"Tin khẩn. Thanh lý trả mặt bằng gấp, sale sách bạt ngàn. Mua 5 cuốn tặng 1 cuốn", trích một mẩu quảng cáo của trang Facebook có tên Tủ sách ****.
Đây không phải lần đầu trang Facebook này đăng một mẩu quảng cáo như vậy. Với lý do thanh lý trả mặt bằng, fanpage này đã bán sách lậu từ năm 2017 đến nay với sự tiếp tay từ Facebook
Facebook là sân chơi của fakebook
"Chỉ cần tìm kiếm sách trên một trang web hay có sở thích liên quan đến sách trong profile cá nhân, người dùng sẽ dễ dàng thấy được những mẫu quảng cáo này", Hùng Thanh, quản lý tại một công ty dịch vụ chạy quảng cáo Facebook ở TP.HCM cho biết.
Sách lậu được bán với giá chỉ bằng 25% giá bìa sách thật. |
Theo ông Thanh, sách là một trong những mặt hàng dễ được phê duyệt quảng cáo nhất trên Facebook, kể cả sách lậu. Các trang Facebook bán sách lậu thường được đặt tên rất tri thức như: mọt sách, tri thức, dạy làm giàu hoặc tên các nhà xuất bản... Đồng thời, để tăng tin cậy, các fanpage bán sách lậu sẽ dùng logo của nhà xuất bản làm ảnh đại diện.
Các tựa sách được lựa chọn để bán trên Facebook thường là những cái tên nổi bật như Đắc Nhân Tâm, Nhà Giả Kim hay các truyện từ Nguyễn Nhật Ánh.
Theo nhà phát hành sách First News, điểm dễ phát hiện sách lậu nhất là sale trên 35%. Điển hình là một số đầu sách như Đắc Nhân Tâm đang được First New bán với giá 76.000 đồng thì các trang bán sách lậu trên Facebook như Sách Giá ** chỉ bán với giá 19.000 đồng.
Thậm chí, một số đầu sách còn được fanpage trên bán với giá 5.000 đồng kèm khuyến mãi mua 5 tặng 1, mua 10 khuyến mãi phí vận chuyển.
Bên cạnh đó, các fanpage Facebook còn ưu tiên bán combo. Với 8 cuốn truyện của Nguyễn Nhật Ánh chỉ được bán với giá 288.000 đồng trong khi giá sách thật gần 500.000 đồng.
Đơn vị bị vi phạm bản quyền không biết tố cáo với ai
“Chưa bao giờ trên môi trường mạng xã hội, việc phát tán sách giả, sách lậu lại ngang nhiên như hiện nay”, Bà Nguyễn Lê Việt Hà, Phó phòng Kinh doanh, NXB Kim Đồng từng chia sẻ.
Theo chính sách của Facebook, quảng cáo trên nền tảng này không được chứa nội dung vi phạm bản quyền của bên thứ ba. Nếu phát hiện nội dung vi phạm bản quyền, người bị vi phạm phải trực tiếp báo cáo với Facebook.
Một fanpage bán sách lậu mua quảng cáo để tiếp cận người dùng trên Facebook đều đặn mỗi ngày. |
Hiện các nhà xuất bản chỉ có hai cách để chống lại những fanpage bán sách lậu trên Facebook. Trong đó, Công ty truyện tranh Comicola chọn cách report (báo cáo) khi phát hiện các bên vi phạm bản quyền.
"Giải pháp này không thể hiệu quả bởi việc tạo ra fanpage và chạy quảng cáo trên Facebook rất đơn giản. Người bị vi phạm bản quyền không thể tự phát hiện đúng và đủ các trường hợp vi phạm được. Facebook là bên nhận tiền để quảng cáo những nội dung trên, họ phải chủ động trong bước xác minh", ông Thanh nói thêm.
Bằng chứng là việc hiện có hàng chục trang Facebook bán sách lậu vẫn tồn tại 4-5 năm và hiện vẫn trả tiền cho Facebook để quảng cáo sách lậu, tiếp cận hàng nghìn người dùng mỗi ngày.
Trong khi đó, Alpha Books và First News chọn cách đăng tải thông tin trang bán sách lậu lên mạng để cảnh báo người dùng. Ông Nguyễn Văn Phước, CEO của First News - kêu gọi những người làm sách chân chính cùng đoàn kết lại để lên tiếng tố cáo những nơi phát hành sách giả, sách lậu.
“Chúng tôi đã kiên trì thâm nhập, đặt sách nhiều lần ở các trang này suốt 6 tháng qua và nhận được toàn sách giả, sách kém chất lượng, sai sót từ những trang bán sách này. Một ngày chúng vận chuyển giao hàng sách giả ngày đêm, kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ với số lượng rất lớn, vì lợi nhuận rất nhiều”, ông Phước cho biết.
Tuy vậy, để tránh lọt vào danh sách cảnh báo của nhà xuất bản Nhã Nam, các fanpage chỉ cần đổi tên hoặc thậm chí là tạo một trang mới và tiếp tục mua quảng cáo.