Nếu sử dụng phần mềm ad blocker, mọi nội dung được xác định là quảng cáo đều sẽ bị loại bỏ khỏi trang web. Ảnh: New York Times. |
Từ cuối năm 2022, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đưa ra thông báo khuyến khích người dân sử dụng các phần mềm chặn quảng cáo (ad blocker) nếu không muốn trở thành nạn nhân của các chiêu lừa đảo online.
Theo TechCrunch, khuyến cáo này giúp người dùng có thể tránh các quảng cáo giả mạo, chiếm vị trí đầu trên trang tìm kiếm để cài mã độc vào máy người dùng.
Cụ thể, cơ quan an ninh Mỹ cho rằng những tiện ích mở rộng chặn quảng cáo sẽ giúp người dùng tránh được những quảng cáo giả mạo xuất hiện trên kết quả tìm kiếm. Chúng thường trông giống nội dung từ các thương hiệu hay doanh nghiệp nổi tiếng nhưng trên thực tế kẻ đứng sau các quảng cáo này lại là những nhóm tội phạm tinh vi.
Chiêu trò của các nhóm tội phạm là mua quảng cáo mạo danh những thương hiệu lớn như các sàn tiền số, website nổi tiếng... Mặc dù là giả mạo, những bài quảng cáo này lại xuất hiện ở vị trí đầu trên trang kết quả tìm kiếm và rất khó để phân biệt giữa quảng cáo và kết quả tìm kiếm thật.
Chúng chứa đường link kết dẫn đến website giả mạo hoặc yêu cầu tải về các phần mềm độc hại để đánh cắp thông tin đăng nhập hay tài khoản ngân hàng của người dùng. Trong một phút lơ là, người dùng có thể tải nhầm các mã độc và tưởng nó là ứng dụng chính danh.
Do đó, nếu sử dụng phần mềm ad blocker, mọi nội dung được xác định là quảng cáo đều sẽ bị loại bỏ khỏi trang web. FBI đánh giá đây là cách thức hiệu quả để phân loại nội dung nhưng lại bị nhiều website cấm người dùng sử dụng.
Trên các kho tiện ích của trình duyệt có rất nhiều chương trình ad blocker. Ảnh: Shutterstock. |
Theo TechCrunch, ad blocker là những tiện ích mở rộng giúp chặn mọi quảng cáo trong trình duyệt, kể cả các kết quả tìm kiếm. Sử dụng phần mềm này, người dùng sẽ không thể nhìn thấy các quảng cáo lừa đảo và dễ tìm đến các website chính chủ hơn.
Trình ad blocker không chỉ xóa lượng lớn quảng cáo thông thường mà còn chặn các video tự động chạy, những banner động lớn, chiếm hơn nửa trang web nên sẽ cải thiện đáng kể tốc độ máy tính.
TechCrunch đánh giá ad blocker là biện pháp bảo mật hữu hiệu, giảm khả năng bị theo dõi từ những quảng cáo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những công ty kiếm tiền bằng quảng cáo như Google, Facebook sẽ không thể theo dõi hành vi người dùng để phân tích sở thích, nhu cầu của họ.
Theo Evening Standard, lời kêu gọi sử dụng ad blocker của FBI cho thấy nền công nghiệp quảng cáo trực tuyến đang ngày càng trở nên nguy hiểm. Những nền tảng bán quảng cáo online như Google và Microsoft cũng đang vật lộn với các nhóm tội phạm mạng.
Những người này sẵn sàng tạo hàng nghìn tài khoản giả mạo để qua mặt hệ thống bảo mật của các hãng và mua quảng cáo lừa đảo. Các nền tảng cũng nỗ lực tích hợp dịch vụ xác thực thông tin quảng cáo và siết chặt các chính sách người dùng, song, những nội dung giả mạo vẫn xuất hiện khắp nơi.
Hồi tháng 7/2022, nghiên cứu từ Malwarebytes đã chỉ ra các nhóm người xấu đã tạo ra hàng loạt bài quảng cáo giả mạo kết quả tìm kiếm khi người dùng tra cứu các từ khóa liên quan đến YouTube, Amazon và Facebook.
Đơn cử như khi người dùng tìm từ khóa “YouTube”, kết quả đầu tiên xuất hiện không phải là “youtube.com” chính chủ của Google mà lại là bài quảng cáo có đường dẫn “www.youtube.com”. Nếu không để ý, người dùng có thể nhấn nhầm vào kết quả này và dính trojan theo dõi.
Ở Anh, nhiều vụ lừa đảo online cũng liên tục nở rộ khi Covid-19 bùng nổ, như tin nhắn lừa đảo qua email hay ứng dụng nhắn tin truyền thống, lừa đảo tiền số liên quan đến người nổi tiếng, cuộc gọi lừa đảo từ nước ngoài hay các ưu đãi, khuyến mãi vào các dịp sale lớn như Black Friday…
Ngoài sử dụng ad block, FBI còn khuyến khích người dùng tự bảo vệ mình trên Internet bằng nhiều cách khác nhau như kiểm tra độ đáng tin cậy của quảng cáo trước khi click vào, chắc chắn rằng đường dẫn mà bạn sắp truy cập đúng chính tả, đồng thời đừng quên gõ đầy đủ tên, địa chỉ truy cập khi tìm kiếm các doanh nghiệp hoặc tổ chức tài chính để tránh bị lừa đảo.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.