Vào cuối mùa leo núi - thời điểm đầu tháng 6, ít nhất 59 người leo núi Everest mắc Covid-19. Trong số này bao gồm 5 người leo lên tới đỉnh, New York Times đưa tin ngày 28/6.
Số liệu thống kê dựa trên các cuộc phỏng vấn với người leo núi, công ty thám hiểm cũng như tài khoản mạng xã hội cá nhân của những người này.
Theo New York Times, Nepal đang thiếu hụt trầm trọng các hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm vì đại dịch Covid-19.
Jangbu Sherpa - hướng dẫn viên du lịch người Nepal - rất có thể là người đầu tiên nhiễm virus corona chinh phục nóc nhà của thế giới, sau khi dẫn một đội gồm 15 người cùng hoàng tử Bahrain chinh phục Everest vào ngày 11/5.
Công ty thám hiểm của anh Sherpa có thể mất hàng nghìn USD nếu chuyến leo núi của hoàng tử Bahrain bị hủy bỏ. Vì vậy, không còn cách nào khác, hướng dẫn viên 38 tuổi tuổi này vẫn phải tiếp tục công việc.
Những người leo núi trên đỉnh Everest vào tháng 5 vừa qua. Ảnh: AFP. |
Sau khi mùa leo núi kết thúc, nhiều cơ quan thám hiểm thừa nhận dịch Covid-19 lây lan khắp các khu cắm trại - nơi những người leo núi thích nghi với độ cao khắc nghiệt trước khi trèo lên tới đỉnh.
Con số thực tế về các ca nhiễm có thể lớn hơn, bởi bác sĩ, ban tổ chức và các nhà leo núi khẳng định họ bị ép buộc phải che giấu tình trạng dịch tại đây.
Tuy nhiên, chính phủ Nepal một mực khẳng định không có bất cứ dấu tích nào của virus corona tại núi Everest.
Các quan chức bác bỏ lời kể của những người leo núi và coi rằng đó chỉ là bệnh viêm phổi. Người này khẳng định ho là một triệu chứng quen thuộc khi leo lên vùng núi có bầu không khí khô hạn.
Bộ phận du lịch của Nepal, cơ quan giám sát các cuộc thám hiểm Everest, vẫn kiên quyết với quan điểm này ngay cả khi có người phải di chuyển ra khỏi núi bằng máy bay.
Nhiều chuyến thám hiểm đã bị hủy bỏ - một điều hiếm khi xảy ra bởi những người này đã bỏ một số tiền lớn để được huấn luyện, bay tới Nepal và khát khao được chinh phục đỉnh Everest.
Các quan chức Nepal tìm mọi cách để ngăn chặn Covid-19 lan tới Everest vào mùa leo núi năm nay. Nepal đóng cửa khu vực này vào năm 2020 khi đại dịch bùng phát, sau khi thu về hơn 2 tỷ USD vào năm 2019.