Dự luật này quy định các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter nếu không loại bỏ tin tức giả mạo mang tính phỉ báng, phát biểu gây đả kích hoặc nội dung bất hợp pháp sẽ bị phạt đến 50 triệu euro (khoảng 43 triệu USD).
Nội các chính phủ của bà Angela Merkel đều đồng ý thông qua dự luật này. Tự do ngôn luận ngày càng tăng, tin nhảm càng dễ gây nguy hại cho cuộc bầu cử sắp tới.
"Chúng ta không nên khoan thứ cho bất kì hành động gây rối trên mạng xã hội cũng như kích động phạm tội trên đường phố. Thiết lập công tác quản lý tốt hơn là một hành động chuộc lỗi cho các nạn nhân", Heiko Maas, Bộ trưởng Tư pháp Đức tuyên bố phát động chiến dịch này ra khắp châu Âu.
Tin tức giả đang tràn ngập Facebook và Twitter. Ảnh: Getty. |
Dự thảo còn thêm vào hình thức phạt tù đối với các tội danh phát biểu đả kích, vu khống, vu oan, sai khiến, xách động, phỉ báng cá nhân hoặc tập thể chống lại chính phủ và tội ác hủy diệt hàng loạt, chống lại loài người.
Theo tờ Independent, vấn nạn "fake news" (tin giả) và các bài viết phân biệt chủng tộc tràn lan trên mạng xã hội đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết trước cuộc bầu cử diễn ra tháng 9 ở Đức.
Bên cạnh đó, vấn đề an ninh quốc gia của nước Đức đang được đặt lên hàng đầu với nỗi lo khủng bố từ một triệu dân nhập cư trong vòng hai năm gần đây, điển hình là sự can thiệp của tổ chức Hồi giáo cực đoan Isis.
Tháng trước, Facebook vừa thắng một vụ kiện liên quan tới việc một công dân người Syria bị đổ tội là khủng bố và giết người bởi những bài viết đả kích người dân nhập cư.
Anas Modamani đã chụp một tấm hình selfie với Thủ tướng Đức Merkel sau đó đưa lên mạng xã hội. Tuy nhiên, một số cá nhân hoặc tổ chức có xu hướng phân biệt chủng tộc đã dùng tấm hình đổ tội cho Anas với tội danh khủng bổ và đang lên kế hoạch ám sát.
"Tôi chụp hình vì tôi thích thế, không có một động cơ xấu nào cả", Anas trả lời với Independent.
Anas Modamani chụp hình chung với bà Merkel. Ảnh: Independent |
Facebook không thể xóa hết các nội dung gây kích động trên. Điều đó khiến Anas gặp nhiều nguy hiểm. Luật sư của anh chỉ ra rằng chính sách kiểm duyệt nội dung của Facebook không đề cập tới việc bôi nhọ người khác, là tội danh nghiêm trọng ở Đức, Anh và nhiều nơi khác.
Dự luật sắp được thông qua quy định các trang mạng xã hội có 24 giờ để xóa bỏ hoặc chặn các nội dung vi phạm và 7 ngày để kiểm duyệt bài viết ít nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, các trang này phải có trách nhiệm thông báo chi tiết với nạn nhân cách giải quyết vấn đề.
Những tổ chức phạm luật nhưng không sửa đổi kịp thời sẽ bị phạt số tiền lên tới 50 triệu euro và người đại diện cho tổ chức đó ở Đức cũng bị phạt 5 triệu euro (4.3 triệu bảng Anh).
Dự luật còn đưa thêm vào một số hạng mục cần kiểm duyệt như ấu dâm và cho phép tòa án can thiệp vào các trang mạng xã hội để tìm thông tin của nghi phạm.
Bộ trưởng Tư pháp Đức cho biết Facebook thường chỉ xóa bỏ 39% nội dung bị báo cáo bởi người dùng, trong khi đó Twitter chỉ có 1%, bất chấp việc các hãng này đã kí kết một quy định sẽ loại bỏ mọi bài viết sai phạm trong vòng 24 giờ vào năm 2015.