Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

FED giảm lãi suất sẽ tác động ra sao tới thị trường?

Việc FED cắt giảm 50 điểm phần trăm lãi suất mà không chờ đến kỳ họp tháng 3 được dự báo có nhiều tác động tới tỷ giá dẫn tới ảnh hưởng tình hình xuất khẩu tại Việt Nam.

Thị trường thế giới dùng từ "đột ngột" để diễn tả động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) vừa qua, bởi cơ quan này đã không đợi đến cuộc họp thường kỳ tháng 3 như thông thường mà lập tức đưa ra quyết định giảm khẩn cấp 50 điểm phần trăm lãi suất.

Đây cũng là lần giảm lãi suất bất thường đầu tiên và mức giảm lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính thế giới 2008.

Phía sau đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp

Nguyên nhân phía sau được các chuyên gia lý giải do diễn biến của dịch bệnh virus Covid-19 tại Mỹ. Theo đó, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế lớn nhất thế giới đã rõ nét hơn khi chỉ số sản xuất ISM tháng 2 cho thấy hoạt động bị gián đoạn ở một số lĩnh vực.

Chủ tịch FED Jerome Powell cũng đã đề cập tới một số quan ngại đến từ lĩnh vực du lịch, khách sạn và dịch vụ.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn HSBC Việt Nam, chỉ số PMI gần đây nhất của đa số các quốc gia là bằng chứng về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh với nền kinh tế.

Covid-19 đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu khi số đơn đặt hàng và xuất khẩu sụt giảm mạnh.

FED giam lai suat se tac dong ra sao toi Viet Nam? anh 1

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 là động lực lớn khiến FED hạ lãi suất lần này: Ảnh: Reuter.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, việc cắt giảm lãi suất lần này trong ngắn hạn sẽ củng cố niềm tin nhà đầu tư, giúp thị trường tránh được những cú sốc quá lớn, đảm bảo nền kinh tế không bị tác động quá tiêu cực.

Tuy nhiên, về trung hạn, khi đối mặt với sự sụt giảm nguồn cung thì nới lỏng chính sách tiền tệ không phải là giải pháp toàn diện.

“Nếu dịch bệnh không được kiểm soát hoàn toàn, chỉ dựa vào việc hạ lãi suất khó giúp hoạt động sản xuất vốn đang chịu ảnh hưởng của Covid-19 quay trở lại bình thường”, ông Khoa khẳng định.

Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, FED giảm lãi suất là để hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, ông cho biết, cần nhìn nhận thực tế động thái giảm lãi suất chưa thực sự hiệu quả, bằng chứng là thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu vẫn lao dốc.

“Việc giảm lãi suất là cần thiết, nhưng phản ứng của thị trường cho thấy họ vẫn chưa hài lòng với động thái này. Trong đó, chứng khoán vẫn giảm mạnh”, ông Hiếu nói.

Tác động thế nào tới Việt Nam?

Theo ông Hiếu, nên bỏ qua chuyện giảm lãi suất có kích thích nền kinh tế tăng trưởng được hay không bởi không phải nền kinh tế đang thiếu tiền mà là hoạt động sản xuất đang bị ảnh hưởng.

“Nó sẽ tác động tới nền kinh tế, tăng nhu cầu tiêu thụ. Mà kinh tế Mỹ cũng như Việt Nam dựa rất nhiều vào tiêu thụ. Dưới góc độ nào đó nó sẽ có tác động tích cực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, ông Hiếu chia sẻ.

FED giam lai suat se tac dong ra sao toi Viet Nam? anh 2

Tỷ giá USD/VNĐ bị tác động khi FED giảm mạnh lãi suất trên thị trường Mỹ. Ảnh: Ngọc Thạch.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, về mặt ngoại hối sẽ có bất lợi cho trong nước. Khi lãi suất giảm sẽ kéo theo giá trị đồng USD giảm, dẫn tới tỷ giá USD/VNĐ giảm theo.

Việc này sẽ không có lợi cho hoạt động xuất khẩu mà nền kinh tế Việt Nam đang dựa rất nhiều vào xuất khẩu.

Ông Hiếu cũng cho rằng, việc FED giảm lãi suất sẽ kích thích NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới để có độ tương đồng với đồng tiền USD, ít nhất là không để tỷ giá giảm quá.

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xem xét việc giảm lãi suất điều hành.

“Thậm chí, năm nay cần tăng tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu bù đắp cho nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch. Cuối cùng, Việt Nam cũng nên xem xét giảm lãi suất càng sớm càng tốt”, ông nhấn mạnh.

Ông Ngô Đăng Khoa cũng cho rằng, nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tạo áp lực lên lạm phát.

Theo đó, khi lãi suất hạ quá nhanh có thể gây áp lực lên lạm phát vốn đã có mặt bằng cao hơn so với cùng kỳ.

Ông cho rằng, phản ứng của FED và các NHTƯ khu vực sẽ có ảnh hưởng lớn hơn với diễn biến của tỷ giá và lãi suất trong thời gian tới.

“Với việc đồng bạc xanh suy yếu sau khi FED phát thông điệp hạ lãi suất có thể đồng nghĩa với nhiều đồng tiền khác trong khu vực châu Á trở nên mạnh hơn”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông vẫn tin tưởng thị trường trong nước tiếp tục vận động theo xu hướng bình ổn, chủ động nhờ vào chính sách điều hành linh hoạt của NHNN như ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng tung gói tín dụng 285.000 tỷ đối phó Covid-19

Nguồn vốn để tài trợ cho các gói tín dụng ưu đãi lãi suất 0,5-1% này sẽ được các ngân hàng thương mại tự cân đối và không sử dụng vốn chính sách.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm