Mẹ già mỏi mắt ngóng tin con
Con đường đất dẫn vào nhà chị Nguyễn Thị Mùi (44 tuổi, trú thôn Phước Điền, xã Hải Thành, Hải Lăng, Quảng Trị) ướt nhão nhoẹt vì cơn mưa rào tầm tã. Ngồi trước cánh cửa nhà có một bà lão đã ngoài 80, gầy nhom, lưng còng sát đất, đôi mắt đục ngầu hướng nhìn về một khoảng không vô định như chờ mong một thứ gì đó trong tuyệt vọng.
Bất giác, đôi mắt ấy bừng sáng hẳn lên khi tôi hỏi “có phải nhà chị Mùi ở đây không ạ”. “Đúng, đúng rồi, có tin gì của nó hả chú, nó đâu, nó đâu rồi chú?” – cụ bà hỏi liên tục và ngoái nhìn khắp nơi. Cố bước nhanh ra hiên nhà, cụ ông dáng người gầy còm, ốm yếu cũng nhìn tôi với ánh mắt đầy hi vọng.
Bà Trần Thị Cơ - mẹ chị Mùi mong muốn qua báo chí, con bà sẽ nhìn thấy bà, trở về với bà. (Ảnh: Ngọc Vũ) |
Tôi hiểu, 17 năm nay họ đã cạn khô dòng nước mắt, mong con, cháu đến từng phút giây. Bất giác, tôi tự trách mình rằng không mang được chị Mùi về cho hai cụ.
Trong căn nhà cấp bốn đã phủ rêu phong, cụ Trần Thị Cơ – mẹ chị Mùi liên tục lau nước mắt khi kể về con gái cùng đứa cháu tội nghiệp của mình. Chị Mùi sinh ra trong cảnh nghèo, gia đình có 8 anh chị em.
Học hết lớp 3, chị đành bỏ ngang để phụ giúp gia đình nuôi sống các em. 20 tuổi, chị lấy được tấm chồng rồi sinh hạ 2 người con gái. Cuộc sống khó khăn, ở nhà thất nghiệp, cơm gạo không đủ ăn nên năm 1997, khi đối tượng Lan hứa sẽ cho đi làm nhà hàng ở Hà Nội với lương cao, chị đã đi theo.
“Nghĩ là làng xóm nên tin tưởng ra làm cho nó để có tiền nuôi con, ai ngờ nó ác quá, đem lừa bán con Mùi sang Trung Quốc” – cụ Cơ cắn vào tay khóc không thành tiếng.
Chị Mùi ra đi bồng theo đứa con gái chưa đầy 6 tuổi, cho đến hôm nay vẫn bặt vô âm tín. Cụ Cơ cho hay, từ ngày chị Mùi bị lừa bán đến giờ, chỉ duy có một lần vào năm 2000 gia đình nhận được một lá thư gửi từ Trung Quốc về.
Sau khi nhận thư, gia đình có nhờ người viết thư gửi lại nhưng đến nay không thấy hồi đáp. “Tui sợ nó chết ở đâu mất rồi chứ còn sống thì đáng ra nó phải về rồi chứ. Tui nhớ con tui quá chú ơi” – cụ Cơ đau đớn.
Từ ngày chị Mùi cùng con gái bị lừa bán sang Trung Quốc, ở nhà, hai cụ Trần Thị Cơ và Nguyễn Tất ngày đêm mỏi mòn mong ngóng tin con. “Đêm nào bà ấy cũng khóc, lúc nào cũng ngồi trước hiên nhà chờ con Mùi.
Hai thân già này cũng sắp phải ra đi, nhưng trước khi đi, mong sao được gặp lại con và cháu gái một lần cho đỡ tủi thân” – cụ Tất nhìn cụ Cơ buồn rơi nước mắt. “Giờ tui chỉ còn duy nhất cái chứng minh thư của con Mùi. Chờ ít năm nữa, nếu vẫn không có tin tức gì thì chắc hai thân già này đành lập bàn thờ cho nó” – lời nói cụ Cơ nghe nghẹn đắng.
Lời ru buồn xuyên biên giới
Năm 1997, đối tượng Nguyễn Thị Lan đột nhiên từ Hà Nội trở về thăm quê ở Hải Thọ, Hải Lăng, Quảng Trị. Bề ngoài Lan trẻ đẹp, cao ráo, đeo vàng bạc đầy người, đi cùng còn có một đối tượng tên Long. Gặp chị Đ.T.T.Th., Lan nói ngọt, vẽ đường tương lai tươi sáng dụ dỗ chị ra làm nhà hàng ngoài Hà Nội, lương trả hậu hĩnh tới cả triệu rưỡi đồng một tháng, chị Th cũng xuôi theo.
Chuyến xe định mệnh khởi hành vào chiều 6/5/1997 đưa chị Th., chị Mùi cùng đứa con tội nghiệp và 3 người phụ nữ khác cùng đi lên “Hà Nội”. Cả đời các chị chưa ra khỏi cổng làng nên Lan đưa đi đâu, các chị chỉ biết đi theo đó. Ban ngày Lan cùng đồng bọn nói cho vào khách sạn nghỉ ngơi, ban đêm chúng bắt đầu dẫn các chị đi, cả vượt núi, trèo đèo. Mãi đến khi qua đến Trung Quốc, các chị mới biết mình đã bị mắc bẫy.
Lúc đó, chị Th. mới vừa tròn 20 tuổi. Tuổi thanh xuân của chị là quãng đời đau đớn ê chề nơi đất khách quê người. Ngay khi sang Trung Quốc, chị bị ép phải bán trinh. Tiếp đó chúng năm lần bảy lượt bán chị từ nơi này sang nơi khác, từ nhà thổ này sang “mẹ mìn” kia.
Và điểm dừng chân cuối cùng là khi chị bị bán để làm “vợ” cho một người đàn ông hơn mình 14 tuổi. Không chấp nhận số phận, chị tìm cách bỏ trốn. Vậy nhưng, vì không có tiền nên không thể chạy được xa. Sau mỗi lần trốn chạy bất thành, chị bị đánh đập dã man.
Chứng minh nhân dân của chị Nguyễn Thị Mùi. |
Nhà chồng dọa chị nếu không chấp nhận làm vợ, sẽ bị đem bán vào nhà chứa. Nghe tới nhà chứa, chị khiếp sợ. Chị biết, một khi đã bước chân vào đó, sẽ khó có cơ hội thoát thân nên đành chấp nhận sống, làm việc và tích lũy tiền chờ cơ hội chạy trốn.
Sau một năm bị đọa đày, năm 1998, chị sinh được một đứa con gái. Đứa con là niềm an ủi để chị tiếp tục chống chọi với nỗi đau bị đánh đập, hành hạ. Trong 7 năm làm dâu xứ người, chị trốn chạy thành công được 6 lần. Nhưng vì tình mẫu tử, cứ sau một thời gian trốn chạy chị lại quay về “nhà chồng”, nơi đày đọa chị để thăm con. Chị Th. cho hay:
“Trốn thoát về được quê nhà tui vui mừng khôn tả nhưng hằng đêm, mỗi lần nhắm mắt là gương mặt của con gái lại hiện ra trước mặt, nó gọi tên tui khiến tui không sao ngủ được, tui nhớ con, nước mắt cứ trào ra”. Ở quê nhà, cứ mỗi lần nhớ con, chị Th. lại nằm ôm gối khóc và cất lời ru buồn tủi ở biên giới bên này để ru con ở bên kia biên giới. Lời ru da diết tuy không đến được bên con nhưng nó vơi bớt nỗi buồn của chị.
Mãi đến năm 2005, khi con gái tròn 7 tuổi chị mới đành dứt áo ra đi vĩnh viễn. “Đến giờ tui vẫn muốn qua thăm nó nhưng mà điều kiện không cho phép, cũng không biết làm cách nào để liên lạc với nó. Không biết giờ con tui thế nào, có khỏe không, đã lấy chồng hay chưa, có còn nhớ tui hay không” – những câu hỏi đó cứ dằng xé tâm trí chị.
Dù Trung Quốc là mảnh đất đã chôn vùi tuổi thanh xuân của chị, nhưng tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng không gì lay chuyển được. Ngày ngày chị vẫn làm việc, dành dụm tiền với ước mơ sẽ có một ngày quay trở lại Trung Quốc thăm đứa con gái chị rứt ruột đẻ ra và nói với nó rằng chị yêu và nhớ nó đến nhường nào.