Do tính chất nhạy cảm, không hề có bất kì thống kê chính thức nào chỉ ra game thủ nước nào "xấu tính" hay game thủ nước nào "đáng yêu". Nhưng trong nền văn hóa game vốn tương đối khép kín, cộng đồng game thủ vẫn có "chuyện cổ tích" về quê quán của những đồng đội chẳng ai muốn chơi cùng.
Dạo quanh các diễn đàn lớn như Reddit, Quora hay của các tựa game như Liên Minh Huyền Thoại, Dota 2, CS:GO, Apex Legends... có thể tìm ra những quốc gia "mang tiếng" nhất trong cộng đồng game thủ như Nga, Trung Quốc, Ba Lan, Anh...
Với đặc thù đồng đội và đối kháng cùng lúc, các tựa game eSports yêu cầu khả năng hợp tác lẫn tinh thần thi đấu cao. Ảnh: Getty. |
Điều kì lạ, rất hiếm khi thấy xuất hiện Việt Nam trong những bình luận tiêu cực, trong khi chính game thủ Việt lại ghét nhau như... chó với mèo.
Game thủ Nga bị cô lập vì không dùng tiếng Anh
Nước Nga nổi tiếng với khí hậu lạnh giá, nhưng có lẽ vẫn không lạnh bằng thái độ của cộng đồng game thủ quốc tế đối với người chơi ở quốc gia này. Nổi tiếng "xấu tính" ở các tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS), các game thủ Nga thậm chí đã trở thành "meme".
Trong bài hỏi đáp trên HTLV.org, diễn đàn của tựa game CS:GO, một người dùng khi được hỏi về game thủ nước nào xấu tính nhất, đã xếp hạng rằng "vị trí thứ nhất là Nga, thứ 2 là Nga và thứ 3 tất nhiên là Nga". Bên dưới, nhiều người tỏ ra đồng tình với quan điểm hài hước này.
Không thể giao tiếp là bất lợi trong những trận chiến ảo. Ảnh: Overwatch. |
Khi được hỏi về lý do vì sao cộng đồng lại ghét game thủ đến từ Nga như vậy, nhiều người lý giải rằng nguyên nhân chủ yếu do họ không thể nói tiếng Anh.
"Họ không giao tiếp bằng tiếng Anh, luôn la hét những câu tiếng Nga khó hiểu và ngăn cản việc những người khác giao tiếp với nhau", một người dùng chia sẻ.
Ở những tựa game quốc tế như CS:GO, Dota 2, Overwatch... các game thủ của nhiều quốc gia cùng chơi các server (máy chủ) chung, sử dụng kênh thoại để giao tiếp với nhau khi chiến đấu. Do đó, mọi người khuyến khích việc sử dụng tiếng Anh để game thủ từ nhiều quốc gia có thể hiểu và trao đổi chiến thuật tốt hơn.
Bên cạnh đó, người Nga chủ yếu đông đảo ở các tựa game FPS, nên họ thường sử dụng tiếng Nga để giao tiếp với đồng hương, phớt lờ đồng đội đến từ các quốc gia khác. Chiến thuật "rush B" cùng lối chơi tiêu cực như giết đồng đội, từ chối hợp tác, la hét... cũng là những điều làm nên định kiến.
Những trận game giải trí có thể nhanh chóng trở thành các ván đấu căng thẳng và làm hỏng cả ngày của bạn. Ảnh: Flickr. |
CS:GO, Overwatch... là những tựa game chưa có nhà phát hành ở Việt Nam và đều là các tựa game phải trả phí (CS:GO mới tung bản miễn phí thời gian gần đây), do đó vẫn chưa tiếp cận được nhiều game thủ Việt.
Do đó, game thủ Việt ở các tựa game này hiện chiếm số lượng ít và phần lớn thuộc nhóm đã quen với văn hóa game của phương Tây. Vì vậy, các game thủ chỉ có thể sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với những người chơi khác.
Game thủ Ba Lan, Anh bị đồn nóng tính
Người hâm mộ bóng đá có lẽ không mấy lạ lẫm với cổ động viên của hai quốc gia này. Trong khi người Ba Lan tương đối cuồng nhiệt, các "hooligan" Anh cũng nổi tiếng nhiều bê bối.
Văn hóa "sôi động" này có lẽ ảnh hưởng đến cả việc chơi game. Thật đáng ngạc nhiên khi ở hầu hết diễn đàn từ Dota 2, Liên Minh Huyền Thoại, CS:GO, PUBG... cho đến Fortnite, Overwatch... đều nói rằng họ ghét các game thủ Ba Lan.
Đây không phải lĩnh vực duy nhất người Ba Lan đón nhận những sự kỳ thị. Có hẳn một thuật ngữ gọi là "thiên hướng chống Ba Lan" để chỉ hiện tượng rất nhiều dân tộc và quốc gia trên thế giới có ấn tượng xấu với người dân của quốc gia này.
Việc phân biệt khu vực là một trong những thái độ thù địch cần được loại bỏ khỏi eSports. Ảnh: Flickr. |
Theo quan điểm của các game thủ CS:GO trên diễn đàn HLTV.org, thái độ của các game thủ Ba Lan và Anh thường rất tệ. Họ hay chửi bới đồng đội, quăng game, tranh giành các vị trí quan trọng...
Tuy nhiên, việc đánh giá tiêu cực người chơi đến từ một số khu vực nhất định được đánh giá là thái độ thù địch và phân biệt vùng miền. Đặc biệt, nhất là khi người Ba Lan vốn đã phải nhận những ánh nhìn không mấy thiện cảm ở các lĩnh vực khác, việc đánh giá thái độ game thủ đôi khi chỉ là thiên kiến cảm tính.
Cheater đa phần đến từ Trung Quốc
99% số tài khoản bị khóa do sử dụng hack ở tựa game PUBG đến từ Trung Quốc, đó là số liệu được báo cáo bởi BattlEye, nền tảng chống gian lận game.
Điều này không mấy ngạc nhiên, khi game thủ Trung Quốc vốn nổi tiếng về nạn hack/cheat. Với dân số hơn 1 tỷ người, cùng với nền công nghiệp game được khuyến khích phát triển mạnh mẽ, tỉ lệ chung trận đấu với các game thủ Trung Quốc trở nên cao hơn bao giờ hết.
Game thủ Trung Quốc dường như có mặt ở hầu hết tựa game trực tuyến trên thế giới. Ảnh: Getty. |
Do đó, tỉ lệ hacker là game thủ người Trung Quốc gặp phải cũng sẽ cao hơn hẳn. Bên cạnh đó, khi chơi chung với các game thủ Trung Quốc, người chơi đến từ các khu vực khác sẽ gặp tình trạng độ trễ (ping) cao do kết nối với máy chủ ở xa.
Điển hình ở tựa game Dota 2, khi người chơi tìm trận đấu và được xếp chung trận với các game thủ Trung Quốc, khả năng cao họ sẽ phải chơi ở máy chủ Trung Quốc và gặp tình trạng ping từ vài trăm đến vài nghìn ms.
Hạn chế cuối cùng đến từ các game thủ Trung Quốc là vấn đề giao tiếp. Chẳng ai muốn chơi một trận đấu có hack, ping cao hay không thể giao tiếp với đồng đội.
Game thủ Việt bị ban IP, mức độ nghiêm trọng đến đâu?
Game thủ Việt có lẽ vẫn chưa quên được "nỗi đau" khi bị cấm cửa khỏi những tựa game đình đám của các nhà phát triển như Konami, Nexon... thậm chí còn tổ chức cả chiến dịch thu thập chữ ký để xin mở khóa game cho thị trường Việt.
Tuy nhiên, việc bị cấm khỏi những tựa game này không phải do thái độ của game thủ Việt hay những định kiến của nhà phát triển với thị trường Việt Nam. Các nhà phát triển game Nhật Bản có chiến lược riêng của mình và đặt nặng tính đặc thù khu vực.
Trên diễn đàn LMHT Bắc Mỹ, nhiều game thủ quốc tế cũng đặt câu hỏi vì sao họ không được phép tải và trải nghiệm những tựa game Nhật Bản. Theo lý giải từ phía nhà phát triển, việc bỏ thêm chi phí để bản địa hóa những game có lối chơi tương đối "đặc thù" để thử nghiệm ở các thị trường mới sẽ là nước đi mạo hiểm.
Người hâm mộ PES tại Việt Nam cũng bị Steam chặn tải các phiên bản của trò chơi bóng đá từ Konami nhiều năm qua, dù sẵn sàng trả tiền để được chơi. Fan PES ở Việt Nam chỉ có thể mua đĩa hoặc bản game kỹ thuật số từ Sony PlayStayion Store.
Đối với trường hợp Maple Story 2 (Nấm lùn), nhà phát triển game đã trả lời người dùng rằng họ không thể cho phép game thủ Việt tải game do những điều khoản đã ký với nhà phát hành ở Việt Nam trước đó vẫn còn hiệu lực.
Đây cũng là lý do phiên bản quốc tế hay các phiên bản phát triển thêm của những tựa game đình đám như PUBG Lite, Crossfire... phải nhường đường cho tựa game chính được ký hợp đồng với nhà phát hành trong nước.
Clash of Clans vẫn chưa có vật trang trí "cờ Việt Nam" mặc dù người chơi ở Việt Nam tương đối sôi nổi và từng nhiều lần kiến nghị về việc này. Ảnh: Clash of Clans. |
Mới đây nhất, việc Super Cell rút khỏi Việt Nam cũng liên quan đến vấn đề thuế và pháp lý. Đây có thể xem là sự kiện đáng tiếc nhất trong năm của làng game thủ Việt, khi những tựa game như Clash of Clans, Clash Royale, Hayday... đã trở nên quá quen thuộc.
Mặc dù "không có lửa làm sao có khói", nhưng việc có những định kiến liên quan đến phân biệt vùng miền giữa các game thủ với nhau là điều không được khuyến khích.
Việc các game thủ "xấu tính" của Nga, Trung Quốc hay Ba Lan đôi lúc đã đi quá xa khiến những cuộc vui trở nên căng thẳng.
Đây là lý do nhiều tựa game đã bổ sung vào điều khoản của mình, trong đó nghiêm cấm hành vi phân biệt vùng miền hay xúc phạm lẫn nhau, chỉ vì sự khác biệt về ngôn ngữ hay lối chơi.