Tăng tương tác với khách hàng, đẩy mạnh nhận diện thương hiệu, tạo sức lan tỏa rộng, gamification ngày càng phổ biến và trở thành lựa chọn chiến lược của nhiều doanh nghiệp.
Không đơn giản là xu hướng trong cuộc đua tiếp thị và truyền thông, gamification (game hóa) đòi hỏi các doanh nghiệp hiểu đúng nhu cầu của khách hàng mục tiêu, đồng thời ứng dụng một cách bài bản thay vì chạy theo trào lưu. Cuộc đua gamification được kỳ vọng tăng sức nóng cho thị trường khách sạn, du lịch và tạo ra nhiều trải nghiệm đáng giá hơn cho khách hàng.
Năm 2020, KFC Nhật Bản triển khai chiến dịch quảng bá sản phẩm mới làm từ tôm. Nhận thấy hình thức cũ không còn hấp dẫn, thương hiệu thức ăn nhanh quyết định thử nghiệm game hóa với chương trình “KFC's Shrimp Attack”. Ý tưởng chiến dịch dựa theo phong cách trò chơi Fruit Ninja, người tham gia quẹt vào những con tôm và tránh xa miếng đùi gà đang rơi xuống để bảo vệ lâu đài KFC. Tùy vào kết quả, người chơi sẽ nhận phần thưởng phiếu giảm giá tương ứng để sử dụng sản phẩm mới.
Chiến dịch tạo kết quả vượt mong đợi với hơn 195.000 người tham gia, mang lại mức doanh thu ngất ngưởng - tăng 106% so với cùng kỳ năm trước. “KFC's Shrimp Attack” thành công đến mức sản phẩm mới “cháy” hàng và KFC Nhật Bản phải kết thúc chiến dịch trước một nửa thời gian so với kế hoạch nhằm đảm bảo ổn định cung - cầu.
Không chỉ KFC Nhật Bản, nhiều thương hiệu ở khắp nơi trên thế giới đã áp dụng hình thức game hóa vào sản phẩm, dịch vụ và tiếp thị. Hiệu quả thấy rõ giúp gamification trở thành xu hướng trong nhiều lĩnh vực. Xu hướng này được hiểu đơn giản là việc ứng dụng các thành phần của game vào lĩnh vực khác để tạo ra trải nghiệm thú vị cho khách hàng.
Giá trị cốt lõi từ gamification là giúp các hoạt động không phải game trở nên thú vị thông qua trò chơi mang tính giải trí, sáng tạo, kích thích mong muốn cạnh tranh của người tham gia để hoàn thành nhiệm vụ và nhận phần thưởng. Qua đó, nhãn hàng tăng khả năng tương tác và thu hút người dùng.
Hình thức này cũng tạo cho người tham gia cảm giác được làm chủ, thao tác thay vì bị động nhìn những thước phim quảng cáo trôi qua. Sức lan tỏa thương hiệu từ các chiến dịch game hóa rộng hơn khi người dùng thường chơi theo nhóm hoặc rủ bạn bè tham gia. Đặc biệt, gamification còn được đánh giá như công cụ đắc lực trong thu thập và phân tích dữ liệu, đo lường hành vi người dùng để lên kế hoạch marketing hiệu quả.
Gamification không còn xa lạ với marketing, trong 5 năm 2016-2021, giá trị thị trường gamification marketing toàn thế giới tăng 3 lần, từ 4,91 tỷ USD lên 11,94 tỷ USD (theo dữ liệu từ Statista). Giờ đây, người dùng dễ dàng bắt gặp trải nghiệm game cài cắm trong các chiến dịch của ví điện tử, sàn thương mại điện tử hay mỹ phẩm.
Dù trở thành xu hướng trong marketing, song để ứng dụng gamification thành công, các doanh nghiệp cần vượt qua thách thức sáng tạo và đánh trúng mong muốn thực tế của người dùng. Yêu cầu này khó hơn với những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chưa triển khai nhiều hình thức này như khách sạn.
Tại tọa đàm “From CX to gamification”, chuyên gia tiếp thị và truyền thông nhấn mạnh ngày nay, mọi người đến khách sạn không chỉ để ăn, ngủ. Họ mong muốn có thêm trải nghiệm qua các hoạt động tương tác, vui chơi. Vì vậy, các khách sạn muốn tạo ra yếu tố vui nhộn cần tập trung cải thiện trải nghiệm của khách hàng theo hướng sáng tạo và cá nhân hóa.
Sếp NielsenIQ Việt Nam chia sẻ thêm tại tọa đàm về 3 yếu tố khách hàng quan tâm hàng đầu khi du lịch, gồm: trải nghiệm cá nhân hóa (82%), tiêu chuẩn an toàn cao (81%) và riêng tư (58%). Vị này nhận định cuộc đua nâng cao trải nghiệm của khách hàng trong ngành khách sạn vì thế trở nên khốc liệt nhưng cũng sôi động hơn.
Gamification có thể trở thành giải pháp giúp thương hiệu tạo dấu ấn, mang đến trải nghiệm khác biệt cho khách hàng. Thế nhưng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gắt gao và người dùng yêu cầu ngày càng cao, không phải chiến dịch game hóa nào cũng thành công. Thực tế này được Gartner dự đoán từ nhiều năm trước rằng khoảng 80% ứng dụng gamification không đạt mục tiêu. Báo cáo chỉ ra chiến lược hời hợt, thiết kế kém, quy trình bất hợp lý và kỳ vọng không thực tế là nguyên nhân.
Các doanh nghiệp muốn ứng dụng gamification hiệu quả cần tìm hướng đi mới, không chỉ dừng ở việc game hóa hoạt động marketing giúp tăng doanh số tức thời. Chiến lược triển khai manh mún có thể khiến thương hiệu gặp cảnh thu hút người dùng đến nhận voucher và nhìn họ ra đi khi chương trình ưu đãi kết thúc. Muốn giữ chân khách hàng theo chiều sâu, cá nhân hóa trải nghiệm ở mọi khía cạnh được xem là giải pháp tiên quyết.
Đó cũng là lý do SOJO Hotels không chạy theo trào lưu mà tiến hành khảo sát để nhận biết nhu cầu của khách hàng. Họ mong muốn được kết nối sâu sắc và toàn diện, từ không gian đến cảm xúc. Qua đó, SOJO Hotels thiết kế dịch vụ, tiện ích vừa đủ và đúng gu khách hàng.
Yếu tố game hiện diện xuyên suốt quá trình trải nghiệm của du khách tại SOJO Hotels. Đầu tiên, khách hàng sẽ bước vào “cuộc chơi” cảm xúc với giai điệu, màu sắc được chọn lọc kỹ lưỡng, sắp xếp tỉ mỉ và sáng tạo. Tiếp đến, khách sạn tạo ra cuộc đấu trí nho nhỏ với câu hỏi “tắm trước hay gội trước”, “nghĩ ngợi hay nghỉ ngợi”...
Trong khi đó, khu vực JO247 Lounge mang đến loạt trò như ô ăn quan, nhảy lò cò, bi lắc, phi tiêu, rút gỗ… Sự kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại phù hợp nhiều đối tượng du khách. Mỗi giây phút chờ nhận phòng hay đợi nhóm bạn cũng theo đó thú vị, đáng nhớ hơn.
Đặc biệt, SOJO Hotels sản xuất gameshow “Bảo bối GURU” ghi hình tại SOJO Hotel Ga Hanoi. Nước đi này tạo khác biệt cho thương hiệu trên thị trường khi phần lớn doanh nghiệp dừng ở việc tạo ra trò chơi online với phần thưởng là voucher, tích điểm. Gameshow thực tế tập hợp những câu hỏi hóc búa, các đội tham gia phải tìm ra câu trả lời, thực hiện thử thách khó nhằn tại SOJO Hotel Ga Hanoi để đi tiếp vào vòng trong.
Bên cạnh ý nghĩa giải trí thông thường, chương trình hé lộ một phần không gian trò chơi sáng tạo của SOJO Hotels, kích thích sự tò mò và khuyến khích khán giả khám phá, trải nghiệm. “Bảo bối GURU” ghi nhận gần 1 triệu lượt xem, tiếp cận 3 triệu người dùng Facebook sau 3 tập phát sóng.
Thương hiệu cũng chứng tỏ tầm nhìn xa khi kết hợp chương trình offline và mini game, trò chơi thực tế ảo online trên fanpage SOJO Hotels. Chiến dịch này lan tỏa đến 2.000 người trực tiếp tham gia. Kết quả, gần 500 khách hàng đến trải nghiệm game riêng trong tháng 6.
Song song loạt trò chơi độc đáo, chất lượng dịch vụ và không gian vẫn được thương hiệu đặt lên hàng đầu. Để tận dụng tầm nhìn thoáng đãng hướng thành phố sôi động hoặc khung cảnh xanh mát, khách sạn thiết kế cửa kính lớn ở mỗi phòng, mang thiên nhiên đến bên giường ngủ. Tone màu trắng tạo nét sang trọng, hiện đại kết hợp chi tiết trang trí mới lạ.
SOJO Hotels tạo ra cảm giác như ở nhà bằng cách chọn nội thất tối giản nhưng tối ưu công năng, gần gũi. Bước khỏi không gian riêng tư bình yên, du khách có thể hòa mình vào sự sôi động, sắc màu tại sảnh chờ hay quầy bar. Những tín đồ healthy cũng không lo “chạy KPI” tập luyện sau chuyến du lịch bởi khách sạn tích hợp cả khu tập gym với thiết bị hiện đại.
Những nỗ lực nâng cao trải nghiệm người dùng của SOJO Hotels được World Travel Awards - giải thưởng uy tín được ví như Oscar trong ngành du lịch khách sạn - công nhận với giải Khách sạn phong cách nhất châu Á năm 2021. Năm nay, SOJO Hotels cũng góp mặt tại giải thưởng này ở 2 đề cử Khách sạn phong cách nhất châu Ávà Khách sạn doanh nhân hàng đầu châu Á. Điều này chứng minh xu hướng đề cao yếu tố giải trí của du khách, đồng thời góp phần khẳng định chiến lược đúng đắn của khách sạn này trên hành trình hiện thực trào lưu game hóa một cách bài bản, chỉn chu.
Ông Nguyễn Bá Luân, Tổng giám đốc SOJO Hotels, khẳng định thương hiệu không dừng lại ở một gameshow hay chiến dịch cố định, mà luôn tạo ra điểm chạm mới để khách hàng có cơ hội vui chơi, thư giãn và tiếp thêm cảm hứng, năng lượng cho cuộc sống.