Nhà báo Nguyễn Vạn Phú được biết đến với nhiều bài bình luận có độ thuyết phục cao bởi sự am tường, cẩn trọng và quan điểm độc lập trong một bối cảnh thông tin đa chiều, ứng xử truyền thông đầy phân hóa. Ông cũng từng là một "Facebooker" có tiếng với những bài viết được độc giả đón nhận, nhưng đã quyết định từ bỏ mạng xã hội này.
Hiện tại, sau nửa năm dừng công việc Thư ký tòa soạn ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông cho ra mắt cuốn sách Sống trong thời viễn tưởng? - Chuyện người và máy (Phanbook & NXB Hội nhà văn phát hành tháng 6/2018) với rất nhiều vấn đề nóng.
Tác giả Nguyễn Vạn Phú trò chuyện với Zing.vn xoay quanh cuốn sách khiến độc giả tò mò này.
Facebook nhốt con người vào những bong bóng ngăn cách vô hình
- Cuốn sách mới của ông có nhiều vấn đề thời sự như: Người dân bị biến thành những người làm thuê hay chuyện xây dựng thành phố thông minh nhưng ở đó người dân vẫn cầm điện thoại trên tay chờ nước rút… Một số bài đã được viết vài ba năm trước. Ông đã dự báo trước thời sự, hay có những vấn đề “thời sự” đã “tồn đọng” quá lâu?
- Tôi viết bài Nhảy khỏi vòng kềm tỏa của Facebook vào khoảng tháng 11/2017. Tháng 3/2018 vụ bê bối dữ liệu Facebook - Cambridge Analytica xảy ra. Trong vòng bạn bè thân, mắc chi không khoe, thấy chưa, tớ đã bảo mà.
Cuốn sách Sống trong thời viễn tưởng? - Chuyện người và máy của nhà báo Nguyễn Vạn Phú. Ảnh: Phanbook. |
Nói đùa chứ nghề làm báo, tôi thường nói với phóng viên, là một hành trình xoắn trôn ốc, chỉ có chừng đó vấn đề, xoay đi xoay lại nhưng lần sau ở bình diện cao hơn lần trước, có cái mới hơn trước, có kiến giải “sáng” hơn trước. Cũng là đầu tư nước ngoài, ngày xưa là liên doanh thôi, rồi chuyển giá, mấy năm gần đây là sự lấn lướt của khu vực này trong xuất khẩu, trong sản xuất công nghiệp… Giáo dục, mạng xã hội hay quản lý đô thị cũng vậy thôi.
Điều đáng nói là dường như nhiều cấp quản lý không đi theo con đường xoắn lên này nên các vấn đề cứ dường như ngày càng phình to ra.
- Sự thiếu công bằng với người dùng Facebook, mô hình kinh doanh như Uber là phi nhân tính, lối sống bất ổn khi con người lệ thuộc màn hình điện thoại thông minh… từng được ông đưa ra mổ xẻ với điểm nhìn khá xa xu hướng đại chúng. Nhưng tôi nhớ không lầm thì ông từng là nhà báo có ảnh hưởng trên Facebook trong thời gian khá dài?
Nhà báo Nguyễn Vạn Phú, tác giả cuốn Sống trong thời viễn tưởng?. Ảnh: Thanh Hoa. |
- Viết báo, viết sách đôi lúc phải kịch tính một chút. Cuốn sách có vẻ nghiêng nhiều về những điều người viết chưa thấy hài lòng về nền kinh tế chia sẻ, về mạng xã hội, về thế giới ảo… chẳng qua là để tô đậm điều muốn cảnh báo.
Điện thoại thông minh hay quá đi chứ, nó còn mạnh hơn cái laptop cách đây vài năm; nhưng không phải vì thế mà vào quán café mỗi người cứ chúi mặt vào màn hình của mình dù rủ nhau café kháo chuyện.
Facebook là diễn đàn quá tuyệt vời, một bài báo dùng kênh Facebook để phát hành có thể làm số người đọc tăng cả chục lần so với chỉ đăng trên báo điện tử.
Nhưng Facebook cũng nhốt con người vào những bong bóng ngăn cách vô hình, ở đó ai nấy dễ bị ảo tưởng mình đang “xuất chiêu” trước đám khán giả cuồng nhiệt. Trong sách, tôi dùng hình ảnh “cầm trong tay cái micro và cứ nghĩ mọi lời họ nói ra đang lan tỏa đến hàng triệu người khác”.
Từ chối bị xô đẩy theo xu hướng đám đông
- Ông đã “nhảy khỏi Facebook” và trở lại công bố những bài phân tích theo lối truyền thống, trên báo giấy, có phải là một chọn lựa khắc kỷ và quá thận trọng? Trong chọn lựa này, ông thấy được gì và mất gì, trong bối cảnh mà “viral” (thuật ngữ chỉ sự lan tỏa trên không gian mạng) đang là một thứ tiêu chuẩn?
Mỗi ngày bị cuốn vào các dòng chảy như thế vài ba tiếng đồng hồ thì còn lại bao nhiêu thời gian cho những không gian riêng nơi bạn muốn đọng lại suy nghĩ một tí về cuốn sách mới đọc, bộ phim mới xem.
Nhà báo Nguyễn Vạn Phú
- Tôi không dùng Facebook nữa là vì những lý do riêng tư chứ không hẳn là sự chọn lựa giữa các kênh truyền tải. Bởi dù không thích không gian do Facebook tạo ra, nhiều người viết sách, viết báo vẫn biết đây là kênh lan tỏa không thể thiếu. Viết báo giấy thì cứ viết - viết xong, đăng lên rồi cứ dùng Facebook để quảng bá rộng ra, rồi lại tiếp nhận ngay những phản hồi của người đọc, còn gì hấp dẫn hơn?
Tuy nhiên, môi trường Facebook làm con người lười hẳn đi, có thể họ chỉ đọc cái tựa và câu dẫn và mắt bị một “status” khác hút vào nên lại nhảy qua tác giả khác, câu chuyện khác. Có ai, trong một đầu óc tỉnh táo, lại muốn mình bị kéo xà quần như thế?
Nhiều khi, những phản hồi trên mạng xã hội khác xa với thái độ trong đời thực. Ảnh: The Verge. |
Nói cách khác, nhìn từ phía tận dụng thì Facebook là công cụ không thể thiếu nhưng nhìn từ phía tiếp nhận, tôi từ chối bị xô đẩy theo xu hướng thông tin của đám đông. Mỗi ngày bị cuốn vào các dòng chảy như thế vài ba tiếng đồng hồ thì còn lại bao nhiêu thời gian cho những không gian riêng nơi bạn muốn đọng lại suy nghĩ một tí về cuốn sách mới đọc, bộ phim mới xem.
- Ông viết đại ý thế giới ảo mà chúng ta đang tạo ra là một giải pháp để giúp chính chúng ta quên đi những bất lực, muộn phiền trong thế giới thực, ở đó chúng ta ảo tưởng sức mạnh và khó bừng tỉnh. Vậy, kháng thể nào giúp chúng ta sống cân bằng khi công nghệ thông tin là xu hướng khó cưỡng và thiết yếu?
Trong thế giới do máy móc tạo ra, mối tương tác đó là “sớm nở tối tàn” - cái không thật nó nằm ở chỗ đó nên đừng bận tâm về nó quá nhiều, đừng ảo tưởng về sức mạnh nó trao cho chúng ta quá nhiều.
Nhà báo Nguyễn Vạn Phú
- Cuộc đời, tôi nghĩ, bản thân nó đã có cơ chế tự cân bằng. Có máy tính, có phần mềm làm được đủ thứ thì cũng có virus phá hại; bitcoin hứa hẹn một loại tiền tương lai hấp dẫn thì dân đầu cơ nhảy vào phá hỏng cuộc chơi; xe tự lái chưa hoàn chỉnh thì đã có nỗ lực hack phần mềm điều khiển xe để gây hại…
Trong cuốn sách này, tôi có viết: “Tính hai mặt của cuộc đời vừa kìm hãm đà tiến của nhân loại nhưng vừa là cái thắng cần thiết để chuẩn bị cho loài người trước những thay đổi luôn tác động lên lối sống của họ. Nếu không có cái thắng này, không thế hệ nào chịu nổi sự thay đổi đột ngột mà công nghệ có tiềm năng đem lại cho mọi người”.
"Có ai, trong một đầu óc tỉnh táo, lại muốn mình bị kéo xà quần như thế? " - nhà báo Nguyễn Vạn Phú. Ảnh: The Daily Beast. |
Ở phương diện cá nhân, có lẽ ai rồi cũng sẽ tìm ra điểm cân bằng. Nếu chúng ta sực tỉnh rằng mình đang cầm cái micro, nói vào không trung, ở giữa sa mạc, nơi có hàng triệu người khác cũng đang cầm micro gào khản tiếng mà không ai nghe như chúng ta, thì không cần ai bảo ai, thế giới đó sẽ sụp đổ ngay dưới chân ta.
Trong thế giới tạm coi là buồn tẻ của chúng ta hiện nay mọi mối dây tương tác phải dày công xây dựng và duy trì - cái còn đọng lại là tính người ứng xử với người. Loài người phải mất cả ngàn năm để tạo ra những quy tắc cho quá trình xây dựng này. Trong thế giới do máy móc tạo ra, mối tương tác đó là “sớm nở tối tàn” - cái không thật nó nằm ở chỗ đó nên đừng bận tâm về nó quá nhiều, đừng ảo tưởng về sức mạnh nó trao cho chúng ta quá nhiều.
Về nhà báo, tác giả Nguyễn Vạn Phú
- Cây bút bình luận trên các báo: Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn… Từng làm Tổng Thư ký Tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
- Những cuốn sách đã xuất bản: Chuyện chữ và nghĩa (1997), Tiếng Anh lý thú (2000), Năm điều cám dỗ giám đốc (2005), Tiếng Anh theo dòng thời sự (2008), Vàng và hai cô gái (2013), Sống trong thời viễn tưởng? - Chuyện người và máy (2018).
- Từng là “hot Facebooker” với những bài bình luận về các chủ đề nóng, được đông đảo người đọc đón nhận. Sau đó, anh từ bỏ Facebook để chuyên tâm vào nghiên cứu và viết những nội dung sâu hơn.