Một tháng trước, anh Phạm Hữu Tình - Chủ nhiệm câu lạc bộ Nghĩa tình Đất Việt - không may mắc Covid-19 khi đi phát lương thực khắp ngõ hẻm cách ly, phong tỏa ở TP.HCM. Sau hơn một tuần tự điều trị tại nhà, anh khỏe lại và tiếp tục hành trình thiện nguyện. |
Một ngày của anh thường bắt đầu từ 6h sáng. “Tôi ở một mình nên thường tự tay làm các món ăn. Vừa khỏe lại chưa lâu, tôi được bạn bè là y, bác sĩ khuyên dùng thực phẩm có nhiều đạm, protein, vitamin C để tăng cường sức đề kháng”, anh nói. |
Vì từng mắc Covid-19 nên anh đặc biệt quan tâm đến vấn đề sát khuẩn. Mỗi khi ra ngoài, anh đều trang bị đầy đủ kính chống giọt bắn, găng tay, nước rửa tay khô và súc miệng bằng Listerine - dung dịch chuyên dụng có khả năng diệt 99,9% vi khuẩn - để loại bỏ tạp khuẩn xâm nhập qua khoang miệng, tạo “chốt chặn” ngăn virus tấn công cơ thể. |
Ba tháng trước, khi dịch bắt đầu bùng phát, anh làm đầu bếp nấu cơm từ thiện cho tuyến đầu và những khu cách ly, phong tỏa. Khi TP.HCM siết chặt giãn cách, nhu cầu hỗ trợ lương thực tăng cao, nhóm thiện nguyện của anh Tình chuyển qua trao tặng gạo, rau, nhu yếu phẩm cho người gặp khó trong dịch. |
Những ngày này, gạo và rau xanh là thực phẩm người dân thực sự cần thiết. Vì thế mỗi ngày, anh và nhóm phải di chuyển hàng chục kilomet để mua rau từ vườn hoặc đến điểm tập kết đồ hỗ trợ của mạnh thường quân. |
Trên hành trình của mình, anh được các mạnh thường quân biết đến và tin tưởng hỗ trợ hàng tấn rau, trái cây mỗi tuần, đôi khi có thêm thịt heo và cá biển. |
Dù ở bất cứ đâu, anh và nhóm đều không quên tuân thủ quy tắc phòng dịch. Lên xe, anh dùng cồn nồng độ cao xịt khử khuẩn toàn thân và khu vực ghế ngồi lái phía trước. "Từng là F0 khỏi bệnh, cơ thể tôi đã có miễn dịch nhất định. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi lơ là việc phòng dịch cá nhân"- anh nói. |
Trước khi xe lăn bánh, anh tranh thủ xem lại địa chỉ người tiếp nhận rồi sắp xếp lộ trình. Vì có rất nhiều điểm cần giúp đỡ, phải liên lạc không ít người nên mọi thứ anh đều ghi chép vào sổ. |
Đi qua mỗi chốt chặn, anh đều xuất trình lịch sử hành trình cá nhân trên hệ thống QR theo đúng yêu cầu của lực lượng chức năng. |
Điểm đến của anh thường là những xóm trọ nghèo, đông người của thành phố như quận Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, quận 9, quận 12, TP. Thủ Đức… |
Ở mỗi quận huyện, anh đều kết nối với các TNV nhằm khảo sát những nơi khó đi lại, hẻo lánh và khó khăn nhất của thành phố để cứu trợ. Điển hình là các khu vực phong tỏa của phường Bình Chiểu (TP. Thủ Đức). Nơi đây có nhiều công nhân, người lao động khó khăn... do nhiều tháng không đi làm, không thu nhập và cũng không thể ra ngoài mua thực phẩm. |
Trong quá trình di chuyển, không ít lần anh và nhóm gặp khó khăn vì có nhiều chốt chặn cứng hoặc những địa chỉ là hẻm nhỏ ôtô không thể vào. |
Hành trình thiện nguyện thường bắt đầu từ sáng sớm đến khi tối muộn. Có những ngày, 10h đêm, anh và nhóm vẫn rong ruổi trên những cung đường tìm đến nhà dân. |
Những lúc đêm muộn, đường xá không có hàng quán, nên anh thường chủ động mang theo bánh mì, bánh ngọt… để ăn tạm. Nhiều khi lạc đường, sợ người dân chờ lâu, anh cố di chuyển mà quên cả đói. Túi bánh ngọt vẫn được buộc kín trên xe từ lúc đi đến lúc về. |
Khi trên xe không còn túi hàng nào, anh cùng các bạn tình nguyện viên xịt khuẩn phòng dịch cho nhau và chuẩn bị ra về. |
"Được giúp đỡ mọi người trong khó khăn là điều tôi và nhóm cảm thấy hạnh phúc và yên tâm phần nào. Cuộc sống cũng vì thế mà thêm phần ý nghĩa, thú vị", anh Phạm Hữu Tình chia sẻ. |