Ranh giới giữa nhiếp ảnh chuyên nghiệp và nhiếp ảnh di động dần lu mờ khi Galaxy S9/S9+ đã làm rất tốt công việc tích hợp chiếc camera chuyên nghiệp cồng kềnh vào smartphone.
Đây có lẽ là chiếc điện thoại chụp ảnh tốt nhất mà tôi có cơ hội được trải nghiệm. Ở đây, tốt nghĩa là cân bằng giữa các yếu tố để cho ra bức ảnh hài hoà nhất có thể.
Samsung Galaxy S9+ sở hữu cụm camera kép 12 MP, tiêu cự tương đương 26 mm và 52 mm trên máy ảnh fullframe. Điều này đem lại khả năng linh hoạt cần thiết khi chụp ảnh trong nhiều trường hợp khác nhau. Nâng cấp này khá đáng giá bởi hiệu ứng tiêu cự của ống kính tele vẫn là điểm yếu của nhiều model điện thoại trên thị trường.
Trên Galaxy S9 và S9+, ống kính 26 mm có khả năng thay đổi khẩu độ f/1.5 và f/2.4. Đây là ống kính dành cho di động đầu tiên trên thế giới có khả năng làm được việc này. Khả năng mở gần một khẩu như vậy sẽ làm tăng tốc độ chụp lên gấp đôi, đặc biệt trong những điều kiện thiếu sáng.
Đồng thời, việc mở khẩu còn giúp tôi thực hiện tốt những bức ảnh có hậu cảnh được xoá nhẹ. Chỉ nhẹ thôi nhưng khả năng kiểm soát xoá phông quang học này chưa có điện thoại nào làm được, nhờ đó giúp tôi làm chủ chiếc máy tốt hơn.
Các smartphone chụp ảnh tốt của Samsung trước đây đều có điểm chung là cho ra những bức ảnh quá rực rỡ, đôi khi quá tay gây bệt màu. Galaxy S9 cũng thừa hưởng khả năng tái tạo màu sắc sống động đó. Các yếu tố ánh sáng như vùng sáng, vùng tối, đo sáng đều rất hài hòa. Điều này khiến tôi khó phân biệt được ảnh chụp từ Galaxy S9 và DSLR trong một số điều kiện ánh sáng lý tưởng.
Trong bức ảnh là những cô gái tại lễ hội Tết Nguyên Tiêu. Ảnh chụp dưới ánh nắng vàng mạnh của buổi chiều với chủ thể có màu xanh, đỏ khá gắt. Tuy nhiên trong chế độ tự động, Galaxy S9 vẫn cho khả năng cân bằng trắng khá chính xác. Ở môi trường ánh sáng mạnh, những tông màu nóng như cam, vàng, đỏ thể hiện ở mức độ bão hòa lên cao.
Độ tương phản của những bức hình chụp từ Galaxy S9 rất tốt. Ở chế độ tắt HDR, máy cho khả năng tách biệt vùng sáng và tối khá ấn tượng, đặc biệt là dưới ánh nắng hoàng hôn.
Bên cạnh khả năng chụp ảnh tự động thì bất cứ chiếc máy ảnh chuyên nghiệp nào cũng có chế độ chụp ảnh thủ công. Galaxy S9 hướng mình đến trải nghiệm nhiếp ảnh dành cho nhiều khách hàng, trong đó có nhóm người dùng chuyên nghiệp. Theo đó, menu chế độ chỉnh tay của máy khá chi tiết, cho phép tôi điều chỉnh các thông số như ISO, tốc độ, khẩu độ…
Nhưng điểm yêu thích nhất của tôi vẫn là cân bằng trắng. Trước khung cảnh một buổi hoàng hôn, tôi chỉnh cân bằng trắng trên 6.000K và bức ảnh sẽ ấm áp hơn. Tôi cũng làm ngược lại để diễn tả khung cảnh cô đơn, trống trải với tone màu lạnh hơn.
Tôi đã trải nghiệm qua nhiều điện thoại có camera kép như Galaxy Note 8, iPhone X, Moto X4... và mỗi model đem lại cảm giác khác nhau. Nhưng với tôi, Galaxy S9 đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dùng nhờ camera thứ hai, cho phép chụp những chủ thể ở xa, thường là chân dung và macro.
Ảnh chân dung quan trọng nhất ở khả năng tách nhân vật ra khỏi hậu cảnh. Chế độ Live Focus trên Galaxy S9+ làm tốt việc này, kể cả những chi tiết khó như tóc người, khoảng hở giữa tóc và vai. Khả năng xóa phông của bộ đôi flagship dòng S có thể xem là tốt nhất trong những máy có camera kép trên thị trường hiện nay.
Tuy nhiên, ảnh vẫn dừng ở khả năng xoá phông bằng thuật toán. Những trường hợp quá khó như khi chụp lưới B40 hay dây điện, Galaxy S9+ kết quả ở mức ổn. Với những hậu cảnh phức tạp như vậy, người dùng nên chuyển sang chế độ chụp thường hoặc đổi bối cảnh để có bức ảnh tốt hơn.
Ở trường hợp chụp cận cảnh những lá cỏ này, tôi thật sự bị thuyết phục bởi Galaxy S9+. Trong điều kiện ngược sáng, máy vẫn cho khả năng xoá mờ hậu cảnh hết sức ấn tượng. Chủ thể trước và sau được làm mờ tự nhiên theo khoảng cách, những khe hở được làm mờ không khác gì một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp. Nếu xét thông số, bức ảnh này tương đương ống kính 35 mm khẩu độ f/3.5 lắp trên máy ảnh crop.
Với tính năng Live Focus, khoảng cách giữa xoá phông quang học như máy ảnh và xoá phông bằng thuật toán như trên smartphone đang thu hẹp dần. Người dùng vẫn có thể chủ động trong việc tuỳ chỉnh độ mờ, điểm lấy nét và chỉnh sửa ngay cả khi bức ảnh đã được chụp xong.
Đây là những bức ảnh tôi chụp bằng chế độ tự động của Galaxy S9+. Mọi thứ đều được thực hiện bằng tay, không sử dụng chân máy hay công cụ hỗ trợ chống rung nào. Kết quả nhận được khiến tôi khá ưng ý. Ảnh không bị rung nhoè, đặc biệt là chi tiết lên rất tốt.
Khả năng chụp tối của Galaxy S9+ thể hiện khá tốt trong điều kiện ánh sáng phức tạp, chuyển động nhiều, đặc biệt là sân khấu. Ánh sáng vàng, đỏ, xanh của sân khấu rock có thể làm khó cả những chiếc máy chuyên nghiệp. Galaxy S9 với thế mạnh về khẩu độ f/1.5 có thể dễ dàng vượt qua điều kiện này.
Không tới mức bắt đứng được những chuyển động của ca sĩ di chuyển quá nhanh, quá “sung” theo nhịp vũ đạo nhưng độ nhoè nhẹ này giúp người xem ảnh có thể hình dung tốt hơn không khí cuồng nhiệt nơi đây.
Dải động trên Galaxy S9+ hiển thị tốt chi tiết, màu sắc ngay cả khi chụp trực diện với mặt trời. Tôi dễ dàng có những bức ảnh hoàng hôn buông xuống chụp bằng điện thoại nhưng cho kết quả tương tự trên DSLR.
Nếu muốn thêm phần kịch tính cho bức ảnh ngược sáng, người dùng có thể bật chế độ HDR trên máy. Nhưng lưu ý, nó chỉ thích hợp với trường hợp chủ thể là những vật đứng yên. Tấm ảnh bên dưới chụp lại đoàn lân sư rồng đang chuyển động. Vì vậy xung quanh con rồng vẫn có bóng đen do quá trình phơi bù sáng để lại.
Samsung Galaxy S9/S9+ có khả năng tái tạo màu sắc, tương phản, độ nét và đặc biệt là HDR rất ấn tượng. Qua những hình ảnh tôi ghi nhận, nhiều người bạn đoán rằng chúng được chụp từ một chiếc máy ảnh hiện đại. Galaxy S9 đã xoá dần khoảng cách giữa nhiếp ảnh chuyên nghiệp và nhiếp ảnh di động.
Với xu hướng di động hoá như hiện nay thì việc chụp ảnh và in ấn ra khổ lớn không còn được đặt nặng. Bởi người dùng di động chụp chỉ để chia sẻ qua mạng xã hội, tin nhắn là chủ yếu, và Galaxy S9 đã làm tốt việc này. Nó vừa đủ nét để dành cho nhiều cỡ màn hình, không gây lồi cụm camera, đảm bảo thẩm mỹ cho máy.
Samsung đã trang bị nhiều tính năng mới vào camera và nó là một thách thức cho những người dùng mới, dù có thể quen thuộc với Samfan. Các thao tác vuốt để chuyển chế độ chụp rất tiện vì giúp thao tác nhanh hơn. Dù vậy, người dùng nên lưu ý tránh vuốt nhầm sang chế độ selfie, nhất là khi chạm để đo sáng. Samsung nên khắc phục bằng các bản cập nhật phần mềm về sau.
Ngoài ra, để kích hoạt chụp ảnh trên Galaxy S9, tôi chỉ cần nhấn hai lần nút nguồn là có thể bắt đầu chụp ảnh gần như ngay lập tức, không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào. Người dùng mới cũng cần xem kĩ để tránh bấm nhầm phím Bixby. Sau khi làm quen, đây không còn là vấn đề lớn.