Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ (FTC) vừa chính thức mở cuộc điều tra đối với Facebook, theo Bloomberg, sau scandal "bán đứng" thông tin của hàng chục triệu người dùng.
Cổ phiếu của Facebook tiếp tục giảm 4,7 % trong phiên mở màn ngày 20/3, sau khi đã sụt gần 7 % hôm 19/3. Các nhà đầu tư lo ngại mạng xã hội lớn nhất thế giới phải đối mặt án phạt khổng lồ, đồng thời đánh mất danh tiếng đối với người dùng và các nhà quảng cáo. Giá trị vốn hóa của Facebook giảm 20 tỷ USD sáng ngày 20/3.
Mark Zuckerberg đứng trước áp lực vô cùng lớn sau scandal làm rò rỉ dữ liệu cá nhân của 50 triệu người dùng. Ảnh: Axios. |
Các nhà làm luật Mỹ và châu Âu đang yêu cầu Facebook tường trình về cách mà công ty tư vấn có tên Cambridge Analytica có quyền truy cập dữ liệu người dùng vào năm 2014. Đồng thời trả lời cho việc Facebook không thông báo đến người dùng, gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến bảo mật cá nhân của họ.
Cuộc điều tra của FTC, đơn vị có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tiêu dùng, sẽ xác định xem việc Facebook cho phép Cambridge Analytica tiếp nhận thông tin người dùng có vi phạm chính sách hay không, Bloomberg dẫn một nguồn tin thân cận.
“Chúng tôi quan ngại về vấn đề này nhưng chưa thể bình luận gì sâu về cuộc điều tra. Chúng tôi làm việc nghiêm túc trước bất cứ trường hợp vi phạm chính sách nào, giống như trường hợp của Google năm 2012”, phát ngôn viên của FTC cho biết.
Năm 2011, Facebook bị khiếu nại về việc họ không quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng. Sau đó, Facebook đã đồng ý thiết lập các biện pháp tốt hơn để bảo vệ dữ liệu của 800 triệu tài khoản. FTC đang xem xét liệu Facebook có vi phạm thỏa thuận này hay không, theo Bloomberg.
Tại Anh, Ủy ban Thông tin đã xin giấy bảo lãnh từ thẩm phán đề khám xét văn phòng của Cambridge Analytica tại London.
Cũng trong ngày 20/3, nhiều người ra vào tòa nhà nơi Cambridge Analytica làm việc, mang theo những thùng nhựa đựng tài liệu, theo Reuters.
Những thùng đựng tài liệu xuất hiện bên trong tòa nhà nơi Cambridge Analytica đặt trụ sở. Ảnh: Reuters. |
“Chúng tôi đang xem xét liệu Facebook có bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng trên nền tảng của họ hay không và khi dữ liệu bị mất, họ hành động ra sao, có thông báo đến người dùng hay không?”, Elizabeth Denham, người đứng đầu Ủy ban Thông tin Anh nói với BBC.
Ra đời năm 2013, Cambridge Analytica quảng bá mình là một đơn vị nghiên cứu người dùng, nhắm đến các nhà quảng cáo và dịch vụ dữ liệu cho chính trị gia và khách hàng doanh nghiệp.
Facebook cho hay dữ liệu này được thu thập bởi một học giả người Anh tên là Aleksandr Kogan. Ông này tạo ra một ứng dụng trên Facebook, được 270.000 người tải xuống, cung cấp thông tin truy cập không chỉ dữ liệu cá nhân mà cả bạn bè họ.
Facebook cho biết Kogan sau đó đã vi phạm chính sách khi cung cấp dữ liệu cho Cambridge Analytica. Họ khẳng định lượng dữ liệu này đã bị hủy.