Tham nhũng, thích khoe của cải, giao thông ngày càng tệ, lao động nhảy việc thường xuyên, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ,... đang diễn ra Việt Nam được xem là những nét tương đồng với những gì đã diễn ra tại Trung Quốc của 10 năm trước.
Theo Ralph Jennings, vào khoảng cuối thế kỷ trước đầu thế kỷ này, Trung Quốc chưa đủ nguồn lực để sản xuất. Tuy nhiên, các ưu đãi về thuế, nhân lực phong phú, nhân công giá rẻ... đã thu hút nhà đầu tư từ nước ngoài đổ tiền vào nước này, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 10% mỗi năm cho đến năm 2010.
Nhưng sau 10 năm, các lợi thế này không còn tồn tại ở Trung Quốc và rất nhiều doanh nghiệp đang tìm cách dịch chuyển khỏi quốc gia này. Khi chi phí nhân công tại Trung Quốc tăng lên, Việt Nam được xem là địa chỉ mới mà nhà đầu tư nhắm tới khi tìm kiếm thị trường tại châu Á. GDP của Việt Nam tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 6% mỗi năm.
Tuy nhiên, Ralph Jennings cũng chỉ ra 5 mặt trái tương đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc 10 năm trước khi đang ở giai đoạn đầu của đà phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam theo quan sát của Forbes có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc 10 năm trước. Ảnh AFP |
1. Tham nhũng
Bài viết cho biết: "Nếu xin giấy phép kinh doanh mất quá nhiều thời gian và cán bộ cơ quan nhà nước nói bạn phải chờ hơn một tháng nữa mới được cấp phép, điều đó có nghĩa là bạn phải chi một số tiền "bôi trơn" hành chính cho các cán bộ này. Cảnh sát giao thông thì nhận tiền và không xử phạt lỗi vi phạm của người tham gia giao thông".
Trung Quốc đã từng rất nổi tiếng với những khoản hối lộ mà các công ty nước ngoài phải là người chi tiền khi tham gia kinh doanh tại nước này. Tình trạng hối lộ vẫn tiếp tục diễn ra tại Trung Quốc nhưng đã ít dần đi khi chiến dịch dịch chống tham nhũng của chính phủ Trung Quốc chính thức khởi động kể từ năm 2012.
2. Vi phạm bản quyền và thương hiệu
Ralph Jennings chia sẻ rằng: "Trong tháng này, tôi có nghe một câu chuyện tại TP HCM về một nhà cung cấp hạt điều sử dụng logo của Taco Bell (một chuỗi đồ ăn nhanh) in trên danh thiếp của mình. Người kể chuyện này nói với tôi rằng việc nhái nhãn hiệu ở Việt Nam là chuyện xảy ra bình thường".
Trung Quốc từng cho phép một chuỗi cửa hàng cà phê lấy nhãn hiệu "Starsbuck" (hãng cà phê nổi tiếng của Mỹ) hoạt động tại thành phố biển Thanh Đảo. Trung Quốc cũng cho phép các cửa hàng thời trang tại Bắc Kinh bán trang phục trông giống với sản phẩm của thương hiệu Gpa và ngang nhiên gắn mác Gpa.
Các công ty nước ngoài đang kinh doanh tại Trung Quốc thường phàn nàn rằng những vấn đề họ gặp phải trong bảo hộ nhãn hiệu là kết quả của những kẻ làm hàng giả nhãn hiệu, quan chức tham nhũng và sự yếu kém trong thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Trong hai thập kỷ qua, các nhà vận động hành lang nước ngoài đã gây sức ép để Trung Quốc dỡ bỏ việc kinh doanh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong khi đó, các công ty Trung Quốc lại là những người kiện lại chính các nhãn hàng này.
3. Giao thông ngày càng tệ
Ở TP HCM, trung tâm tài chính của cả nước, và các đô thị lớn, tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp và diễn ra thường xuyên. Người đi đường có khi phải chờ đợi nhiều lượt để qua được một đèn đỏ. Giao thông tại các khu vực đông dân cư ở Bắc Kinh và Thượng Hải cũng rơi vào tình trì trệ như vậy vào khoảng năm 2000 khi ôtô xuất hiện trên đường nhiều hơn.
4. Lao động nhảy việc để kiếm thêm chút tiền
Ralph Jennings kể rằng: "Khi tôi sống ở Bắc Kinh trước năm 2005, bạn bè của tôi ở đây làm việc cho một công ty duy nhất cho đến khi họ tìm thấy một nơi khác trả lương cao hơn. Thời gian cho một công việc nhất định có thể chỉ đến nửa năm. Các công ty nước ngoài thường trả lương cao hơn các công ty địa phương, dẫn đến làn sóng nhảy việc tìm lương cao của người lao động. Tuy nhiên, họ không trung thành với bất cứ ai.
Trong khi đó, Ralph Jennings cho hay nhân viên văn phòng Việt Nam, những người rất khó để có thể tuyển dụng hoặc còn thiếu kỹ năng, cũng đang làm điều đó.
5. Thích khoe của
Ông Oscar Mussons, chuyên viên tư vấn kinh doanh quốc tế thuộc công ty tư vấn Dezan Shira & Associates tại TP HCM, nhận định: "Nếu bạn bước vào một ngôi nhà của người Việt Nam, họ có thể không có nhiều đồ đạc, họ có thể ngồi ăn trên sàn nhà, nhưng họ vẫn "xài sang" khi dùng điện thoại cao cấp như iPhone hay mua sắm các loại xe mới của của các thương hiệu nổi tiếng như Honda hoặc Yamaha vì đây là những thứ mà họ có thể trưng ra bên ngoài. Người Việt cũng chọn lui tới những nhà hàng phục vụ ẩm thực nước ngoài, đắt hơn so với thức ăn địa phương.
Trước khi diễn ra chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình, người tiêu dùng Trung Quốc nổi tiếng vì lối tiêu tiền không run tay với các bữa tiệc xa hoa hay đi mua sắm hàng hiệu xa xỉ ở nước ngoài. Đến nay, nhiều người Trung Quốc trở nên e dè khi móc hầu bao vì lo sợ trở thành mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi", ngành kinh doanh mặt hàng xa xỉ ở Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề.