Cuối cùng, giấc mơ về một mẫu smartphone màn hình cong thực sự đã trở thành sự thật. Không phải Apple, Sony mà Samsung mới là hãng sản xuất đầu tiên có bước đột phá trong công nghệ này. Trên thực tế thì chính Samsung là nhà sản xuất tiến gần đến công nghệ smartphone màn hình cong trước đó, với chiếc Galaxy Round.
Về cơ bản, Note Edge có bộ khung của một chiếc Galaxy Note 4 nhưng phần màn hình bên phải của máy tràn sang, che hết cạnh, tạo hiệu ứng thị giác đẹp mắt. Không chỉ có vậy, Samsung đang đầu tư mạnh mẽ để phát triển những ứng dụng mới, tận dụng phần màn hình cong nói trên. Trước mắt, nó đóng vai trò là phần hiển thị Quick Glance khi khóa màn hình (thông tin về giờ, thông báo trạng thái), hoặc một thanh bar để cài đặt những shortcut.
Samsung Galaxy Note Edge đủ thông minh để nếu người dùng vô tình chạm vào phần cong cũng không gây nhiễu cảm ứng đến máy. Đó là chưa kể đến việc, model này sở hữu cấu hình mạnh mẽ nhất hiện nay, giống hệt Note 4 với màn hình Quad HD+, chip Snapdragon 805 hoặc Exynos 5433, camera 16 megapixel OIS và bút cảm ứng S Pen.
Firephone được biết đến như một chiếc điện thoại có 6 camera, trong đó có một camera chính mặt sau, camera phụ để chụp ảnh tự sướng và 4 camera hồng ngoại bố trí ở 4 góc để theo dõi cử chỉ của người dùng nhằm phục vụ cho khả năng hiển thị dạng 3D trên màn hình. Theo đó, màn hình này có thể tự thay đổi góc của hình ảnh khi người dùng đổi góc nhìn.
Trong khi đó, camera sau của Firephone có khả năng tự động nhận diện hơn một triệu đồ vật khác nhau, sau đó đặt mua sản phẩm trên Amazon. Giống với chiếc máy tính bảng Kindle Fire, sản phẩm này chạy một phiên bản Android tùy biến sâu, không có sẵn các dịch vụ từ Google. Màn hình của Firephone có độ sáng lên đến 590 nit, cho khả năng hiển thị ngoài trời cực tốt.
Năm ngoái, LG đã bất ngờ giới thiệu sản phẩm màn hình cong đầu tiên là G Flex. Chiếc điện thoại 6 inch này mang tính thử nghiệm nhiều hơn là một sản phẩm đại trà đến phần lớn người dùng.
G Flex sở hữu nhiều nét độc đáo. Ngoài phần màn hình cong, bộ khung của máy có khả năng tự động phục hồi ngay cả khi chịu lực tác dụng lớn như đè, nén. Mặt sau của máy cũng được quảng cáo là có tính năng tự phục hồi các vết trầy xước. Tuy nhiên, đó thực tế chỉ là việc nó có khả năng che giấu tốt những vết xước nhẹ từ bên ngoài.
Giống với một số sản phẩm dòng G thế hệ mới, model này cũng có phím cứng đặt ở mặt sau. Ngoài ra, với thiết kế cong theo chiều dọc, G Flex mang đến trải nghiệm thú vị khi xem phim và đặt máy ở chế độ landscape.
Là thiết bị cao cấp thế hệ mới của BlackBerry, Passport mang đến sự ngạc nhiên lớn không chỉ bởi thiết kế siêu lớn mà còn vì phần bàn phím QWERTY có luôn chức năng cảm ứng. Bàn phím này có 3 hàng, sẽ tự động hiện thêm những phần bổ sung khi người dùng gõ phím, mang lại trải nghiệm hoàn toàn mới lạ.
Màn hình cảm ứng của Passport được thiết kế vuông, kích cỡ lên đến 4,5 inch, độ phân giải 1.440 x 1.440 pixel. Trọng lượng của máy lên đến gần 200 gram. Khi ra mắt (dự kiến ngày 26/9), đây sẽ là một trong những smartphone độc đáo nhất trên thị trường.