Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

FED tăng lãi suất thêm 0,25%

Lần đầu tiên sau gần 1 thập kỷ, Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED đã quyết định tăng lãi suất khỏi mức gần 0%. Mức lãi suất cơ bản được xác định sẽ dao động từ 0,25-0,5%.

Trong cuộc họp chiều 16/12 theo giờ Mỹ, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cuối cùng đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ mức tiệm cận 0% lên thêm 0,25%. Theo đó, mức lãi suất mới mà Mỹ áp dụng sẽ dao động từ 0,25% đến 0,5%.

Quyết định này được bật đèn xanh từ Ủy ban thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC), đánh dấu lần thay đổi đầu tiên sau 7 năm duy trì chính sách tiền tệ của Mỹ. Hầu hết các thành viên cho rằng, tỷ lệ mới dừng lại ở mức 0,375% trước khi leo lên một mốc mới.

Trước đó, lần cuối cùng FED nâng lãi suất cơ bản là vào ngày 26/6/2006. Sau đó, cơ quan này đã hạ lãi suất xuống cận 0% từ tháng 12/2008. Và từ tháng 6/2006 đến nay, Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng chưa một lần nâng lãi suất.

Việc FED nâng lãi suất sẽ mang lại những ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực trong lòng nước Mỹ cũng như với các quốc gia khác. Những người đi vay vốn tại Mỹ dù ở nhiều mức lãi suất khác nhau đều sẽ phải chịu tác động tiêu cực khi chi phí khoản vay tăng thêm, nhưng đây sẽ là tin tốt đối với những người tiêu dùng và người gửi tiền tiết kiệm.

Lãi suất tăng 0,25% sẽ đem về những ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực đối với Mỹ và các quốc gia khác. Ảnh: CNN.

Ngược lại, nâng lãi suất đồng nghĩa USD sẽ tăng giá mạnh, dẫn tới hàng hóa của Mỹ trở nên đắt đỏ với thị trường thế giới. Kết quả là, lĩnh vực thương mại của Mỹ có thể sẽ bị thiệt hại lớn.

FED nâng lãi suất cũng sẽ gây tổn thương lên những nền kinh tế mới nổi, gia tăng áp lực lên các nền kinh tế vốn đã chật vật với tăng trưởng giảm tốc, nợ cao và nhu cầu hàng hóa cơ bản giảm sút.

Việc Mỹ tăng lãi suất cơ bản có thể được xem là lời khẳng định của FED về niềm tin nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khắc phục được những vết thương do khủng hoảng tài chính 2007-2009 gây ra. Ngay cả các chuyên gia của Mỹ cũng phải thừa nhận, nền kinh tế của đất nước cờ hoa đã đủ mạnh để chống đỡ lại một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, mà khởi đầu là mức tăng lãi suất có phần thận trọng của Cục dự trữ liên bang.

Giờ đây, lạm phát được xem là ưu tiên hàng đầu của Mỹ, trong mục tiêu dài hạn là giữ được sức tăng trưởng của nền kinh tế. “Nền kinh tế đã đi vào thời gian hoạt động tốt và dự kiến sẽ tiếp tục ổn định, vì vậy, FED cho rằng một đợt tăng lãi suất nhẹ lúc này là thích hợp. Mục tiêu vẫn là đảm bảo lạm phát ở mức 2%, thất nghiệp dưới 4,7% và GDP tăng 2,4%", Chủ tịch FED, bà Janet Yellen cho hay.

CNN đánh giá, các nền kinh tế mới nổi sẽ chịu tác động mạnh khi dòng tiền đầu tư bị đảo ngược do tác động của việc tăng lãi suất, cũng như làm giảm bớt lợi ích từ những biện pháp kích thích xuất khẩu. Các nước càng có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và vay nợ lớn sẽ càng chiu ảnh hưởng nhiều hơn, ví như Indonesia hay Myanmar, trong khi các nước Mỹ Latinh sẽ phải đối mặt với tình trạng đồng nội tệ mất giá mạnh.

Tuy được xem là quốc gia nằm trong nhóm nước sẽ bị tổn thương khi FED tăng lãi suất, nhưng trong ngắn hạn, tác động mà Trung Quốc phải chịu sẽ khó nhìn thấy. Lý do là quốc gia này có nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào, đủ để trang trải các khoản nợ nước ngoài sắp đến hạn, cũng như phục vụ nhập khẩu, trong khi chờ cú sốc này qua đi.


Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm