Sáu năm trước, chị K.X.Đ., khi đó vừa tròn 18 tuổi, quyết định cùng em họ và 2 người bạn dọn vào sống chung trong một căn hộ tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) để bắt đầu xây dựng sự nghiệp cho riêng mình.
Biết trước sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn, chị Đ. cũng không ngờ 6 năm sau, họ lại cùng nhau mắc phải căn bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm như Covid-19.
Điều may mắn là ngần ấy thời gian sống tự lập cũng giúp họ giữ được tinh thần lạc quan, nỗ lực và nhanh chóng vượt qua bạo bệnh.
Người bệnh nhẹ chăm người nặng hơn
“Gần 2 tuần trước, một trong 2 người bạn cùng nhà của tôi bất ngờ có biểu hiện sốt li bì, người nhức mỏi và cảm giác đau đầu. Tình trạng này kéo dài vài ngày sau đó”, chị Đ. nhớ lại.
Ở thời điểm này tại TP.HCM, những dấu hiệu kể trên không khỏi khiến các thành viên còn lại trong nhà lo lắng. Dẫu vậy, trong suốt 3 tháng qua từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, 4 người con gái trẻ, với vốn hiểu biết của mình, gần như chỉ ở trong nhà. Do đó, họ vẫn tự thuyết phục bản thân rằng người bạn đó chỉ bị cảm cúm thông thường.
Bốn ngày sau, chị Đ. cũng bắt đầu cảm nhận được triệu chứng nhức đầu, đau họng và sốt. Hai người còn lại trong nhà cũng xuất hiện các triệu chứng tương tự nhưng không thực sự rõ ràng. Cùng với kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, họ mới có thể chắc chắn mình mắc Covid-19.
Các loại thuốc được chị Đ. chuẩn bị và sử dụng trong quá trình tự điều trị Covid-19 tại nhà. Ảnh: NVCC. |
Do đủ các điều kiện cần thiết và chỉ có triệu chứng nhẹ, chị Đ. cùng 3 người cùng nhà được cho phép tự theo dõi sức khỏe và điều trị tại nhà với sự hỗ trợ của lực lượng y tế địa phương.
Chị Đ. chia sẻ: “Ngày đầu tiên xuất hiện triệu chứng, cổ họng của tôi đau tới mức không nói được. Tuy vậy, với kinh nghiệm từng bị viêm amidan, tôi giã vài lá hẹ pha với một chút nước dừa để uống 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối. Uống từ từ, nuốt dần vào họng. Hôm sau, cảm giác đau họng của tôi đỡ khá nhiều, tâm trạng của tôi cũng nhờ thế tốt hơn”.
Ngoài ra, 4 thành viên trong nhà cũng chia sẻ tình trạng sức khỏe, đồng thời động viên nhau duy trình thói quen sinh hoạt cũng như thực hiện một số phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh:
- Xông người với nước sả, chanh, gừng, muối khoảng 15 phút/ngày
- Pha nước muối loãng và súc họng khoảng 4-5 lần/ngày
- Uống nước ấm, 2-3 lít/ngày
- Sử dụng nước ấm để tắm
- Dậy sớm tập thể dục và tắm nắng khoảng 15 phút/ngày.
- Uống thêm nước chanh pha mật ong cùng nước ấm
- Bổ sung vitamin C
- Uống paracetamol khi có triệu chứng đau đầu, sốt
- Ăn nhiều để bổ sung năng lượng
“Trong suốt thời gian đó, chúng tôi vẫn sinh hoạt và chăm sóc lẫn nhau. Người chưa có triệu chứng lo cho người đang bệnh. Người bệnh nhẹ chăm cho người diễn biến nặng hơn”, chị Đ. cho hay.
Không báo cho người nhà vì sợ lo thêm
Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, ngay từ thời điểm chưa mắc bệnh, chị Đ. cùng các thành viên còn lại trong nhà đã nhận thức được rằng dịch Covid-19 ở rất gần. Những trường hợp F0 xuất hiện ngày càng nhiều xung quanh căn hộ nhỏ họ đang sinh sống như báo hiệu về sự nguy hiểm của đợt dịch lần này.
Chị Đ. nói: “Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần từ trước. Nhờ vậy, khi biết bản thân nhiễm SARS-CoV-2, mọi người đều giữ được tinh thần rất lạc quan, không hoảng loạn hay mất bình tĩnh”.
Dẫu vậy, hiểu được tính chất của bệnh và những điều mình phải trải qua để chiến thắng Covid-19, 4 người họ quyết định không thông báo cho người nhà.
Nhiều bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng ở TP.HCM được quản lý, theo dõi tại nhà. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
“Báo tin cũng chỉ sợ người thân ở nhà lo lắng thêm mà không giải quyết được gì. Tôi vẫn gọi về hỏi thăm gia đình thường xuyên nhưng không nói mình bị bệnh. Những cuộc điện thoại này phần nào giúp chúng tôi có thêm động lực. Một số người bạn khi biết tôi nhiễm virus còn hoảng hơn nữa, lo chúng tôi không qua khỏi”, chị Đ. cười.
Chị Đ. chia sẻ yếu tố quan trọng nhất để vượt qua bệnh chính là tinh thần lạc quan. Nhờ vui vẻ chấp nhận thực tế, họ mới có thể tập trung điều trị, duy trì sinh hoạt, ăn uống điều độ.
“Thời điểm duy nhất trong diễn biến bệnh khiến chúng tôi hơi lo lắng là khi biểu hiện mất khứu giác, tức ngực xuất hiện. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhanh chóng tự trấn an và bắt đầu tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau một ngày, triệu chứng này nhanh chóng qua đi”, chị Đ. kể.
Theo chị Đ., các thành viên trong nhà đều là những người trẻ, trước nay cũng luôn duy trì thói quen tập luyện mỗi ngày. Nhờ vậy, sức khỏe của mọi người may mắn đều nhanh chóng ổn định, các triệu chứng cũng không quá nặng nề.
Sau khi mắc bệnh, họ vẫn duy trì việc tập luyện nhẹ nhàng mỗi sáng, đồng thời cố gắng ăn đầy đủ chất gồm cơm, rau, thịt và các loại hoa quả.
“Đến nay, sau 7 ngày tự điều trị, chúng tôi đều đã khỏe mạnh trở lại. Kết quả test nhanh được các nhân viên y tế địa phương thực hiện cũng cho thấy chúng tôi âm tính với nCoV. Tôi hy vọng những người khác không may mắc Covid-19 cũng sẽ sớm vượt qua cùng tinh thần luôn lạc quan nhất. Chúng ta rồi sẽ sớm chiến thắc đại dịch”, chị Đ. tâm sự.