Sáng 18/12, trang Facebook chính thức của Giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản (J.League) đã bị chiếm quyền, trở thành nơi phát các video livestream bán hàng.
Trang Facebook có tên "J.League (Japan Professional Football League)/Jリーグ" đổi ảnh đại diện thành ảnh của một thanh niên vào khoảng 15h ngày 18/12. Các bình luận cho bức ảnh này đều bằng tiếng Việt.
Tài khoản chính thức của Giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản bị chiếm quyền, đăng các video bán hàng. Ảnh: Nhật Minh. |
Phần bảng tin của trang trong ngày 18/12 đăng hơn 10 video livestream bán hàng của người Việt, với đủ các loại hàng hóa từ quần áo, thực phẩm tới mỹ phẩm. Các video này đều có hàng trăm lượt cảm xúc, bình luận.
Bài gần nhất có chủ đề về bóng đá được đăng tải vào lúc 23h ngày 17/12, là video các bàn thắng ấn tượng nhất ở vòng 33, giải J1 League, là giải đấu bóng đá cao nhất của Nhật Bản. Từ 8h sáng 18/12, các video livestream đã được đăng tải hàng loạt trên tài khoản này.
Trang Facebook nói trên là một trong 4 kênh mạng xã hội chính thức, được đăng tải trên trang web của J.League. Zing đã liên hệ với tổ chức này qua các tài khoản Instagram, Twitter nhưng chưa nhận được câu trả lời về lý do tài khoản Facebook bị chiếm quyền.
Trước đó, vào tháng 7, trang Facebook của của cựu trung vệ Chelsea Ivanovic cũng bị chiếm quyền, biến thành một fanpage livestream bán hàng. Người giữ tài khoản này sau đó còn phát video thách thức ai đủ khả năng cứ lấy lại tài khoản.
Đồng thời, nhân vật chính của buổi livestream cũng tuyên bố sẽ chặn tất cả tài khoản có yêu cầu tương tự. Cảnh nền của video livestream có dòng chữ “Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Dịch vụ Hoàng Gia”.
Trong nhiều bài đăng sau đó, người quản lý trang này tiếp tục đăng tin giả, lừa gạt người hâm mộ Ivanovic. Theo đó, ngày 1/8, fanpage này đăng tải bài viết kèm hình ảnh thông báo Ivanovic đã lấy lại được tài khoản Facebook.
Zing liên hệ đại diện Facebook Việt Nam, đặt câu hỏi về chính sách bảo mật của mạng xã hội này. Đáp lại, Facebook giữ im lặng.
Fanpage của cầu thủ Ivanovic bị chiếm quyền điều khiển để livestream bán hàng. Ảnh: Trọng Hưng. |
Cùng ngày 2/8, Facebook lặng lẽ “gỡ” tick xanh trên fanpage của Ivanovic. Đây được xem là động thái duy nhất mà mạng xã hội này can thiệp khi chính người dùng của họ bị tấn công.
Trong khoảng thời gian vài tháng tới nay, hàng loạt trang Facebook có tick xanh của các nghệ sĩ, người nổi tiếng nước ngoài cũng bị chiếm quyền để phát video bán hàng.
“Đa phần các quảng cáo livestream trên Facebook hiện nay là hình thức rửa tiền của các hacker”, Huỳnh Đông, một người có kinh nghiệm nhiều năm trong giới chạy quảng cáo Facebook tại Việt Nam nhận định.
Theo ông Đông, dân trong ngành gọi đây là chạy quảng cáo invoice (hóa đơn). Các tài khoản quảng cáo của doanh nghiệp, công ty nước ngoài sẽ bị hacker chiếm quyền truy cập. Sau đó, chúng được bán lại cho những shop online tại Việt Nam với chiết khấu rẻ hơn.
Những tài khoản này được hack bằng nhiều cách khác nhau từ quét mật khẩu theo email đến các web lừa đăng nhập, đánh cắp thông tin.
Dù được xác nhận bởi Facebook, các tài khoản mang tick xanh không được mạng xã hội bảo vệ, hỗ trợ trực tiếp. Hacker vẫn có thể chiếm quyền đăng nhập và đăng tải nhiều thông tin cá nhân. Theo Facebook, tick xanh chỉ có nghĩa tài khoản đã được xác nhận chính chủ dành cho người của công chúng, người nổi tiếng hoặc các nhãn hiệu toàn cầu mà tài khoản đại diện.