Ngày 17/9/1978, cậu thanh niên Nguyễn Hoàng Sơn, khi đó vừa tròn 17 tuổi, bước vào đợt huấn luyện. Chưa đầy 40 ngày sau, sáng 25/10/1978, Sơn nhận lệnh lên đường, biên chế về Sư đoàn 5, Quân khu 7.
Thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh ở Snoul, tỉnh Kratie, nơi Sư đoàn 5 đóng quân từ tháng 8 đến tháng 11/1978. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Trò chuyện với phóng viên báo Tin Tức, ông Hoàng Sơn kể lại: Sau nửa năm cơ động chiến đấu liên tục đánh đuổi Pol Pot, đến cuối tháng 4/1979, Trung đoàn 16, Sư đoàn 5 về đứng chân ở huyện Monkonbray, tỉnh Battambang (Campuchia).
Đại đội 18 của ông Hoàng Sơn đóng quân trong phum Battorong, cách Trung đoàn 16 khoảng 5 km. Sau những đợt vào phum Caomelai truy quét tàn quân Pol Pot, tháng 7/1979, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ mới đi bảo vệ và xây dựng chính quyền trên đất nước Campuchia. Phum Caomelai là vùng rừng núi thuộc huyện Sisophon (cũ), nay là Bantiamienchay, giáp ranh với đất nước Thái Lan.
Từ ngã ba Nimit thuộc lộ 5 đi vào khoảng 30 km, đây là khu rừng rậm, các chiến sĩ quân tình nguyện đã vào đây ai cũng bị sốt rét và sốt ác tính. Khu vực này cũng là hành lang của bọn Pol Pot đưa quân từ các căn cứ ở Thái Lan về nên chúng gài rất nhiều mìn.
Ký ức như sống lại trong đầu người lính tình nguyện Việt Nam giúp đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, ông Hoàng Sơn kể: “Sau khi đánh đuổi Pol Pot, chúng tôi nhận lệnh đi bảo vệ cho đoàn cán bộ xuống các phum gần đó để thành lập chính quyền địa phương. Được khoảng 2 tuần thì chúng tôi đến các phum xa nơi đóng quân hơn. Trung đoàn cho một chiếc xe bò để chúng tôi chở gạo, súng đạn lên đường làm nhiệm vụ”.
Nữ y tá thuộc Sư đoàn 5 trầm ngâm khi trở lại thăm chiến trường xưa ở Sisophon. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Theo ông Hoàng Sơn, phum Bausbau là phum đầu tiên Trung đoàn của ông đến giúp đỡ. Phum này nằm sâu trong những cánh đồng, cách lộ 6 gần 10 km, chưa có bộ đội đặt chân đến.
“Khi chúng tôi tiến vào, người dân bản địa rất sợ, vì họ được Pol Pot tuyên truyền rằng bộ đội Việt Nam độc ác. Chúng tôi phải mắc võng nằm ngoài các khu vườn vì dân còn e ngại, lo sợ khi chúng tôi rút đi, Pol Pot sẽ quay trở lại trả thù, nên không dám cho bộ đội vào nhà”, ông Hoàng Sơn kể lại.
Những ngày đầu, đơn vị của ông Hoàng Sơn chủ yếu dọn dẹp đường xá, cố gắng làm quen và chơi đùa với đám trẻ nhỏ. Phum Bausbau trồng rất nhiều cây ăn quả, nhưng người dân không dám ăn vì là của công xã, sợ bọn Pol Pot về trả thù.
Ông Hoàng Sơn nhớ lại, do thiếu lương thực, nên dân trong phum người nào cũng gầy còm, ồm yếu, đám trẻ thì xanh xao, suy dinh dưỡng... “Việc đầu tiên của chúng tôi là cứu đói cho dân, cấp cho mỗi gia đình khoảng vài kg gạo.
Sau này, người dân Campuchia đã tỉnh ngộ, thấy rằng bộ đội Việt Nam rất tốt, chứ không như những lời xuyên tạc, bịa đặt của bọn Pol Pot. Được tặng gạo trong lúc đói, bà con dân bản địa nấu cơm ăn, tối đến đốt củi nhảy múa, ca hát vui vẻ. Trong tiếng trống rộn ràng, các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam cũng tham gia văn nghệ cùng bà con”, ông Hoàng Sơn kể lại.
Ông Hoàng Sơn cõng đồng đội đã bị cụt hai chân khi chiến đấu, vào thăm lại phum Caomelai. Chính nơi này đồng đội của ông đã vấp phải mìn của bọn Pol Pot. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Theo cựu chiến binh Quân khu 7, khoảng một tuần sau khi ổn định cuộc sống người dân nơi đây, đơn vị ông lại tiếp tục lên đường đến các phum khác.
Tháng 7 ở đây thường là mùa mưa, cánh đồng ngập trắng nước, đường đi chỉ xác định bằng cỏ mọc cao hai bên, nước ngập ngang đùi, có chỗ lên tới bụng. Đơn vị ông Hoàng Sơn lội bì bõm có khi cả ngày như thế về các phum rất xa để xây dựng chính quyền.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng quân đội giải phóng Campuchia tiến hành cuộc tiến công giải phóng hoàn toàn Campuchia, đánh đổ chế độ diệt chủng Pot Pot; trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của những cựu chiến binh như ông Nguyễn Hoàng Sơn.
Bao năm qua, nhân dân Campuchia luôn bày tỏ lòng biết ơn Việt Nam đã giúp đỡ họ thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Nếu không có sự giúp đỡ này, đất nước Campuchia không thể có được sự ổn định và phát triển như ngày hôm nay.
Phán quyết mới nhất của tòa án quốc tế kết tội chế độ Khmer Đỏ phạm tội ác diệt chủng đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia, chính là sự thừa nhận của quốc tế về sự chính nghĩa của quân đội Việt Nam đối với cuộc chiến khốc liệt đầy hy sinh này.