Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Formosa Hà Tĩnh thua lỗ hàng chục nghìn tỷ

Là doanh nghiệp FDI lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất sắt, thép và kim loại khác nhưng Formosa lại thua lỗ nhiều năm liên tiếp khiến số đóng góp vào ngân sách Nhà nước rất hạn chế.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) Bộ Tài chính gửi Thủ tướng, Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hiện là doanh nghiệp FDI lớn nhất trong ngành sản xuất sắt, thép và kim loại khác. Doanh nghiệp này cũng ghi nhận doanh thu hàng tỷ USD và tăng đều qua từng năm nhưng lại liên tục lỗ ròng hàng chục nghìn tỷ đồng khiến số đóng góp vào ngân sách rất thấp.

Cụ thể, đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Formosa Hà Tĩnh đạt khoảng 286.800 tỷ đồng (gần 12,4 tỷ USD), tăng 10% so với cuối năm trước. Trong đó, nợ phải trả của doanh nghiệp này là 185.990 tỷ, với cơ cấu 35% ngắn hạn và 65% dài hạn. Tại thời điểm này, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 100.800 tỷ đồng, nhưng lỗ lũy kế tới 25.388 tỷ đồng.

Tính riêng năm 2019, Formosa ghi nhận 72.030 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh và tài chính, tăng 12% so với năm liền trước. Tuy nhiên, công ty này lại báo lỗ tới 11.538 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với mức lỗ năm liền trước.

Do hoạt động kinh doanh thua lỗ, số đóng góp vào ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp FDI này chỉ vỏn vẹn 51,6 tỷ đồng năm 2019.

Formosa Ha Tinh thua lo hang chuc nghin ty anh 1

Bên trong khu vực cảng vận tải thép lên tàu của Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Nikkei.

Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn gần 25.500 tỷ đồng dẫn đến hệ số khả năng thanh toán hiện thời của Formosa ở mức thấp (0,6 lần). Điều này cho thấy công ty sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư tài sản dài hạn. Hàng tồn kho cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản ngắn hạn, cùng với việc nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, dẫn đến khả năng thanh toán nhanh ở mức rất thấp với hệ số 0,19 lần. Các hệ số thanh toán đều ở mức rất thấp cho thấy Formosa đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Công ty CP Thép Posco Yamoto Vina (Bà Rịa - Vũng Tàu), doanh nghiệp FDI lớn thứ 2 ngành sản xuất sắt, thép đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo đó, với tổng tài sản đến cuối năm 2019 đạt gần 20.000 tỷ đồng, vốn đầu tư của chủ sở hữu tại doanh nghiệp này là 7.168 tỷ đồng nhưng Posco cũng đang lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán hơn 8.900 tỷ đồng.

Năm gần nhất (2019), doanh nghiệp đạt hơn 10.700 tỷ doanh thu, giảm 17%. Kết quả này khiến công ty lỗ ròng 2.780 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với số lỗ năm 2018. Số nộp ngân sách của Posco năm vừa qua cũng rất thấp với 41 tỷ đồng.

KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA FORMOSA HÀ TĨNH

Nhãn20182019
Doanh thu tỷ đồng 6448072030
Lợi nhuận sau thuế
-2727-11538
Lãi lũy kế
-13850-25388

Posco đang có nợ ngắn hạn lớn hơn so với tài sản ngắn hạn, 1/2 tài sản dài hạn được tài trợ bởi nợ ngắn hạn dẫn đến Hệ số về khả năng thanh toán hiện thời của doanh nghiệp ở mức thấp là 0,71 lần. Hệ số khả năng thanh toán nhanh cũng ở mức thấp 0,56 cho thấy công ty cũng đang gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ.

Theo Bộ Tài chính, trong 2 năm 2018-2019, cả 2 doanh nghiệp FDI lớn nhất ngành sản xuất sắt, thép đều có tình hình tài chính không lành mạnh, kết quả kinh doanh suy giảm khiến số đóng góp vào ngân sách rất hạn chế.

Tính chung trong toàn ngành này, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đều gặp khó khăn vì đến năm 2019 ngành thép toàn cầu vẫn đang bị ảnh hưởng do giá sắt, thép trong xu hướng giảm. Tuy nhiên, tình hình ngành thép toàn cầu đã có dấu hiệu khởi sắc trong năm 2020.

Trái ngược với kết quả kinh doanh thấp của 2 doanh nghiệp FDI ngành thép, các doanh nghiệp FDI lớn trong ngành linh kiện điện tử, máy vi tính và ngành sản xuất, kinh doanh điện đều có lợi nhuận lớn và tăng qua từng năm.

Trong đó, Tập đoàn Samsung thông qua 2 nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên ghi nhận hơn 1,104 triệu tỷ doanh thu và hơn 81.100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm vừa qua. Hiện tổng lợi nhuận lũy kế của 2 nhà máy này cũng vào khoảng 432.480 tỷ đồng (khoảng 18,6 tỷ USD).

Tương tự, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 trong năm 2019 ghi nhận 15.230 tỷ doanh thu và lãi trước thuế 3.610 tỷ đồng, nộp ngân sách 508 tỷ; Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương cũng ghi nhận 13.745 tỷ doanh thu và lãi sau thuế 1.915 tỷ, nộp ngân sách 571 tỷ đồng.

Hơn một nửa doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thua lỗ

Theo Bộ Tài chính, năm 2019 có tới hơn một nửa số doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam thua lỗ. Đáng chú ý, cả 2 doanh nghiệp FDI lớn nhất ngành sắt thép đều lỗ lớn.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm