Một địa điểm trúng không kích của Nga ở Zaporizhzhia, Ukraine, vào ngày 11/10. Ảnh: Reuters. |
Trong phiên họp thứ hai của nhóm G7 về tình hình ở Ukraine diễn ra vào ngày 12/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định việc đáp ứng các nhu cầu của Kyiv "đòi hỏi một nỗ lực thống nhất" từ G7, các tổ chức tài chính quốc tế và tất cả đối tác, CNA đưa tin.
Trước đó, bà Yellen và các bộ trưởng tài chính, giám đốc ngân hàng trung ương từ nhóm 7 nền kinh tế (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ) cũng cam kết "hỗ trợ các nhu cầu tài chính ngắn hạn cấp bách của Ukraine”.
Hôm 12/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã xuất hiện qua video để kêu gọi viện trợ nhiều hơn tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
“Chúng ta cần tăng cường hợp tác để (Ukraine) nhận được hỗ trợ tương xứng và xây dựng lại những gì đã bị phá hủy”, ông Zelenskiy cho biết và nói thêm rằng Kyiv sẽ phải đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách 38 tỷ USD vào năm 2023.
Đáp lại yêu cầu của Tổng thống Zelenskiy, Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nói rằng tổ chức này sẽ thành lập Diễn đàn Kinh tế Ukraine để chia sẻ thông tin và xác định rõ nhu cầu tài chính của Kyiv.
Bà cũng cho biết nhu cầu tài chính của Ukraine vào năm 2023 sẽ dao động trong khoảng 3-4 tỷ USD/tháng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy xuất hiện trên video trong cuộc họp các nhà lãnh đạo G7 tại Berlin, Đức, vào ngày 11/10. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, trước cuộc họp kín của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 13/10, một quan chức giấu tên tiết lộ khả năng đáp trả của liên minh nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, theo Reuters.
Ông nhấn mạnh việc Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân "gần như chắc chắn sẽ kéo theo hành động đáp trả từ đồng minh (của Ukraine), và có khả năng từ NATO".
Vị quan chức đưa ra bình luận này trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Ukraine. Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin từng cảnh báo phương Tây rằng Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ, theo Tass.