Ngày 1/1, Mark Zuckerberg “khai bút” bằng một thông điệp tươi sáng, tràn đầy hy vọng trên trang cá nhân của mình: “Việc thế giới phải đương đầu với những thách thức và cơ hội mới sẽ là động lực khiến tất cả chúng ta có thêm can đảm để cống hiến và sống có ý nghĩa hơn”. Chắc hẳn khi đó Mark không thể lường trước được những khó khăn mà mình và Facebook phải đối mặt trong những tháng ngày sau đó.
Ông chủ Facebook đối mặt với hàng loạt cáo buộc trong năm 2016. Ảnh: Getty.
|
Tuy nhiên, Facebook vẫn vượt qua tất cả để thu về doanh thu khổng lồ từ hoạt động quảng cáo. Đồng thời quỹ từ thiện Chan Zuckerberg Initiative cũng nhận được khoản đầu tư hơn 3 tỷ USD từ các nhà hảo tâm nhằm “hạn chế bệnh dịch, kết nối người dân và xây dựng cộng đồng”.
Quyền lực chưa từng có
Chỉ trong 3 tháng đầu năm, lợi nhuận của công ty đã lên đến 6 tỷ USD từ quảng cáo, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông – Gordon Borrell lý giải: “Facebook là một cỗ máy quảng cáo vô cùng hoàn hảo. Thao tác đơn giản cùng sự hiệu quả tức thì khiến họ hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư”.
Gordon cho biết, 85% chi phí quảng cáo trực tuyến hiện nay được dùng cho Facebook và Google. Điều này khiến các nhà xuất bản, công ty marketing truyền thống gặp phải khó khăn về tài chính lẫn nguy cơ sa thải nhân viên hàng loạt.
Chính quy mô của Facebook khiến họ gặp phải khó khăn trong việc quản lý toàn bộ hoạt động của công ty. Carl Miller – Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Truyền thông xã hội (CASM) cũng phải thừa nhận: “Chúng ta không đủ sức để có một mô hình quản lý phù hợp với những gã khổng lồ công nghệ như Facebook hay Google”.
Từ đây, những lo ngại về sự lạm quyền, mối đe dọa đối với nền dân chủ cũng như tính cạnh tranh trong kinh doanh giữa các công ty nhỏ hơn bắt đầu xuất hiện. Có ý kiến cho rằng, chính phủ Mỹ nên quốc hữu hóa Facebook, nhằm tránh những hậu họa về sau.
Chủ nghĩa thực dân của thời đại kỹ thuật số
Sai lầm đầu tiên trong năm 2016 của Mark là việc đưa “Free Basics” vào thực tiễn. Thay vì được cung cấp quyền truy cập và thụ hưởng những lợi ích tuyệt vời từ Internet miễn phí, người dân nghèo chỉ được sử dụng một số ứng dụng và dịch vụ nhất định với sự cho phép của Facebook.
Dự án Free Basics của Facebook bị chính phủ Ấn Độ từ chối. Ảnh: ndtv. |
Vì vậy, một trong các quốc gia nằm trong dự án Free Basics - Ấn Độ đã từ chối hợp tác thẳng thừng vì đã vi phạm nguyên tắc trung lập của Internet đồng thời buộc tội Facebook với tội danh “thực dân thời đại kỹ thuật số”.
Kiểm duyệt và trách nhiệm giải trình
Một trong những tâm điểm tranh luận năm 2016 là quy trình kiểm duyệt nội dung của Facebook. Mặc dù không phải là một công ty truyền thông có kinh nghiệm trong hoạt động biên tập, Facebook vẫn thường lạm quyền trong quá trình kiểm định bài đăng của người dùng nếu chúng vi phạm các chính sách của công ty hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Facebook từng tự động xóa bức ảnh mang tính lịch sử về chiến tranh Việt Nam – “Em bé Napalm” trong bài đăng của một nhà báo Na Uy và một video tuyên truyền nhận thức tác hại của ung thư vú vì chúng vi phạm quy định của công ty.
Chưa dừng lại ở đó, Facebook thẳng tay vô hiệu hóa tài khoản của người dùng, gỡ bỏ nội dung bài đăng của các nhà báo... nếu có yêu cầu từ phía cảnh sát. Sự thiếu minh bạch trong hoạt động kiểm duyệt đã dẫn đến cuộc biểu tình của hơn 70 nhóm bảo vệ nhân quyền, kêu gọi Facebook công khai về những lần “sử dụng quyền lực” không chính thức của mình.
Can thiệp vào cuộc bầu cử lịch sử
Sự thiếu hiệu quả trong việc kiểm soát tin tức giả mạo cùng các thuật toán chọn lọc nội dung trên Facebook đã gián tiếp định hướng suy nghĩ cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. García Martínez – một nhân viên cũ của Facebook còn nói đùa rằng công ty có thể bán bất cứ thứ gì, kể cả cuộc bầu cử, miễn sao có người trả giá cao.
Facebook bị kết tội làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Ảnh: AP.
|
“Hillary là kẻ giết người” hay “Đức Giáo Hoàng chấp thuận Trump” là những tin tức giả mạo xuất hiện nhan nhản trên News Feed trong suốt quá trình vận động tranh cử. Ngay cả Tổng thống đương nhiệm - Barack Obama cũng nhận thấy ảnh hưởng tiêu cực của những tin tức dạng này tới hệ thống chính trị quốc gia. Thậm chí Đức Giáo Hoàng Francis từng chỉ trích công khai hành vi này là một “trọng tội”.
Dù ban đầu một mực phủ nhận trách nhiệm song Zuckerberg đã phải công khai xin lỗi với lời hứa sẽ giải quyết triệt để vấn đề, bao gồm việc xây dựng các công cụ để phát hiện và phân loại các thông tin sai lệch.
Claire Wardle từ hãng tin First Draft News nhận định: “Facebook giống như một tờ báo có quy mô toàn cầu ở 192 quốc gia, với những ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Mark và các nhân viên không muốn thừa nhận sự thật này bởi với họ, nó không khác gì một cơn ác mộng”.
Các vấn đề trước mắt
Thời gian đã đi đến đoạn cuối năm 2016, Facebook phải đối mặt với thực tế rằng doanh thu từ quảng cáo đã đạt mức đỉnh điểm và sắp bão hòa. Điều này đồng nghĩa với việc công ty cần phải tìm hướng đi khác để kinh doanh qua các công ty con như WhatsApp, Instagram hoặc thông qua công nghệ thực tế ảo mà hãng đang nghiên cứu.
Ngoài ra, họ còn bị sự đe dọa liên tục từ đối thủ Snapchat với những tiện ích áp đảo dành cho giới trẻ sau khi Facebook thất bại trong thương vụ mua lại năm 2013.