Cover |
Khung cảnh trên bãi biển Cornwall lộng gió hôm 11/6 sẽ khiến không ít người thấy vừa lạ, vừa quen.
Nếu không có những màn chào hỏi bằng cách chạm khuỷu tay thay vì ôm hôn và bắt tay, lễ khai mạc cuộc họp nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 sẽ chẳng khác là bao so với những sự kiện diễn ra trước đại dịch, hay thậm chí trước khi kỷ nguyên Donald Trump bắt đầu.
Tới nay, chưa ai có thể chắc chắn khi nào các nước giàu sẽ thực sự trở lại cuộc sống bình thường, với những hoạt động hợp tác một thời đã là thông lệ cho tới khi chệch hướng dưới thời Donald Trump. Lúc này, chủ nghĩa dân túy và dân tộc cực đoan vẫn có thế đứng vững chắc ở nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ.
Nhưng những gì diễn ra hôm 11/6 ở Cornwwall cho thấy các lãnh đạo G7 đang làm mọi điều có thể để chứng minh rằng những ngày khối phương Tây chao đảo vì chia rẽ đã qua, theo Washington Post.
Khởi đầu mới cho G7
Trên bờ biển Cornwall, Tổng thống Biden lặng lẽ đứng vào vị trí bên cạnh Thủ tướng Anh Boris Johnson trong thủ tục chụp ảnh chung của các lãnh đạo G7, trước khi có những cuộc thảo luận bên lề về vấn đề kinh tế.
Ông Biden kín đáo trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà Merkel dự kiến tới thăm Nhà Trắng trong tháng 7.
Các lãnh đạo G7 tìm cách cho thấy họ đang mang lại một khởi đầu mới theo một cách rất dễ nhận ra. Không ai trong số các vị nguyên thủ đeo khẩu trang, thứ phụ kiện phổ biến trong thời đại dịch.
Tổng thống Macron đăng tải trên Twitter một đoạn video, trong đó ông cùng người đồng cấp Mỹ Biden thân thiết trò chuyện, siết chặt tay nhau.
"Giờ chúng ta đã ở đây, đoàn kết, quyết tâm tạo ra sự khác biệt, đã đến lúc mang lại thay đổi. Tôi chắc chắn chúng ta có thể, Joe Biden thân mến", Tổng thống Macron viết trên Twitter bằng tiếng Anh.
Tổng thống Biden cũng chia sẻ suy nghĩ riêng của ông về một liên minh toàn cầu mang diện mạo mới sẵn sàng chứng tỏ bản thân.
"Tôi mong đợi củng cố cam kết của chúng ta với chủ nghĩa đa phương, phối hợp với các đồng minh và đối tác xây dựng một nền kinh tế toàn cầu công bằng và toàn diện hơn. Hãy bắt tay vào việc thôi", ông Biden viết trên Twitter.
G7 gửi đi thông điệp về sự đoàn kết của phương Tây sau kỷ nguyên Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày với sự góp mặt của lãnh đạo Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản.
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo các nước G7 cùng nhau tụ họp kể từ 2019. Dưới thời Trump, vai trò của G7 bị suy yếu, khi nhà lãnh đạo nước Mỹ bác bỏ truyền thống ra quyết định tập thể của khối.
Mọi chi tiết của sự kiện hôm 11/6, từ bài phát biểu khai mạc cho tới lễ chụp ảnh nhóm, dường như đã được tính toán để cho thấy khối phương Tây đã bỏ lại sau lưng sự chia rẽ chưa từng có dưới thời cựu Tổng thống Trump.
Đối tác thân thiết nhất của ông Trump trong nhóm G7 là đương kim Thủ tướng Anh Johnson - chính trị gia dân túy đã góp phần đưa nước Anh rời khỏi EU. Nhưng hôm 11/6, ông Johnson đã gạt đi phong cách dân túy của bản thân, hòa mình với các nhà lãnh đạo G7 còn lại.
Nước Mỹ trở lại
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Anh Johnson tuyên bố các nền kinh tế lớn có trách nhiệm bảo đảm thế giới phục hồi từ khủng hoảng Covid-19 công bằng hơn.
Sau khi bị chỉ trích "tích trữ" vaccine, bóp nghẹt nguồn cung cho phần còn lại của thế giới, lãnh đạo G7 hôm 11/6 tuyên bố sẽ gửi đến các nước thu nhập thấp một tỷ liều vaccine Covid-19.
Chính quyền Tổng thống Biden đã thông báo viện trợ 500 triệu liều vaccine của Pfizer-BioNTech, chiếm 50% cam kết của G7.
Washington cũng sẽ hỗ trợ hệ thống y tế các nước đang phát triển, xây dựng kế hoạch tiêm chủng và củng cố cơ sở hạ tầng giúp vaccine đến được đúng đối tượng, quan chức Nhà Trắng cho biết.
Kế hoạch viện trợ 500 triệu liều vaccine là một phần trong nỗ lực khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Biden đã nhiều lần khẳng định, khi đối mặt với những cuộc khủng hoảng toàn cầu, chỉ phương Tây mới có khả năng mang lại giải pháp hiệu quả, nhanh gọn, chứ không phải các đối thủ.
Mỹ và các nước G7 cam kết quyên góp 1 tỷ liều vaccine Covid-19. Ảnh: AP. |
Bằng cách vươn lên vai trò lãnh đạo nỗ lực cung cấp vaccine toàn cầu, ông Biden muốn trấn an thế giới về sự kiên định và đáng tin cậy của nước Mỹ, với tư cách một đồng minh và đối tác toàn cầu, điều đã lung lay dưới thời Trump.
"Điều Tổng thống Biden cần làm là thể hiện sự nhất quán, uy tín trong những lời hứa của nước Mỹ", Heather Conley, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), nhận định.
Các liên minh mà nước Mỹ dày công xây dựng suốt 7 thập kỷ "đã rơi vào xích mích dưới thời người tiền nhiệm", bà Conley cho biết. Thách thức với Tổng thống Biden hiện nay là cho các quốc gia thấy Mỹ hiểu rõ lợi ích khi cùng chung tay hành động.
"Đó là điều cần phải được chứng minh. Họ (các đồng minh và đối tác) sẽ không chấp nhận hứa suông, mà cần hành động làm chứng", bà Conley nói.
Các lãnh đạo G7 cũng ủng hộ việc thông qua mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%, chấm dứt 4 thập kỷ khi mức thuế mà các tập đoàn đa quốc gia phải đóng cứ ngày một thu nhỏ. Trước đó, thỏa thuận này đã được bộ trưởng Tài chính các nước đồng thuận.
Đây là một chiến thắng của chính quyền ông Biden. Trong tuyên bố hôm 11/6, Nhà Trắng ca ngợi bước tiến về thuế, giúp mở đường tạo ra một hệ thống thuế công bằng, giải quyết tận gốc tình trạng các quốc gia cạnh tranh thu hút các tập đoàn đa quốc gia với mức thuế ngày một thấp mà cái giá phải trả chính là quyền lợi của người lao động và tầng lớp trung lớp.
James Carafano, chuyên gia về chính sách an ninh và đối ngoại tại tổ chức nghiên cứu chính sách Heritage Foundation, miêu tả cuộc viếng thăm châu Âu của ông Biden là chuyến đi không có nhiều tuyên bố chính sách lớn.
"Tổng thống có chuyến công du đầu tiên sau khi đã ổn định chính quyền. Chính quyền nào lãnh đạo nước Mỹ là vấn đề hệ trọng với thế giới. Ai cũng hiểu điều đó. Còn lại, dường như không có điều gì đặc biệt đáng chú ý trong chuyến đi", ông Carafano nói.
Nhưng theo một cách nào đó, chính sự "không đáng chú ý" lại là điểm nhấn. Ông Biden đang đóng vai một tổng thống Mỹ truyền thống, giao thiệp với những người đồng cấp, trấn an các đồng minh, không tạo ra sóng gió.
Dưới thời Donald Trump, ông chủ Nhà Trắng hiếm khi tham dự một sự kiện như hội nghị thượng đỉnh G7 mà không tạo ra sóng gió, hay ít nhất là tìm cách thu hút sự chú ý của truyền thông.
Hình ảnh ông Biden hôm 11/6 hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm Trump. Tổng thống Mỹ bình thản, tĩnh lặng, những gì báo giới ghi lại được chỉ là một lời nói đùa bên bờ biển Cornwall và cử chỉ thân mật như người nhà với Tổng thống Pháp Macron.