Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

FLC tìm được công ty kiểm toán mới

Tập đoàn này vừa kết thúc hợp đồng kiểm toán với Đất Việt và chọn công ty An Việt thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021.

Tập đoàn FLC thông báo đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt (ANVIETCPA) trong ngày 21/7. Theo đó, An Việt sẽ là đơn vị kiểm toán mới các báo cáo tài chính năm 2021 của tập đoàn này.

ANVIETCPA được thành lập năm 2008 trên cơ sở sáp nhập công ty Kiểm toán An Phú và Kiểm toán Việt Anh. Đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập, tư vấn thuế, xác định giá trị doanh nghiệp, thẩm định giá tài sản...

Cùng ngày, FLC đã thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt. Lý do là đơn vị này đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán thuộc lĩnh vực chứng khoán hồi cuối tháng 3.

Việc công ty Đất Việt bị mất tư cách kiểm toán cho các công ty niêm yết khiến nhóm doanh nghiệp FLC Group gặp nhiều khó khăn trong công tác công bố thông tin và nhiều mã trong hệ sinh thái này chịu tác động tiêu cực.

HoSE bắt đầu đưa cổ phiếu FLC vào diện bị cảnh báo kể từ ngày 26/4 với lý do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán chậm 15 ngày so với quy định và chuyển sang diện bị kiểm soát từ ngày 30/5 cũng do chậm nộp báo trên quá 30 ngày.

Tiếp đó, cơ quan này thông báo chuyển cổ phiếu FLC từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 1/6. Lý do tương tự là chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 được kiểm toán, quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc niên độ.

Điều đó đồng nghĩa với việc cổ đông FLC chỉ được giao dịch trong buổi chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức thỏa thuận kể từ ngày 1/6 cho đến nay.

Công việc kiểm toán mới có thể mất thời gian nhưng khi hoàn thành có thể giúp FLC có đủ tài liệu để tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 - cũng là một trong các nguyên nhân khiến cổ phiếu bị cảnh báo.

Hiện tập đoàn đa ngành này đã cơ bản tái cấu trúc và hoàn thiện nhân sự thượng tầng sau sự cố cựu chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý do có hành vi thao túng chứng khoán.

Hội đồng quản trị mới sau giai đoạn xáo trộn đã kiện toàn đầy đủ 5 thành viên. Trong đó, cá nhân mới ông Lê Bá Nguyên được bầu làm chủ tịch HĐQT và 2 lãnh đạo cũ Bùi Hải Huyền, Đặng Tất Thắng đảm nhiệm vai trò phó chủ tịch. Ngoài ra còn 2 cái tên mới là ông Doãn Hữu Đoàn và Lê Thái Sâm được bầu làm thành viên.

Trong biến động nhân sự mới nhất, bà Vũ Đặng Hải Yến đã có đơn từ nhiệm chức vụ phó tổng giám đốc theo lý do cá nhân và đã được HĐQT mới chấp thuận. Bà Yến là người được ông Trịnh Văn Quyết ủy quyền điều hành và đại diện toàn bộ quyền tài sản tại FLC.

kể từ sau sự việc của ông Trịnh Văn Quyết, cổ phiếu FLC có biến động theo chiều hướng rất tiêu cực. Mã này hiện chỉ còn 5.800 đồng (tức giảm 75% so với mức cao nhất hồi đầu năm), vốn hóa chỉ còn hơn 4.100 tỷ đồng.

Ngoài ra việc cổ phiếu bị hạn chế giao dịch cũng làm thanh khoản suy giảm nghiêm trọng, tính hấp dẫn của mã chứng khoán này trở nên xấu hơn. Hiện FLC chỉ giao dịch chưa đến 5 triệu cổ phiếu/phiên trong tuần vừa qua, chỉ bằng 1/4 mức bình quân kể từ đầu năm.

Bà Vũ Đặng Hải Yến từ chức phó tổng giám đốc FLC

Bà Hải Yến chính là người được ông Trịnh Văn Quyết ủy quyền đại diện toàn bộ quyền tài sản thuộc sở hữu của ông tại FLC và các công ty liên quan.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm