Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Freelancer phải học cách chi tiêu để không giàu ‘thoáng chốc’

Theo chuyên gia, freelancer chỉ nên chi tiêu 30% thu nhập, có quỹ dự phòng khẩn cấp tương đương 6 tháng tiêu dùng nhằm tránh tình huống "một tháng rủng rỉnh, nửa năm cháy túi".

tai chinh freelancer anh 1tai chinh freelancer anh 2
  • Tiến sĩ kinh tế, Đại học Santa Clara (Mỹ)
  • Giảng viên bộ môn Quản trị rủi ro tài chính và Bảo hiểm, Đại học Kinh tế TP.HCM.

Ngày càng nhiều bạn trẻ từ bỏ công việc văn phòng để chuyển sang kiếm tiền dưới hình thức freelance bởi được tự do về thời gian, địa điểm làm việc.

Freelancer tự do, nhưng cũng phải tự lo khi không được hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp khi rơi vào cảnh mất việc.

Ngoài ra, các công việc cần đội ngũ freelancer tham gia thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn hạn. Điều này gây khó nếu họ muốn duy trì khoản tiền tiết kiệm cố định để dự phòng cho các trường hợp rủi ro.

Thu nhập bấp bênh, làm thế nào để freelancer trẻ kiểm soát thu nhập, phòng tránh sập bẫy khủng hoảng tài chính cá nhân?

Dưới góc nhìn chuyên gia tài chính cá nhân, tôi đưa ra một vài lời khuyên cho cho các bạn trẻ đang theo đuổi công việc tự do để cân bằng cán cân tài chính của mình.

Chỉ được tiêu 30% thu nhập

Các bạn trẻ làm việc cố định tại văn phòng thường dành 70% mức lương mỗi tháng cho sinh hoạt phí. Có nguồn thu ổn định, họ được tự tin tiêu dùng như vậy.

Nhưng với freelancer, thu nhập của bạn phụ thuộc vào từng dự án và thời điểm. Để đề phòng cho những lúc công việc không thuận lợi, bạn chỉ nên chi tiêu 30% thu nhập (tính theo đợt thanh toán) của mình.

Ví dụ: Đầu tháng 11, bạn được thuê thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cho một doanh nghiệp với mức chi phí 40 triệu đồng, nghiệm thu sản phẩm và thanh toán hợp đồng vào cuối tháng 11.

Vậy, trong 3 tháng kế tiếp, bạn chỉ được chỉ được tiêu 12 triệu đồng/tháng để đề phòng tình huống ở những tháng này không tìm kiếm được các dự án mới, không gia tăng thu nhập.

10% còn lại, bạn hãy để dành cho các trường hợp khẩn cấp (chăm sóc sức khỏe, tiệc cưới…).

tai chinh freelancer anh 3

Theo chuyên gia, freelancer chỉ nên chi tiêu 30% thu nhập, còn lại để dành cho đầu tư hoặc những tình huống khẩn cấp. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels.

Tính toán tiền bạc theo quý, năm

Khi làm công việc tự do, bạn cần xác định nguồn tài chính của mình theo quý hoặc năm, thay vì tính từng tháng như nhân viên văn phòng. Cách làm này sẽ cho bạn cái nhìn chính xác, tổng quát để hoạch định kế hoạch tài chính hiệu quả.

Từ đó, bạn có thể lên mục tiêu mua sắm, chi tiêu, tiết kiệm hoặc đầu tư cụ thể trong một khoảng thời gian xác định. Theo tôi, bạn nên tập trung vào mục tiêu trung hạn và dài hạn như:

  • Mục tiêu trung hạn: 3-10 năm (mua ôtô, du học…)
  • Mục tiêu dài hạn: Trên 10 năm (mua nhà, đảm bảo tài chính khi tuổi già…)

Khi xác định rõ mục tiêu tài chính hướng đến, bạn sẽ có động lực để thực thi nhanh chóng hơn. Freelancer tự do về thời gian, song cần đặt ra "thiết quân luật" cho chính mình, đặc biệt về vấn đề tài chính nhằm không rơi vào cảnh "một tháng rủng rỉnh, nửa năm cháy túi"; hoặc thu nhập cao, nhưng không làm được gì lớn.

Đầu tư không bao giờ là muộn

Không bị gò bó về thời gian, freelancer có thể làm nhiều công việc cùng một lúc. Nhưng để đảm bảo đạt được mục tiêu tài chính theo thời hạn đề ra, bạn vẫn nên tham gia đầu tư ngay từ hôm nay.

Theo đó, bạn cần phải phân định 2 khoản đầu tư ngắn hạn (trong 12 tháng) và dài hạn (từ 3 năm trở lên).

Nếu bạn muốn đầu tư ngắn hạn:

Hiện nay, hình thức đầu tư ngắn hạn phổ biến nhất là gửi tiền tiết kiệm của bạn vào các ngân hàng với thời hạn 3-6 tháng. Tùy vào số tiền sở hữu, bạn có thể lựa chọn hình thức tiết kiệm phù hợp.

Tôi khuyến nghị 2 loại hình tiết kiệm ngân hàng như sau:

  • Tiết kiệm gửi góp: Nếu bạn không có ngay một số tiền lớn để tiết kiệm ban đầu, bạn có thể tham gia hình thức gửi tiết kiệm tích lũy theo từng tháng tương ứng với kỳ hạn bạn lựa chọn. Tối thiểu 100.000 đồng, bạn có thể gửi tiền mọi lúc, mọi nơi, không quy định số lần nạp tiền.
  • Tiết kiệm có kỳ hạn: Bạn sẽ gửi một khoản tiền tiết kiệm của mình vào thời điểm mở sổ. Hết kỳ hạn, bạn sẽ được tất toán khoản tiền gửi trên bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi. Lợi thế của hình thức này là lãi suất tiền gửi tương đối cao. Nhưng nếu rút trước hạn, bạn sẽ chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn.

Bạn cần lưu ý rằng lãi suất nhận được tùy thuộc theo kỳ hạn gửi tiền. Hiện nay, các ngân hàng đang cạnh tranh nhau khá gay gắt về lãi suất tiết kiệm. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu kỹ về mức lãi suất và các điều kiện đi kèm (rút trước thời hạn nhận được bao nhiêu % lãi suất) để quyết định hình thức gửi tiền tiết kiệm.

Ngoài ra, bạn nên nắm vững cách tính tiền lãi nhận được sau khi kết thúc kỳ hạn tiết kiệm, theo công thức:

Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%năm)/12 x số tháng gửi

Ví dụ:

  • Bạn gửi tiết kiệm 60 triệu đồng với kỳ hạn một năm tại một ngân hàng có mức lãi suất 7%/năm. Đến kỳ hạn tất toán, bạn có thể rút số tiền đã gửi ra. Cách tính lãi suất ngân hàng cho số tiền tiết kiệm trong trường hợp này như sau:

Số tiền lãi = Tiền gửi * 7% * 365 / 365 = 60 triệu đồng * 7% = 4,2 triệu đồng.

  • Nếu đăng ký gói gửi kỳ hạn 6 tháng, bạn nhận về:

Số tiền lãi = Tiền gửi * 7% * 180 / 365 = 60 triệu đồng * 7% * 180 / 365 = 2.071.233 đồng. (Giả sử là 6 tháng đều có 30 ngày nên số ngày gửi thực tế là 180 ngày).

tai chinh freelancer anh 4

Việc đầu tư được cho là không bao giờ muộn đối với người lao động trẻ. Ảnh: Karolina Grabowska/Pexels.

Nếu bạn muốn đầu tư dài hạn:

Với đầu tư dài hạn, tôi khuyến khích các bạn freelance trẻ, chưa có nhiều kiến thức tài chính và kinh nghiệm đầu tư nên sử dụng kênh chứng chỉ quỹ với thời gian sinh lời mong muốn từ 5 năm trở lên. Với hình thức này, bạn sẽ nhận được mức lãi suất trung bình 13%/năm.

Sau khi nhận được tiền gốc và tiền lãi sau 5 năm đầu tư vào chứng chỉ quỹ, bạn nên tiếp tục sử dụng nguồn tiền này để đầu tư vào bất động sản thông qua hình thức sở hữu đất.

Thiết lập quỹ dự phòng khẩn cấp

Tùy thuộc vào tính chất cuộc sống và giai đoạn sự nghiệp, quỹ dự phòng của mỗi người là khác nhau. Theo tôi, với freelancer, bạn cần dự phòng khoản tiền tiêu dùng cho khoảng 6 tháng. Đây là thời gian trung bình của chu kỳ thất nghiệp thường thấy ở loại hình làm việc tự chủ về thu nhập này.

Quỹ dự phòng không chỉ là khoản tiền tiết kiệm cho chi phí sống nếu rơi vào tình trạng thất nghiệp, mà còn là "áo giáp" để bảo vệ bạn trước những tình huống rủi ro khác.

Freelancer không có bảo hiểm do người sử dụng lao động cam kết, vì vậy, bạn nên lo liệu cho chính mình qua hình thức mua bảo hiểm.

Các loại hình bảo hiểm mà bạn cần mua bao gồm:

  • Bảo hiểm tai nạn: Người mua bảo hiểm được chi trả cho các khoản chi phí phát sinh trong quá trình điều trị và hồi phục hồi sức khỏe sau chấn thương do tai nạn.
  • Bảo hiểm y tế: Bảo hiểm y tế thương mại hay còn gọi là bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ nhằm mục đích hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh khi người tham gia không may gặp rủi ro ốm đau bệnh tật, tai nạn...
  • Bảo hiểm nhân thọ: Khi sở hữu loại hình bảo hiểm này, bạn sẽ sẽ nhận được khoản tiền hưu trí khi hết tuổi lao động mà không cần phải đóng bảo hiểm xã hội, khắc phục được hạn chế của freelancer. Không chỉ vậy, số tiền bạn đóng bảo hiểm nhân thọ còn được doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với quỹ đầu tư tài chính dưới 2 hình thức là liên kết chung (sử dụng một hình thức đầu tư như trái phiếu Chính phủ, doanh nghiệp) hay liên kết đơn vị (sử dụng nhiều quỹ đầu tư với đa dạng loại hình đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu…) để đầu tư, hỗ trợ các khoản đầu tư dài hạn khác của bạn, mang đến mức sinh lời cao.

Đừng để thẻ tín dụng thuyết phục bạn vung tay tiêu tiền

Thay vì vô tư quẹt thẻ với tâm thế "mua trước, trả sau", bạn trẻ nên tập đo lường khả năng chi trả, tìm hiểu về lãi suất tín dụng cũng như duy trì kỷ luật tiêu dùng.

Lifestyle gửi đến độc giả gợi ý về sách hay, phong cách đọc hiện đại của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Ngoài ra, những người mê đọc sách cũng có thể khám phá thêm góc nhìn của các gương mặt trẻ nổi bật về lựa chọn đọc sách.

Quang Nam

Đồ họa: Yến Nhi

Bạn có thể quan tâm