Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

FLC lại bị cưỡng chế thuế 448 tỷ đồng

Tập đoàn đa ngành này liên tiếp nhận các quyết định cưỡng chế thuế từ đầu tháng 8 đến nay với tổng số tiền hơn 870 tỷ đồng.

Tập đoàn FLC vừa thông báo ngày 5/9 đã nhận được các quyết định của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình về việc cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng.

Tổng số tiền bị cưỡng chế là hơn 448 tỷ đồng nằm trong 3 quyết định. Lý do được đưa ra là Tập đoàn FLC có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý Thuế.

Các tài khoản của FLC bị phong tỏa trong đợt này nằm tại Ngân hàng OCB Chi nhánh Hà Nội, VIB Chi nhánh quận 1 và BIDV Chi nhánh Thanh Xuân.

Thực tế, đây không phải lần đầu tập đoàn này gặp rắc rối về thuế. Vào đầu tháng 8, FLC cũng đã nhận 3 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình với tổng số tiền gần 224 tỷ đồng.

Sau đó vài ngày, Cục Thuế Thành phố Hà Nội tiếp tục đưa ra 9 quyết định, gồm tiến hành cưỡng chế thuế gần 72 tỷ đồng và phạt hành chính 11,5 triệu đồng đối với Tập đoàn FLC.

Đến ngày 18/8, Chi cục Thuế khu vực Thành phố Sầm Sơn - Quảng Xương đã ra 8 quyết định cưỡng chế thuế bằng hình thức phong tỏa tài khoản với số tiền hơn 130 tỷ đồng với doanh nghiệp này.

Như vậy, tính từ đầu tháng 8 đến nay, tập đoàn đa ngành này đã bị cưỡng chế thuế tổng cộng 874 tỷ đồng từ các cơ quan quản lý thuế nêu trên.

FLC,  cuong che thue,  thu thue anh 1

Một dự án dở dang tại Quảng Bình. Ảnh: FLC Quảng Bình.

FLC là chủ nhiều dự án bất động sản nổi bật trải dài từ Bắc đến Nam. Tập đoàn liên tiếp công bố kế hoạch đầu tư vào loạt dự án mới và nghiên cứu đầu tư, xúc tiến pháp lý cho gần 300 dự án trước biến cố nhân sự.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh và đầu tư của FLC Group gặp nhiều thách thức kể từ sau khi cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam về hành vi thao túng chứng khoán, dẫn đến những xáo trộn về nhân sự và chiến lược.

Nhiều địa phương đã có động thái dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát và chấm dứt hoạt động hàng loạt dự án như Thanh Hóa, Bình Phước, Kon Tum, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Ngãi... với quy mô hàng nghìn tỷ đồng và hàng trăm ha.

Không chỉ bị ảnh hưởng đến một loạt dự án mà cổ phiếu FLC cũng chịu tác động đáng kể. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới đây đã quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9 do vi phạm quy định về công bố thông tin.

Điều này xuất phát từ việc FLC vẫn chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 dù đã quá 6 tháng kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính năm 2021. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng chưa công bố báo cáo kiểm toán 2021 và chưa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay.

Bên cạnh FLC, cổ phiếu HAI của CTCP Nông dược HAI cũng nhận quyết định đình chỉ giao dịch tương tự từ ngày 9/9 và cổ phiếu ROS của FLC Faros đã bị ngừng giao dịch từ 12/8.

Nêu giải pháp khắc phục, lãnh đạo FLC cho biết vẫn đang nỗ lực thực hiện kế hoạch kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 và sẽ phát hành sớm nhất để đủ điều kiện họp ĐHĐCĐ thường niên 2022.

Cuộc họp cổ đông dự kiến thực hiện trong tháng 11 tới và tập đoàn sẽ phối hợp với đơn vị kiểm toán được lựa chọn để công bố thông tin các báo cáo tài chính bán niên 2022 vào cuối năm nay.

FLC lại bị cưỡng chế thuế thêm 130 tỷ đồng

Tiếp sau Quảng Bình và Hà Nội, Cục thuế Sầm Sơn (Thanh Hóa) ra thêm 8 quyết định cưỡng chế thuế với tập đoàn FLC tổng số tiền hơn 130 tỷ đồng.

Cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch từ 9/9

Do vi phạm quy định về công bố thông tin, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) quyết định đình chỉ giao dịch cổ phiếu FLC từ ngày 9/9.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm