Những sự kiện gần đây như OPEC+ quyết định không tăng sản lượng cho tới việc cảng dầu lớn nhất thế giới Ras Tanura của Saudi Arabia bị công kích đều khiến giá dầu tăng mạnh. Theo Financial Times, giá dầu Brent vượt 70 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI ở mức 67,98 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên sau 14 tháng, giá dầu chạm tới con số này.
Giá dầu vọt lên làm phá vỡ dải Bollinger khiến tình trạng thoái lui xảy ra nhanh hơn. Theo Bloomberg, chốt phiên giao dịch 18/3 (giờ Mỹ), giá dầu Brent giảm 4,72 USD (tương đương 6,9%) xuống còn 63,28 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 4,60 USD (tương đương 7,1%) xuống mức 60 USD/thùng. Cả 2 loại dầu này đều ghi nhận mức giảm hơn 11% kể từ đỉnh gần nhất hôm 8/3.
Trong phiên giao dịch 8/3, giá dầu lần đầu tiên vượt mốc 70 USD/thùng sau 14 tháng do căng thẳng Trung Đông. |
Đà sụt giảm của dầu diễn ra trong bối cảnh các chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 diễn ra chậm hơn dự kiến và nhiều biện pháp chống dịch vẫn đang được áp dụng khiến nhu cầu tiêu thụ bị hạn chế. Cùng lúc đó, sự tăng giá của USD cũng khiến dầu bị bán tháo bởi hàng hóa này sẽ trở nên đắt hơn đối với nhà đầu tư đang nắm giữ các đồng tiền khác.
Giá dầu cũng chịu tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 17/3 quyết định tiếp tục giữ mức lãi suất chủ chốt gần bằng 0%, và dự báo sẽ không tăng lãi suất cho đến năm 2023 cũng như cam kết duy trì biện pháp mua trái phiếu.
Tương lai ngắn hạn của ngành công nghiệp dầu mỏ càng trở nên mịt mờ khi các nhà máy lọc dầu tại vùng Vịnh duyên hải Mexico đang chật vật hoạt động trở lại sau trận bão tuyết. Sản lượng khai thác dầu tại vùng này sụt giảm tới 80% so với mức trước đó.
Hiện lượng dự trữ dầu thô Mỹ ghi nhận mức tăng tuần thứ 4 liên tiếp. Theo số liệu chính thức được công bố ngày 17/3, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 2,4 triệu thùng trong tuần trước. Nhiều cơ sở khai thác dầu cũng chưa vội tăng sản lượng do lo ngại về khả năng tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu, trong đó có dầu thô.