Nếu tiếp tục sử dụng bộ lọc tin tức xuyên tạc tại Đức, đây sẽ là lần thứ 2 Facebook làm điều này. Trước đó, mạng xã hội lớn nhất thế giới đã từng làm điều này vào tháng 12/2016 tại Mỹ.
Các nhà lập pháp tại Đức lo ngại những tin tức xuyên tạc sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp tới. Trong những tháng gần đây, những tin tức giả mạo xuất hiện thường xuyên hơn. Phần lớn trong số đó là những thông tin nói về bà Merkel.
Cơ chế lọc đơn giản
Ngay bây giờ, người dùng Facebook tại quốc gia này có thể báo cáo những tin tức mà họ nghi ngờ. Sau đó, nó sẽ được chuyển đến trụ sở của tổ chức tin tức phi lợi nhuận Correctiv. Nếu xét thấy câu chuyện đó là giả mạo và không có cơ sở, bài viết sẽ được đánh dấu “tranh luận”. Cùng với đó là ghi chú giải thích tại sao Correctiv lại kết luận như vậy.
Với cơ chế lọc tin tức giả mạo mới, kỳ bầu cử quốc hội tại Đức sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các tin tức xuyên tạc. Ảnh: Thenextweb. |
Ngoài ra, Facebook sẽ cảnh báo người dùng trước khi họ chia sẻ tin tức giả mạo, xuyên tạc. Nếu họ vẫn chia sẻ, sự xuất hiện trên bảng tin của người đó sẽ bị hạn chế hơn trước.
Theo đó, việc triển khai biện pháp lọc tin tức của Facebook tại Đức là hành động đầu tiên của mạng xã hội này nhằm đấu tranh với những thông tin xuyên tạc. Phát biểu trên Financial Times, phát ngôn viên của công ty cho biết, hiện tại, bộ lọc mới chỉ được triển khai tại Đức nhưng nó sẽ được mở rộng ra quốc gia khác trong tương lai.
Bộ trưởng Tư pháp Heiko Mass năm 2016 từng nói Facebook nên bị quản lý như một công ty truyền thông để phải chịu trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ nội dung nào đăng tải. Tuy nhiên, với việc có những biện pháp thực tế để ngăn chặn tin tức giả mạo, khả năng bị "sờ gáy" của mạng xã hội lớn nhất thế giới sẽ giảm đi.