc gì.

Đi 40 km để nhận lương qua ATM

Sau nhiều năm quy định công chức, viên chức, công nhân phải nhận lương qua thẻ ATM nhưng đến nay các NH chỉ “phủ sóng” máy ở khu vực thành thị mà bỏ lơ khu vực nông thôn. Bởi vậy, với những cán bộ, giáo viên đang công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi, việc trả lương qua thẻ ATM gây nhiều phiền toái, khó khăn cho họ.

Huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận) đã triển khai trả lương qua thẻ ATM từ nhiều năm nhưng chỉ có duy nhất một máy rút tiền của Agribank đặt tại trung tâm huyện. Nhiều giáo viên, cán bộ ở các xã cách trung tâm huyện hàng chục cây số, đến kỳ nhận lương phải đi chừng ấy cây số mới rút được tiền. Cô Nguyễn Thị Minh Tuyết, giáo viên trường tiểu học Phước Bình, cách trung tâm Bác Ái hơn 40 km, cho biết trước đây đến kỳ nhận lương chỉ cần lên phòng tài vụ ký nhận là xong thì nay phải chi phí ra nhiều khoản trong đồng tiền lương ít ỏi này. Nào là chi phí dịch vụ nhắn tin, rút tiền, in hóa đơn và tiền xăng xe chạy đến máy ATM nhưng chưa chắc đã rút được, vì đôi lúc đúng vào thời điểm máy ATM hết tiền hoặc đang trong thời gian bảo dưỡng. Để tiết kiệm chi phí, nhiều giáo viên ở cùng trường đến kỳ nhận lương đã dồn hết thẻ cho một người (tất nhiên phải cho mật khẩu của từng chủ thẻ) đi đến máy ATM để nhận lương.

Tại huyện Ninh Sơn, thầy Huỳnh Văn Huy, Hiệu trưởng trường tiểu học Ma Nới, nói cả huyện gồm 8 xã và 1 thị trấn nhưng chỉ có 2 máy ATM đặt ở thị trấn Tân Sơn và khu vực xã Lâm Sơn. “Mỗi kỳ nhận lương giáo viên chúng tôi phân công nhau cầm thẻ ATM chạy ra trung tâm huyện cách trường hơn 30 km để rút, quá khổ” - thầy Huy nói.

Giải đáp thắc mắc vì sao không đặt thêm máy ATM ở khu vực các xã miền núi, một cán bộ lãnh đạo Agribank chi nhánh Ninh Sơn, giải thích: “Nếu đặt thêm nhiều điểm sẽ tăng thêm chi phí, hơn nữa ở khu vực này rất ít người nhận lương qua thẻ ATM”.

Chất lượng, dịch vụ của hệ thống ATM đang đi ngược lại với rất nhiều loại phí, đặc biệt là phí thu nội mạng mà khách hàng sẽ phải trả khi có giao dịch từ 1/3 tới.

Theo Thanh Niên

Theo Thanh Niên

Bạn có thể quan tâm