Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã được kiểm toán.
Các số liệu trong báo cáo cho thấy tập đoàn này vừa trải qua năm với kết quả kinh doanh tăng mạnh ở cả doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, năm 2019, EVN ghi nhận 394.890 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với năm liền trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn (gần 21%) đã khiến lợi nhuận gộp của tập đoàn này giảm 4% so với cùng kỳ, đạt 51.038 tỷ đồng.
Con số lợi nhuận gộp thu về năm 2019 tương đương với biên lãi gộp mà tập đoàn sản xuất kinh doanh điện này có được vào khoảng 12,9%, giảm so với mức 15,7% năm 2018.
Cũng trong năm gần nhất, hoạt động tài chính mang về cho EVN 3.973 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 9%. Trong đó, số thu này chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng.
Ngoài ra, tập đoàn này cũng thu về gần 500 tỷ đồng tiền lãi trong các công ty liên doanh, liên kết trong năm (giảm 13%).
Để ghi nhận doanh thu tăng trưởng, năm 2019 EVN cũng phải chi nhiều tiền hơn để trang trải các chi phí phát sinh trong kỳ. Trong đó, chi phí bán hàng tăng 6%, ngốn của tập đoàn 7.134 tỷ; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 3%, ở mức 13.635 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí tài chính EVN phải chịu năm qua lại giảm tới 23% (từ hơn 29.000 tỷ xuống 22.500 tỷ). Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của EVN năm vừa qua tăng 47% dù lợi nhuận gộp đi xuống. Nguyên nhân của việc chi phí tài chính giảm mạnh là do EVN được ghi nhận giảm lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện trong năm 2019.
Sau khi hợp nhất cùng hoạt động kinh doanh khác, EVN thu về gần 12.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2019, tăng 38% so với năm 2018.
Lợi nhuận sau khi trừ thuế Thu nhập doanh nghiệp của tâp đoàn này là 9.720 tỷ, tăng 43%. Trong đó, riêng lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ cũng tăng 41%.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản hợp nhất của tập đoàn này đạt gần 721.500 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm.
Đặc biệt, mục tiền và các khoản tương đương tiền của EVN đến cuối năm 2019 cũng là 53.601 tỷ đồng, tăng 7%. Bên cạnh đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng tăng hơn 22.000 tỷ đồng (56%) lên mức 61.538 tỷ. Trong số này, hơn 34.900 tỷ là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.
Như vậy, tổng các khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của EVN tại thời điểm cuối năm 2019 vào khoảng 88.500 tỷ đồng, chiếm hơn 12% tổng tài sản tập đoàn. Chính nhờ các khoản tiền gửi ngân vài chục nghìn tỷ này, mỗi năm EVN đều thu về hàng nghìn tỷ tiền lãi từ hoạt động tài chính.
Theo báo cáo tình hình hoạt động 4 tháng đầu năm nay, EVN cho biết tập đoàn vẫn cung cấp đủ điện cho nhu cầu sinh hoạt của người dân, đặc biệt trong thời gian diễn ra cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Trong đó, sản lượng toàn hệ thống 4 tháng đầu năm đạt 75,83 tỷ kWh, tăng 2% so với cùng kỳ. Các nguồn điện chính bao gồm nhiệt điện than (45,33 tỷ kWh, tăng 17%); tua bin khí (12,62 tỷ kWh, giảm 16%); thủy điện (11,6 tỷ kWh, giảm 36%); năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối (3,69 tỷ kWh); điện nhập khẩu (1,28 tỷ kWh, giảm 11%); và nhiệt điện dầu (1,02 tỷ kWh, tăng gần 5 lần).
Theo dự báo của tập đoàn, tháng 5 dự kiến sẽ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. EVN dự tính sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày toàn hệ thống trong tháng 5 ở mức 704,5 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 38.270 MW.