Biến động về giới tỷ phú ở Nhật Bản thể hiện rõ trong một báo cáo mà Ahmadoff & Company, một doanh nghiệp quản lý tài sản, mới công bố.
Ahmadoff & Company lập báo cáo dựa trên danh sách tỷ phú của Forbes từ năm 1996 tới 2016, cũng như kết quả phân tích tài sản công ty và tài sản cá nhân của từng người, Forbes đưa tin.
“Dữ liệu của Forbes và kết quả phân tích của chúng tôi cho thấy Nhật Bản là quốc gia rất đặc biệt về phương diện tỷ phú. Những xu hướng ở Nhật Bản không diễn ra ở những nơi khác”, Fakhri Ahmadov, giám đốc điều hành Ahmadoff & Company, phát biểu.
Doanh nhân Tadashi Yanai, người sáng lập tập đoàn Uniqlo, đang là người giàu nhất ở Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg. |
Fakhri chỉ ra rằng 75% tỷ phú Nhật Bản trong danh sách của Forbes năm 1996 ra khỏi danh sách tương tự vào năm 2016. Trong khi đó, tỷ lệ tương tự trong giai đoạn năm 1996-2016 của tỷ phú thế giới là 50%.
“Tỷ lệ tỷ phú Nhật Bản thừa kế tài sản cũng ở mức rất thấp. Có thể thực trạng ấy diễn ra do thuế thừa kế cao ở Nhật, nhưng cũng có thể vì những lý do khác – như không đa dạng hóa nguồn thu nhập và quản lý tài sản không hợp lý”, Fakhri nhận định.
Tài sản tăng nhưng số lượng giảm
Không phải mọi thông tin về tỷ phú Nhật Bản đều xấu. Giá trị tổng tài sản của họ tăng từ 93 tỷ USD trong năm 1996 lên 125 tỷ USD vào năm 2016. Tuy nhiên, số lượng của họ giảm từ 41 xuống 37. Hàn Quốc là nước trải qua xu hướng ngược lại với Nhật Bản về tỷ phú.
Số lượng tỷ phú ở Hàn Quốc bùng nổ trong giai đoạn 1996-2016. Nếu như trong năm 1996, chỉ 7 người Hàn Quốc lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes thì tới năm 2016, con số đó tăng lên 31. Trên khắp thế giới, số lượng tỷ phú tăng từ 424 lên 1.810 trong cùng thời kỳ.
Độ tuổi trung bình của tỷ phú Nhật Bản tăng từ 64 lên 67. Ngược lại, tuổi trung bình của tỷ phú Hàn Quốc giảm từ 68 xuống 59, còn tuổi trung bình của tỷ phú thế giới vẫn duy trì ở mức 63.
Số lượng nữ tỷ phú Nhật Bản tăng từ con số 0 trong năm 1996 lên con số 3 trong năm 2016.
Số lượng tỷ phú công nghệ tăng
Một chi tiết thú vị là số lượng tỷ phú công nghệ ở Nhật Bản đang bùng nổ trong vòng 20 năm qua. Thực tế đó có vẻ trái ngược với tình trạng sa sút của nhiều tập đoàn công nghệ lớn ở xứ sở hoa anh đào. Một ví dụ gần nhất là Sharp, tập đoàn phải “bán thân” cho Hon Hai Precision – doanh nghiệp thường được giới truyền thông gọi là Foxconn.
Năm 1996, chỉ 8% tỷ phú Nhật Bản giàu lên nhờ công nghệ. Hồi ấy ba lĩnh vực tạo ra nhiều tỷ phú nhất gồm bất động sản (22%), giải trí và đánh bạc (17%) và cung cấp sản phẩm công nghiệp (14%). Tới năm 2016, người giàu trong ngành công nghệ chiếm 27% tổng số tỷ phú Nhật Bản. Những vị trí tiếp theo thuộc về ngành bán lẻ (19%), giải trí và đánh bạc (14%).
Thực trạng đó cho thấy ngành công nghệ ở Nhật Bản đang phát triển cùng nhịp với phần còn lại của thế giới. Trong vòng 20 năm qua, nhiều doanh nghiệp kỳ lân (có giá trị trên 1 tỷ USD) trên thế giới phát triển khá nhanh. Số lượng công ty kỳ lân ở Nhật Bản cũng tăng nhanh.
Độ tuổi trung bình của các tỷ phú công nghệ là 53, thấp hơn nhiều so với tuổi trung bình của giới tỷ phú Nhật Bản.