Bộ phận phân tích của Chứng khoán VNDirect vừa có báo cáo cập nhật về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), bao gồm mảng cho vay tiêu dùng và chứng khoán.
Ban lãnh đạo VPBank cho biết sự phục hồi của FE Credit chậm hơn nhiều so với dự kiến do điều kiện kinh tế không thuận lợi đã tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực từ đến nhóm thu nhập thấp, vốn là khách hàng chính các công ty cho vay tiêu dùng.
Dư nợ cho vay của FE Credit giảm 2,7% so với cùng kỳ hoặc tăng 3,4% so với cùng kỳ khi tính khoản cho vay 4.570 tỷ đồng mà công ty đã bán cho ngân hàng mẹ. Tổng thu nhập hoạt động tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ lên 16.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng lại tăng đáng kể so với cùng kỳ lần lượt ở mức 28% và 23%. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng mạnh lên 20,4% trong quý IV/2022 ( tức thêm 6,8 điểm % so với cùng kỳ và cao hơn 5,4 điểm % so với quý liền trước).
Chi phí cao đẩy FE Credit lỗ khoảng 3.000 tỷ đồng. Ảnh: T.L |
"Điều này khiến FE Credit chuyển từ lãi trước thuế 610 tỷ đồng trong 2021 sang lỗ 3.000 tỷ đồng trong 2022", báo cáo của VNDirect chỉ ra.
Với bối cảnh vĩ mô vẫn đầy thách thức, VNDirect nhận định 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với FE Credit, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm. Tốc độ tăng trưởng cho vay sẽ chậm lại và tập trung vào khách hàng sẽ ít rủi ro hơn.
Chi phí dự phòng sẽ giảm 5,8%/7,1% so với cùng kỳ trong năm2023/2024 xuống lần lượt 13.000 tỷ đồng/12.000 tỷ đồng. Đây vẫn là mức cao nếu tính theo phần trăm tổng dư nợ, lần lượt là 17,2%/15%, so với 18,2% trong năm 2022.
Nhìn chung, tổng chi phí dự phòng sẽ tăng 2,3%/6% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2023/2024 lên 23.000 tỷ/24.400 tỷ đồng. VNDirect kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu hợp nhất sẽ đạt 5%/3,8% trong giai đoạn 2023/2024 so với 5,7% trong năm 2022.
Với các kịch bản dự phóng trên, nhóm chuyên gia đưa ra dự báo thận trọng với tăng trưởng cho vay tiêu dùng đạt 5% và lỗ trước thuế khoảng 700 tỷ đồng trong năm 2023.
"Sang năm 2024, chúng tôi kỳ vọng khi điều kiện kinh tế cải thiện, FE Credit sẽ đạt mức tăng trưởng cho vay khoảng 8% và lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng", theo VNDirect.
Trong khi đó, mảng kinh doanh chứng khoán lại có tiềm năng tăng trưởng lớn. Ngân hàng đã rót thêm 6.000 tỷ đồng vào công ty VPBank Securities (VPBS) trong quý cuối năm ngoái, đưa VPBS trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất.
Công ty đã ghi nhận 542 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm ngoái. VPBS cũng có vị thế tài chính tốt với gần 3.300 tỷ đồng cho vay ký quỹ, 7.500 tỷ đồng đầu tư trái phiếu và giấy tờ có giá, cùng 5.100 tỷ đồng tiền mặt.
Với một lượng lớn tiền mặt sẵn sàng để giải ngân, VNDirect kỳ vọng VPBS sẽ sớm ghi dấu ấn trong mảng môi giới chứng khoán và trở thành động lực tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận quan trọng cho toàn VPBank.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...